Thông qua “diễn biến hòa bình”, với chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực thù địch, phản động đã từng bước xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô (Trong ảnh: Đại hội lần thứ XXVIII Đảng Cộng sản Liên Xô) _Nguồn: russian.rt.com
Âm mưu thâm
độc và phản động
Hiện nay, trên
nhiều kênh thông tin, các thế lực thù địch và phản động cho rằng ở Việt Nam
không có dân chủ, vì chế độ nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền ở Việt
Nam sẽ là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và vì thế dẫn đến dân chủ mang tính hình
thức hoặc mất dân chủ (?!). Bên cạnh đó, chúng viện dẫn rằng, về bản chất, đảng
cộng sản là không dân chủ, cho nên chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất
lãnh đạo và cầm quyền sẽ vi phạm nền dân chủ. Muốn đạt tới một nền dân chủ đích
thực, phải thi hành chế độ đa đảng (?!).
Các thế lực phản
động xuyên tạc rằng, thể chế chính trị một đảng duy nhất cầm quyền chính là mảnh
đất làm nảy sinh, dung dưỡng để phát triển tư tưởng và hành vi chuyên quyền, độc
quyền, lộng quyền của đảng cầm quyền, gây mất dân chủ, cản trở quá trình phát
triển xã hội. Từ đó, chúng quy kết hàm hồ rằng, ở quốc gia chỉ có một đảng duy
nhất lãnh đạo như Việt Nam thì không thể có dân chủ, sẽ đưa đất nước, dân tộc
đi vào ngõ cụt. Do vậy, theo chúng, từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản
vì đó là then chốt của chế độ dân chủ; muốn dân chủ phải thực hiện chế độ đa
nguyên, đa đảng (?!).
Từ những luận
điệu trên của các thế lực thù địch, phản động, có thể thấy: 1- Đây là điều phản
khoa học, bởi nó cố tình đánh đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ
và phát triển; 2- Những luận điệu trên che giấu âm mưu thâm độc, nham hiểm, phản
động, vì thông qua đó các thế lực thù địch lợi dụng để cổ xúy cho việc ra đời
và công khai hóa, hợp pháp hóa các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản
Việt Nam, tiến tới xóa bỏ vai trò cầm quyền và lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội
của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối cùng, mục tiêu của chúng là xóa bỏ con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam.
Những gì đã xảy
ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) Đông Âu cuối thập niên 80 - đầu
thập niên 90 thế kỷ XX đã chứng minh rất rõ âm mưu, ý đồ thâm độc này. Thông
qua “diễn biến hòa bình”, với chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, các
thế lực thù địch, phản động đã từng bước xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của
Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 3-1990, Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô bất thường
thông qua Nghị quyết sửa đổi Điều 6 Hiến pháp Liên Xô, hủy bỏ quy định về địa vị
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, tuyên bố tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả
các chính đảng tham gia xây dựng và quản lý Nhà nước, xã hội, mở đường cho chế
độ đa nguyên, đa đảng ở Liên Xô. Sau chỉ gần 1 năm, có tới 153 đảng phái khác
nhau ra đời và cạnh tranh công khai, trực tiếp và hợp pháp với Đảng Cộng sản
Liên Xô. Hệ quả là, Đảng Cộng sản Liên Xô bị tước mất quyền lãnh đạo Nhà nước
và xã hội, dẫn tới kết cục đau xót Liên bang Xô-viết bị tan rã sau gần 70 năm
xây dựng và phát triển[1].
