Nét đẹp văn hoá mừng tuổi đầu năm đang dần bị biến tướng bởi cuộc sống coi trọng vật chất của một số người trong xã hội hiện đại.
Nét đẹp truyền thốngTheo PSG.TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong phong tục Tết Nguyên đán của người Việt, sau khi đón giao thừa, hoặc ngay trong sáng mồng một, con cháu thường chúc Tết các bậc sinh thành bằng một món tiền đặt trong bao giấy hồng, gọi là "tiền mừng tuổi", "tiền mở hàng", với mong muốn đem lại may mắn cho ông bà, cha mẹ. Các cụ cũng sẽ "mở hàng" lại cho con cháu. Tiền mở hàng của các cụ cho con cháu gọi là "tiền mừng tuổi" hay "lì xì". Tiền mừng tuổi thường không nhiều nhưng bao giờ cũng phải là tiền mới, chủ yếu là để lấy may trong dịp đầu xuân năm mới.
"Tiền mừng tuổi" hay "tiền mở hàng" là cách gọi của người miền Bắc. Tiền mừng tuổi cho trẻ em trong miền Nam gọi là "lì xì". Sau năm 1975, khi đất nước được thống nhất, sự phát triển kinh tế kéo theo sự lan tỏa, giao thoa văn hóa giữa hai miền Nam-Bắc, cách gọi "lì xì" dần được phổ biến hơn, cùng nghĩa với "mừng tuổi".
"Đây là một nét đẹp phong tục của người Việt trong ngày Tết đầu năm. Thế kỷ 20, người ta thường chỉ mừng tuổi những đồng tiền có mệnh giá rất nhỏ, năm xu, một hào thôi. Trẻ em thường sẽ nâng niu đồng tiền may mắn đó trong cả năm. Không quan trọng mệnh giá bao nhiêu, nhưng đó là đồng tiền may mắn, thể hiện thịnh tình, tình cảm của người mừng tuổi. Thế nên mọi người mới nâng niu, giữ gìn đồng tiền đó mà không tiêu đi. Theo quan niệm xưa, đồng tiền mừng tuổi đó sẽ làm sinh sôi nảy nở thêm ra những đồng tiền khác. Nếu bỏ ra mua bán gì đó thì sẽ mất đi sự may mắn", PSG.TS Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ.
Biến tướng lì xì
Cùng với nhịp sống hiện đại, phong tục mừng tuổi hay lì xì đầu năm mới không còn giữ được giá trị ngày xưa. Những đồng tiền mừng tuổi, "mở hàng" đang dần dần bị vật chất hoá. Mọi người dần quan tâm đến giá trị mệnh giá của "lõi" lì xì thay vì những giá trị tinh thần. Mừng tuổi hay lì xì ngày Tết đang dần bị biến tướng do sự thực dụng của một số người trong cuộc sống hiện đại.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương (36 tuổi, Vĩnh Phúc) cho biết: "Ngày xưa bé thì thích được lì xì lắm, giá trị không to nhưng nó mang lại may mắn cho cả một năm, lì xì bao nhiêu cũng được, được lì xì là đã thích rồi. Nhưng bây giờ, lì xì ít trẻ con nó còn không lấy, lì xì 10, 20 nghìn chúng nó chê ít, không lấy đâu…".
Không ít trẻ em hiện tại ít được tiếp cận với những giá trị truyền thống của dân tộc dẫn đến có lối suy nghĩ lệch lạc về nét đẹp văn hoá. Những câu chuyện "dở khóc dở cười" như trẻ em chê ít, không nhận lì xì hoặc mở phong bao lì xì trước mặt người cho rồi vứt luôn phong bao chỉ giữ lấy tiền đã không còn hiếm gặp trong xã hội ngày nay.
Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ cũng có quan niệm, suy nghĩ lệch lạc về nét đẹp văn hóa này. Chị Hương tâm sự: "Bây giờ đến tuổi phải lì xì cho con nhà người ta rồi mới biết hóa ra lì xì là ‘cái nợ đồng lần’. Người ta lì xì con nhà mình hai trăm, năm trăm, chẳng lẽ mình lại lì xì con nhà người ta mười nghìn, hai mươi nghìn thì còn ra thể thống gì…". Giá trị vật chất của tiền lì xì hay tiền mừng tuổi dần trở nên quan trọng hơn những giá trị tinh thần mà nó đem lại vào dịp năm mới.
