Quá trình thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Huế và lãnh đạo Phong trào cách mạng 1930-1931.

 Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 3/1930 đồng chí Nguyễn Phong Sắc ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ đến Huế để vận động thống nhất các tổ chức cộng sản ở Thừa Thiên. Chủ trương này được Đảng bộ Đông Dương cộng sản liên đoàn và Đảng bộ Đông Dương cộng sản Đảng nhất trí tán thành. 

Tháng 4/1930 Hội nghị hợp nhất tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên đã tuyên bố thống nhất 2 tổ chức cộng sản thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên. 

Hội nghị đã thảo luận Cương lĩnh chính trị và Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua phương hướng hoạt động và hệ thống tổ chức của tỉnh Đảng bộ. Hội nghị đã cử ra BCH Đảng bộ gồm 5 đồng chí. Đồng chí Lê Viết Lượng được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. 

Trong phiên họp đầu tiên, Tỉnh ủy đã đề ra một số phương hướng công tác cụ thể như sau: tuyên truyền trong nhân dân về sự thành lập Đảng bộ, giác ngộ lý tưởng cách mạng trong công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức, phát động quần chúng nhân dân trong tỉnh tổ chức một đợt đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. 

Chủ trương của Tỉnh ủy đã được các đồng chí đảng viên và cơ sở cốt cán của Đảng bí mật triển khai. Ngày 1/5/1930 cờ đỏ búa liềm đồng loạt xuất hiện trên một số đường phố chính, ga Huế, trường Quốc Học, đình làng An Cựu, cửa Thượng Tử; truyền đơn được rải ở nhiều nơi trong tỉnh kêu gọi nhân dân phản đối chủ nghĩa đế quốc, đòi các quyền dân chủ. 

Phối hợp với cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh, ngày 30/9/1930, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vạch kế hoạch đẩy mạnh cuộc vận động “Bênh vực Nghệ An đỏ” chống chính sách khủng bố của thực dân. Tỉnh ủy đã đề ra một số biện pháp khẩn cấp: phổ biến rộng rãi tin tức đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh và sự tàn sát dã man của địch, tổ chức truy điệu các đồng chí và đồng bào đã hy sinh... 

Tại các trường học trong thành phố, các chi hội Sinh hội đỏ đã lập ra Ban đấu tranh trong học sinh, tổ chức các cuộc diễn thuyết, tuyên truyền bãi khóa để ủng hộ nhân dân Nghệ Tĩnh. 

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh, thực dân Pháp tiến hành khủng bố. Đầu năm 1931, hầu hết các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Đảng bộ và các chi bộ đều bị địch bắt giam; Đảng bộ Thừa Thiên Huế đứng trước những khó khăn thử thách to lớn. 

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Tài liệu Hỏi đáp về Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế 1930 - 2000, Nxb Thuận Hóa, năm 2003)
/*** js CHAN TRANG ***/