Diễn biến trên nằm trong mưu đồ của các thế lực thù địch bên ngoài, có sự hưởng ứng, giúp sức của những kẻ phản bội lý tưởng CNXH, những kẻ cơ hội chính trị bên trong, đòi phải đa nguyên, đa đảng hòng trực lợi chính trị mong có cơ hội “đổi vận”. Thực tế cho thấy, “Sau khi Liên Xô sụp đổ,... (số quan chức mới) biến thành những “quý nhân” của nước Nga. Họ chiếm 75% số quan chức bên cạnh tân tổng thống; 57,1% trong số lãnh tụ những chính đảng mới và 73,4% trong số những quan chức của chính phủ mới”,... vào “năm 1991, trong số hàng vạn triệu phú ở Moscow, đại bộ phận nguyên là những cán bộ làm việc trong các cơ quan đảng, chính quyền”[2]. Sự thực này bóc trần rõ những gì mà lực lượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn lớn tiếng rao giảng, tuyên bố rằng phải đấu tranh cho “dân chủ”, “tự do” của nhân dân (?!), nhưng sự thật trần trụi chính là vì lợi ích của cá nhân và “nhóm lợi ích” của chúng, chứ hoàn toàn không phải vì dân, vì nước.
Dân chủ hay không dân chủ phụ thuộc vào việc đảng cầm quyền bảo vệ quyền và lợi ích của ai
Đối tượng phục
vụ của đảng cầm quyền là đa số nhân dân lao động hay một bộ phận nhỏ người chiếm
hữu phần lớn số tài sản trong xã hội? Trả lời cho câu hỏi này sẽ nói lên bản chất
của chế độ chính trị mà đảng đó đang hoạt động.
Chế độ chính trị
của Trung Quốc theo mô hình nhất nguyên, đa đảng do Đảng Cộng sản Trung Quốc
duy nhất cầm quyền[3],
hoặc chế độ chính trị của Lào, Cu-ba và Việt Nam theo mô hình nhất nguyên, một
đảng cộng sản duy nhất cầm quyền. Mặc dù, kinh tế, xã hội ở các quốc gia này
chưa đạt trình độ phát triển cao như một số nước phát triển ở châu Âu, Mỹ,
nhưng chế độ dân chủ ở những nước do đảng cộng sản duy nhất cầm quyền được đề
cao, được bảo đảm và ngày càng được thực hành rộng rãi hơn, thực chất hơn; đời
sống chính trị - xã hội ổn định[4].
Thành công
không thể phủ nhận của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua do Đảng Cộng sản Việt
Nam lãnh đạo là giành, giữ vững độc lập dân tộc, từng bước xây dựng và phát huy
nền dân chủ XHCN. Chính vì thế, năm 2010, khi trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ
nhân chuyến thăm quốc gia này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng
Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đã khẳng định: “Không
phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có
hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có
phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất
nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng
nhất”[5].
Địa vị cầm quyền
của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là ý chí chủ quan của một cá nhân hay của
một lực lượng chính trị nào, mà đó là kết quả quá trình “sàng lọc” khắc nghiệt
của lịch sử, sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam. Sự thực, chỉ có Đảng Cộng sản Việt
Nam mới là lực lượng chính trị có đủ khả năng dẫn dắt nhân dân giành được độc lập
cho dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho con người. Trước khi Đảng Cộng sản
Việt Nam ra đời, hàng trăm cuộc khởi nghĩa, phong trào chống Pháp đã nổ ra theo
nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng cuối cùng đều thất bại. Nhiều đảng
phái thuộc mọi khuynh hướng chính trị đã ra đời, như Đảng Lập hiến (năm 1923),
Việt Nam nghĩa đoàn, Đảng Thanh niên, An Nam độc lập đảng (năm 1927), Việt Nam
Quốc dân đảng (năm 1927), Đại Việt quốc gia xã hội đảng, Đại Việt quốc dân đảng,
Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách)[6],
nhưng các tổ chức này đã không hoàn thành được sứ mệnh giành độc lập cho dân tộc,
thậm chí nhiều đảng phái ngày càng thoái hóa, biến chất, đi ngược lại lợi ích
dân tộc, làm tay sai cho ngoại bang. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng
Cộng sản chủ trương vận động thành lập Đảng dân chủ Việt Nam (năm 1944) và Đảng
Xã hội Việt Nam (năm 1946) để đoàn kết, tập hợp tư sản dân tộc, tiểu tử sản,
trí thức cùng góp sức vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kiến thiết lại đất
nước sau khi đã giành được độc lập. Ngay từ khi ra đời cũng như trong suốt quá
trình tồn tại và hoạt động, Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội luôn thừa nhận vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; là thành viên tích cực của mặt trận dân tộc
thống nhất; đồng hành cùng dân tộc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách
của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1988, hai đảng này tuyên bố tự giải tán sau khi
hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Có thể khẳng định, đối với Việt Nam, không
có lực lượng chính trị nào ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ năng lực trí tuệ,
bản lĩnh, đạo đức, uy tín để lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc
và xây dựng đất nước hùng cường, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Vai trò lãnh đạo của Đảng được kiểm nghiệm bởi quá trình lịch sử lâu dài, đầy
khó khăn, thách thức và sàng lọc nghiệt ngã, mà ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc
nào, những người đảng viên cộng sản luôn thể hiện tính tiền phong, gương mẫu, sẵn
sàng gánh vác mọi gian khổ, kể cả chấp nhận hy sinh xương máu để thực hiện
thành công sứ mệnh thiêng liêng, trách nhiệm cao cả, hết lòng vì nước, vì dân.
Trong khi đó, ở
các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, điển hình là nước Mỹ, mặc dù là quốc gia đa đảng,
nhưng thực sự chỉ có hai đảng luân phiên cầm quyền: Đảng Cộng hòa và Đảng Dân
chủ. Đây là hai đảng của giai cấp tư sản. Thêm vào đó, cái gọi là “nền dân chủ
Mỹ” chỉ là nền dân chủ của giới nhà giàu hay nền dân chủ “đấu giá”, giả hiệu,
vì theo tờ Thời báo tài chính (Anh) ngày 25-11-2000: “Cuộc bầu
cử năm 2000 đã cho thấy rõ nền dân chủ Mỹ có thể bán cho những người trả giá
cao nhất”; tờ Thế giới (Tây Ban Nha) cùng ngày đã ví thói mê
tiền như là “căn bệnh ung thư của nền dân chủ Mỹ”[7]. Một
chính quyền được tạo lập bởi đồng tiền thì tất yếu phải hướng đến phục vụ những
kẻ nhiều tiền, chứ không thể là một “chính quyền của tất cả mọi người”, như các
học giả phương Tây vẫn rêu rao[8]. Sự
dối trá của nền dân chủ tư sản đã bị chính cử tri ở các nước đó bóc trần
bằng hành động tẩy chay các cuộc bầu cử, với mức độ ngày càng gia tăng. Các cuộc
bầu cử tổng thống ở Mỹ những năm 1996 và 2000 chỉ có khoảng 50% tổng số cử tri
tham gia[9].
Trong xã hội hiện
đại, tương ứng với mỗi mô hình kinh tế, xã hội, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn
cảnh lịch sử cụ thể, có thể là hệ thống chính trị một đảng hay hệ thống chính
trị đa đảng cạnh tranh. Tuy nhiên, trong hệ thống chính trị đa đảng, tại một thời
điểm nhất định cũng chỉ có một đảng thực chất cầm quyền, ngay cả trong trường hợp
liên minh một số đảng cùng cầm quyền để thành lập chính phủ, thì đảng nào chiếm
nhiều số ghế hơn trong nghị viện vẫn có quyền quyết định trong việc đưa ra các
chính sách của chính phủ (như ở Đức hiện nay).