Thay vì đem lại những điều may mắn, tốt đẹp trong ngày đầu năm mới, lì xì dần trở thành công cụ ngoại giao, duy trì các mối quan hệ. Bởi, mừng tuổi ít hơn người ta thì sợ bị coi thường, mừng với giá trị cao hơn thì sợ "lỗ" nên phải mừng bằng người ta cho "phải phép" và "lịch sự". Đây là một trong số rất nhiều những suy nghĩ lệch lạc của các bậc cha mẹ về lì xì. Nếu các phụ huynh có suy nghĩ lệch lạc về lì xì thì rất khó để con cái có thể có suy nghĩ đúng đắn để góp phần gìn giữ nét văn hóa tốt đẹp này.
Không chỉ vậy, nhiều gia đình có con nhỏ còn coi lì xì của con là một khoản thu nhập của gia đình trong dịp Tết này. Nhiều bậc phụ huynh đăng tải hình ảnh của con mình lên mạng kèm nội dung: "trụ cột chính của gia đình trong dịp Tết", "Cây ATM của gia đình", "Giúp bố mẹ hồi vốn"…Rất có thể đây chỉ là những trò đùa trên mạng xã hội của các bậc cha mẹ, tuy nhiên nó khiến cho con cái vô tình bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ ấy.
Không chỉ riêng gia đình chị Hương mà những biến tướng của lì xì vô hình trung đã tạo nên "áp lực" cho những người "đến tuổi lì xì". Anh Nguyễn Văn Hưng (46 tuổi, Đồng Nai) là một người đã có thời gian đi làm xa quê và ăn Tết nơi "đất khách quê người". Anh Hưng chia sẻ: "Cả năm đi làm, trông vào cái Tết để về quê, nhưng mà không có tiền, không sắm Tết được, không có tiền để lì xì nên không dám về…"
Có thể nói, những suy nghĩ nặng về vật chất đã ăn sâu và tư tưởng của nhiều người hiện nay. Điều này vô tình trở thành "gánh nặng" cho nhiều người làm ăn xa quê. Họ dần có tư tưởng "sợ Tết" vì "ngại lì xì". Ngày nay, lì xì không còn giữ được giá trị nguyên bản của nó nữa mà đã trở thành "thu nhập" hoặc "gánh nặng" của một số gia đình.
Không chỉ vậy, lì xì trong ngày Tết thậm chí còn biến tướng trở thành cơ hội cho việc hối lộ, đút lót.
Tiếp tục hay bỏ tục lì xì ngày Tết?
Trao đổi về những sự biến tướng của lì xì ngày Tết, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng cho biết, các giá trị văn hóa thường mang tính thời đại, con người trong mỗi thời đại lại có những tư duy khác nhau. Trong thời đại kinh tế thị trường phát triển, con người có vẻ nghiêng nhiều hơn về những giá trị vật chất. "Gần đây, nét đẹp phong tục là mừng tuổi đầu năm đang bị thay đổi. Dường như người ta không quan tâm nhiều tới giá trị tinh thần của đồng tiền đó mà chỉ để ý tới giá trị mua hàng của nó. Trước kia, người mừng tuổi và người được nhận tiền mừng tuổi thường quan tâm tới tính may mắn của đồng tiền, còn bây giờ nảy sinh tâm lý chú ý đến mệnh giá của tiền. Mệnh giá đồng tiền càng lớn người ta lại càng thích. Và nhận lì xì để có một đống tiền như thế thì hóa ra là cho nhau tiền rồi, chứ không phải là mừng tuổi nữa. Đó là điều hết sức đáng tiếc", PSG. TS nhấn mạnh.
Nguyên nhân cho những sự biến tướng này, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, phần lớn là do nhận thức của mỗi người. Những người có lối sống hưởng thụ, thực dụng thường sẽ quan tâm nhiều tới giá trị vật chất. Mỗi người sẽ có những khả năng khác nhau để kiểm soát nhu cầu của mình. Có những người lòng tham vô độ, thì không biết bao nhiêu mới đủ. Với những người hiểu biết thì họ sẽ không ham hố nhiều, luôn biết dừng, biết đủ và không quan trọng hóa tới giá trị mệnh giá tiền trong những chiếc lì xì, bởi lẽ ý nghĩa của lì xì là đem lại may mắn. Và như vậy, chỉ khi nào con người biết cân bằng, hài hòa được giá trị vật chất và giá trị tinh thần được thì mới thấy được giá trị của những nét đẹp văn hóa xưa, thấy giá trị của phong tục mừng tuổi ngày Tết thể hiện tình cảm gắn bó tốt đẹp của con người trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, mừng tuổi đầu năm vẫn là một phong tục rất đáng được trân trọng và giữ gìn. Phong tục vẫn rất đẹp, chỉ có người thực hành làm biến tướng đi nét đẹp văn hóa vốn có của nó.