Vì vậy, mức độ
dân chủ và không dân chủ của chế độ chính trị một quốc gia không phụ thuộc vào
số lượng các đảng chính trị, không phụ thuộc vào việc có áp dụng hay không áp dụng
chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, mà nó phụ thuộc vào bản chất của
chính đảng cầm quyền: Đảng cầm quyền đó đại diện cho quyền và lợi ích của ai và
phục vụ, bảo vệ quyền và lợi ích cho số đông hay số ít người trong xã hội? Cho
nên, ở quốc gia nhất nguyên, một đảng, nhưng nếu đảng cầm quyền đó đại diện cho
quyền và lợi ích của đa số người dân, phục vụ và bảo vệ cho số đông thì quốc
gia đó vẫn dân chủ hơn các quốc gia dù đa nguyên, đa đảng mà ở đó các đảng
không đại diện và bảo vệ quyền lợi cho đông đảo người dân trong xã hội.
Thực tiễn ở
Việt Nam là minh chứng rõ nét về việc bảo đảm phát huy dân chủ trong chế độ duy
nhất một đảng cầm quyền
Đảng Cộng sản
Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, tư tưởng của Người là nền
tảng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng hơn 90 năm
qua. Người đã sớm nhận thức bản chất, vai trò của dân chủ. Theo Người: “Nước ta
là nước dân chủ./ Bao nhiêu lợi ích đều vì dân./ Bao
nhiêu quyền hạn đều của dân/... Nói tóm lại,
quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[10].
Vì thế, Người khẳng định: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn
năng có thể giải quyết mọi khó khăn”[11]. Vận
dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và phát huy dân chủ,
qua mỗi giai đoạn cách mạng Việt Nam, nhận thức của Đảng ta về dân chủ và phát
huy dân chủ XHCN ngày càng được hoàn thiện. Thành tựu đó được thể hiện cụ thể
trong các giai đoạn sau:
Thứ nhất, dân
chủ ở Việt Nam trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Ngay từ khi mới
thành lập, Đảng ta xác định nhiệm vụ cách mạng Việt Nam là: Thực hiện cách mạng
dân tộc dân chủ nhân dân, sau đó tiến lên CNXH. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân
dân ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa. Lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước, nhân dân có quyền là chủ
và làm chủ đất nước, chính quyền các cấp do nhân dân lập ra, phục vụ cho lợi
ích số đông nhân dân lao động và do chính đảng của giai cấp công nhân - Đảng Cộng
sản Việt Nam - lãnh đạo.
Dưới sự lãnh đạo
của Đảng, đầu năm 1946 nhân dân ta đã thực hiện Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội,
đến cuối năm đó ban hành Hiến pháp của nước Việt Nam. Ngay Điều 1 của Hiến pháp
năm 1946 đã quy định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt
Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”[12].
Đây chính là sự nhận thức mang tính cách mạng của Đảng và Nhà nước ta về việc
xác định địa vị chính trị - pháp lý của nhân dân trong xã hội: Quyền lực nhà nước
thuộc về nhân dân.
Sau đó, Đảng ta
tiếp tục lãnh đạo đất nước thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân
dân, đưa cả nước quá độ lên CNXH.
Thứ
hai, dân chủ ở Việt Nam trong giai đoạn xây dựng CNXH trên phạm vi cả
nước những năm trước đổi mới.
Sau khi thống
nhất đất nước về mặt nhà nước (năm 1976), Đảng ta xác định: “Nhà nước thật sự của
dân, do dân, vì dân”[13],
từ đó, Hiến pháp năm 1980 đã hiến định: Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, Nhà
nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa là bảo đảm để nhân dân làm chủ tập thể và bảo
vệ quyền làm chủ hợp pháp của nhân dân. Ở giai đoạn này, Đảng ta chủ trương kết
hợp phát huy dân chủ với không ngừng tăng cường chuyên chính vô sản; thực hiện
và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, với phương thức: “làm
chủ bằng nhà nước; làm chủ bằng các đoàn thể quần chúng”, nhằm bảo đảm
nền độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Thứ ba, dân
chủ và thực hành dân chủ ở Việt Nam từ khi đổi mới đến nay.
Đại hội VI của
Đảng (12-1986) khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đảng ta coi: “làm
chủ tập thể xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ dân chủ xã hội chủ
nghĩa cần được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống”[14] và
xác định cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”[15] trong
quản lý toàn xã hội. Theo đó, trong công tác quản lý nhà nước, dù là quản lý
hành chính hay quản lý sản xuất, kinh doanh, quản lý trật tự trị an ninh, đều cần
có sự tham gia của quần chúng nhân dân. Văn kiện Đại hội VII của Đảng không
dùng khái niệm “chế độ làm chủ tập thể” mà sử dụng khái niệm “chế độ dân chủ xã
hội chủ nghĩa”, điều này thể hiện bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng
ta về dân chủ. Đảng khẳng định, toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính
trị nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH là nhằm: “xây dựng và từng bước hoàn
thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân
dân”[16].
Một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới được Đảng ta xác định là “bước
đầu thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực của đời sống
xã hội”[17].
Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa X đã ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10, “Về
việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam năm 1992”, và khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát
huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh,
xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh
phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3)[18].
Cơ chế bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân đã được Hiến pháp năm 1992 ghi nhận
rõ ràng: “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng
nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do
nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân” (Điều 6)[19].
Nền dân chủ
XHCN ngày một mở rộng và đi vào thực chất, Đại hội VIII của Đảng xác định: Xây
dựng cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm,
dân kiểm tra đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Cụ thể là, thực hiện tốt cơ chế làm chủ của nhân dân, làm chủ thông qua thiết
chế đại diện là các cơ quan dân cử; làm chủ trực tiếp bằng các đoàn thể nhân
dân và các hình thức tự quản; bằng các quy ước, hương ước tại cơ sở phù hợp với
luật pháp của Nhà nước. Theo đó, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TW,
ngày 18-2-1998, “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; sau
đó, Nhà nước đã cụ thể hóa, thể chế hóa[20].
Đại hội IX của
Đảng (năm 2001) tổng kết, đánh giá 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới, với những
thành tựu vượt bậc về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó dân chủ hóa
xã hội đã thu được những thành tựu quan trọng. Đảng ta nhấn mạnh: “Nhà nước ta
là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp
quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân
công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập
pháp, hành pháp, tư pháp”[21].
Đại hội X của Đảng
(tháng 4-2006) đánh dấu bước phát triển mới của đất nước sau 20 năm thực hiện
công cuộc đổi mới, nhận thức của Đảng ta về dân chủ XHCN và thực hành dân chủ
XHCN đã phát triển vượt bậc về chất, đó là: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa
là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới,... Mọi đường lối, chính
sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều phải phản ánh lợi ích của đại đa số
nhân dân”[22].
Năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Thực hiện dân
chủ ở xã, phường, thị trấn. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để nhân dân thực
hành quyền làm chủ của mình trong đời sống hàng ngày.
Tại Đại hội XI
của Đảng (tháng 1-2011), tổng kết 25 năm tiến hành đổi mới đất nước và 20 năm
thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân
chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”[23]. Trên
tinh thần đó, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Hiến pháp năm
2013 nhằm cụ thể hóa đường lối, chiến lược phát triển đất nước trong điều kiện
mới. Quá trình soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi của toàn thể nhân dân về dự thảo
Hiến pháp 2013 đã thể hiện đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn.
Trong đợt lấy ý kiến cả nước về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức được
28.000 cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm và thu được 26 triệu lượt ý kiến góp ý
về nội dung Hiến pháp[24].So
với các bản Hiến pháp trước đó, Hiến pháp mới đã thể hiện tư duy chính trị -
pháp lý mới, lần đầu tiên việc kiểm soát quyền lực nhà nước được hiến định:
“Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa
các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư
pháp” (Điều 2). Đây là một bước tiến lớn trong quá trình phát huy dân chủ XHCN ở
Việt Nam. Tại Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016), tổng kết 30 năm đổi mới toàn
diện đất nước, Đảng ta chỉ rõ: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo
đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền
và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến”[25].