"Ngày nay, khi đời sống đã được cải thiện rất nhiều, nhu cầu vật chất được đáp ứng quanh năm cho nên Tết Nguyên đán sẽ chủ yếu là những giá trị văn hóa tinh thần. Người ta mua một cành đào, một nhành mai để ngắm những tín hiệu của sự sống đang sinh sôi nảy nở trong mùa xuân. Người ta dành cho nhau những lời chúc Tết tốt đẹp để đón chào một tương lai tươi sáng đang đến rất gần. Theo tôi, phong tục mừng tuổi đầu năm vẫn nên duy trì, nhưng phải giải thích rõ cho những người thực hành văn hóa này. Đồng tiền lì xì nên ít thôi, nhưng đó là đồng tiền may mắn cơ mà và ý nghĩa của nó thật sâu xa. Phải hiểu được ý nghĩa của lì xì để không làm biến tướng nó đi. Đừng biến việc này thành ra chuyện cho nhau rất nhiều tiền, tức là sẽ vật chất hóa tầm thường cái đồng tiền may mắn đó", PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng khẳng định.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, cũng có thể thực hiện các cách thức lì xì đầu năm mới trong thời công nghệ hiện đại ngày nay như: lì xì online qua các ứng dụng ngân hàng, tặng nhau quà bằng hiện vật như sách,... Theo vị chuyên gia, điều này rất phù hợp trong thời hiện đại, giúp những người ở xa vẫn có thể chúc tết nhau và chúng ta không nên quá khắt khe với điều này. Bởi theo ông, dù có mừng tuổi trực tiếp hay gián tiếp, bằng tiền hay hiện vật vẫn là thể hiện sự quan tâm của người cho đối với người nhận. Cần giữ đúng giá trị về mặt tinh thần là cho nhau sự may mắn chứ đừng nhìn ý nghĩa của quà tặng qua giá trị về mặt vật chất thuần túy.
PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng khẳng định: "Tóm lại là chúng ta vẫn nên duy trì phong tục mừng tuổi đầu năm. Nhưng điều quan trọng nhất là phải có các công việc truyền thông, giáo dục trong nhà trường và cả tại các gia đình cho những thế hệ sau biết được ý nghĩa cao quý của phong tục này: trao cho nhau sự may mắn, trao cho nhau sự tốt lành. Và mong muốn sự may mắn, tốt lành ấy sẽ làm nên một năm mới an khang, thịnh vượng, chứ đừng vật chất hóa đồng tiền mừng tuổi ngày tết, rồi mang tiêu đi. Những người hành xử như thế thì chẳng hiểu gì về nét đẹp văn hóa cả".
Ngoài ra, PGS.TS cũng bày tỏ những trăn trở của mình về Tết hiện đại: "Tết bây giờ có vẻ nghiêng nhiều về hưởng thụ vật chất, còn Tết xưa chú trọng hơn về giá trị tinh thần…". Nhiều nội dung của Tết đã bị "biến dạng" hoặc phai mờ dần đi theo thời gian. Theo đó, 23 tháng Chạp cúng ông Công, ông Táo đã gây ra không ít tác động tiêu cực lên môi trường khi nhiều người phóng sinh cá cùng túi nilon. Việc đốt vàng mã quá nhiều cũng gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí, chất lượng môi trường. Phong tục xông đất cũng bị phai dần theo thời gian. Hoạt động gói bánh chưng cũng ít dần đi hay vào đó là các dịch vụ bánh chưng. Bản chất của Tết là sự sum họp gia đình, là tình cảm gia đình, dòng tộc, theo đó còn là dịp gắn kết tình cảm hàng xóm láng giềng, bạn bè đồng nghiệp. Việc sử dụng các dịch vụ này rất khó để thể hiện được nét đẹp của Tết, cái ý nghĩa của Tết. Gần đây, do chưa hiểu rõ bản chất của Tết, cho nên có người đã đồng nhất giữa du lịch và Tết. "Họ muốn "trốn Tết" vì Tết phải dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng nên không đón Tết trong nhà nữa mà đi du lịch…"
Theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, theo phong tục xưa thì trong ba ngày Tết, người ta kiêng để hương tàn, khói lạnh vì điều đó sẽ bất kính với thần linh và tổ tiên và năm mới sẽ thiếu may mắn. Chính vì vậy, ngày nay trong dịp Tết, hầu như bếp của các gia đình luôn được đỏ lửa, bàn thờ gia tiên luôn đèn nhang, hương khói cúng lễ đều đặn. Bởi vậy nếu ai đó có ý định "trốn Tết" đi du lịch thì cũng nên chú ý thêm điều này. Tuy nhiên, "Tết hiện đại" cũng nên cần tinh gọn, bớt đi một số thủ tục rườm rà và một số kiêng kỵ lạc hậu, phiền phức khác.