Về định
hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đại hội XIII của Đảng khẳng
định: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ
và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng
cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi
mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị - xã hội”[26].
Trải qua 35 năm
đổi mới, việc xây dựng và phát huy nền dân chủ XHCN có những bước tiến quan trọng,
thể hiện toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, Nhà nước tiếp
tục tập trung hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền làm chủ của nhân dân,
như Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị
trấn, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin,... Thông qua đó, quyền làm
chủ của nhân dân tiếp tục được bảo đảm và phát huy trong thực tế, đó là: Nhân
dân làm chủ trực tiếp thông qua quyền bầu cử, quyền ứng cử; thực hiện quyền
giám sát và phản biện xã hội thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị
- xã hội và các tổ chức xã hội khác; thực hiện quyền đối thoại dân chủ trực tiếp
giữa nhân dân với chính quyền (theo quy định của pháp luật tiếp công dân); góp
ý trực tiếp đối với các dự luật (qua Cổng thông tin điện tử Dự thảo online - Quốc
hội http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/default.aspx;...).
Cùng với đó, Hiến
pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư
năm 2020,... được ban hành đã tạo ra bước tiến mới trong bảo đảm quyền sở hữu
tài sản, quyền tự do kinh doanh, sản xuất, mọi người có quyền tự do kinh doanh
trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Cùng với sự
phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, ý thức, trình độ và năng lực làm
chủ của nhân dân từng bước được nâng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng trong việc tổ
chức và thực hiện nền dân chủ XHCN. Những kết quả đó đã nâng cao toàn diện đời
sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Sự phát triển
vượt bậc về kinh tế - xã hội là minh chứng rõ nét cho những thành tựu phát huy
dân chủ thực chất ở Việt Nam: Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, GDP bình quân đầu
người năm 2020 đạt 3.521 USD[27];
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm
2015 xuống dưới 3% vào năm 2020, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 giảm trên
1,4%/năm[28].
Thực tế này và
sự ghi nhận của quốc tế đã cho thấy, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn chăm lo
phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chính sách phúc lợi xã hội và an
sinh xã hội, thúc đẩy nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Điều
này còn được minh chứng rõ hơn trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19, nhiều
nước phát triển châu Âu, châu Mỹ có điều kiện kinh tế cao hơn so với Việt Nam,
nhưng số ca lây nhiễm và tử vong ở các quốc gia này cao hơn Việt Nam nhiều lần.
Có thể hệ thống y tế công cộng của các quốc gia này khác với Việt Nam, nhưng sự
vào cuộc quyết liệt và quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự hưởng ứng
tích cực, có trách nhiệm của nhân dân trong đại dịch khiến chúng ta hoàn toàn
có quyền tự hào khẳng định rằng: “Việc chúng ta ngăn chặn và kiểm soát được đại
dịch là một minh chứng hùng hồn khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của
hệ thống chính trị ở nước ta”[29].
Điều này càng chứng minh rõ ràng rằng, dù thể chế chính trị dưới hình thức nào,
nhưng khi đảng cầm quyền bảo vệ, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, vì nhân
dân mà cống hiến, thì cũng có nghĩa là trong chế độ này, dân chủ vẫn đang được
bảo đảm và ngày càng phát huy sâu rộng, tính chính đáng của đảng cầm quyền được
khẳng định.
Như vậy, có thể
thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền dân chủ XHCN của chế độ ta không ngừng được
củng cố và mở rộng cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Thành tựu về xây dựng và phát
huy dân chủ XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng ta thời gian qua là một trong những
tiền đề quan trọng, góp phần xây dựng nền tảng chính trị vững chắc cho thời kỳ
quá độ lên CNXH ở Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc hiện thực hóa mục
tiêu xây dựng xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh”. Hơn nữa, những thành tựu trên một lần nữa khẳng định rằng: Trong
chế độ Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền ở Việt Nam, dân chủ không những không bị
hạn chế, mà còn được bảo đảm, được phát huy ngày càng rộng rãi, thực chất trên
thực tế và phát triển lên đỉnh cao của nó, khẳng định rõ bản chất của nền dân
chủ XHCN./.
---------------------
[1]
Xem Nguyễn Văn Ngọc: “Nhận diện và đấu tranh phê phán quan điểm “Muốn Việt Nam
thực sự dân chủ và phát triển cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập””,
in trong sách Kiên định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh bác bỏ các
quan điểm sai trái, thù địch, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2019, tr. 236 - 237
[2]
Cao Đức Thái: “Cương lĩnh Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam với xu thế của thời
đại”, in trong sách Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng
cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật,
Hà Nội, 2015, tr. 371
[3]
Hồ Sỹ Long: “Vạch trần bản chất quan điểm sai trái, thù địch “Một đảng duy nhất
lãnh đạo thì không có dân chủ, sẽ đưa đất nước, dân tộc vào ngõ cụt””, in trong
sách Đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 296
[4]
Nguyễn Văn Huyên: “Phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền”,
in trong sách Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng cương
lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr. 394
[5]
Hội đồng Lý luận Trung ương: Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu
tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” về chính trị trong Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,
2017, tr. 313
[6]
Hồ Sỹ Long: “Vạch trần bản chất quan điểm sai trái, thù địch “Một đảng duy nhất
lãnh đạo thì không có dân chủ, sẽ đưa đất nước, dân tộc vào ngõ cụt””, Sđd, tr.
297
[7]
Tô Huy Rứa: “Phải chăng chế độ một đảng cầm quyền là mất dân chủ?”, http://tapchiqptd.vn/vi/an-pham-tap-chi-in/phai-chang-che-do-mot-dang-cam-quyen-la-mat-dan-chu/2646.html, ngày
4-12-2011
[8]
Như trên
[9]
Robert A.Heinman (1995): American
Government, Published by Mc Graw Hill, Inc, p.111, dẫn theo Tô Huy Rứa:
“Phải chăng chế độ một đảng cầm quyền là mất dân chủ?”,
http://tapchiqptd.vn/vi/an-pham-tap-chi-in/phai-chang-che-do-mot-dang-cam-quyen-la-mat-dan-chu/2646.html,
ngày 4-12-2011
[10]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 5, tr. 698
[11]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 249
[12] Tuyên
ngôn Độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992), Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.12
[13]
Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 510
[14]
Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 116
[15]
Như trên
[16] Văn
kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Sđd, tr. 327,
249 - 250
[17] Như
trên
[18] Quốc
hội: Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980,
1992), Sđd, tr. 182, 201
[19]
Như trên
[20]
Ví như: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP, ngày 11-5-1998, về
“Quy chế thực hiện dân chủ ở xã”; Nghị định số 71/1998/NĐ-CP, ngày 8-9-1998, về
“Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan”; Nghị định số
07/1999/NĐ-CP, ngày 13-2-1999, về “Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà
nước”.
[21]
Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Sđd, tr. 673
- 674
[22] Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2006, tr. 44
[23]
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật,
Hà Nội, 2011, tr. 238
[24]
Trần Văn Phòng: “Góp phần bác bỏ ý kiến cho rằng “Việt Nam hiện nay phải chuyển
đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ””, in trong sách Phê phán các
quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng
sản Việt Nam, Sđd, tr. 323
[25]Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội,
2016, tr. 169
[26]
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
[27] Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật,
Hà Nội, 2021, t. II, tr. 309, 43
[28]
Như trên
[29]
Nguyễn Phú Trọng: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thật tốt Nghị quyết Hội
nghị Trung ương lần thứ mười hai”, Tạp chí Cộng sản số 942 (5-2020), tr. 14