Cách tiếp cận mới trong quan hệ với Trung Quốc
Sau 46 năm tiến hành cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã có sự
phát triển vượt bậc cả về kinh tế, quân sự và ảnh hưởng quốc tế. Đây là cơ sở để
Trung Quốc hành động ngày càng tự tin, đưa ra nhiều sáng kiến ở tầm khu vực và
toàn cầu. Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, từ năm 2010, Trung Quốc đã trở
thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là quốc gia có quan hệ thương mại rộng
mở với kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo cách nhìn của một
số chuyên gia phương Tây, Trung Quốc đã từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời”
và công khai mục tiêu vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới(2).
Nước Mỹ từ thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã
đánh giá lại quan hệ với Trung Quốc và có sự điều chỉnh căn bản về chính sách,
mở ra giai đoạn cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc ngày càng gay gắt. Cuối
tháng 12-2017, Tổng thống Mỹ Đ. Trăm đã ký ban hành Chiến lược An ninh quốc gia
với mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”, xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược của
Mỹ. Trên cơ sở đó, Mỹ gây sức ép mạnh đối với Trung Quốc, nhất là kinh tế -
thương mại, như áp thuế quan đối với hơn 500 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung
Quốc, tăng cường kiểm soát, giới hạn các hoạt động tài chính, đầu tư... Bước
sang thời kỳ chính quyền của Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn, chính sách cứng rắn đối
với Trung Quốc của Mỹ cơ bản được kế thừa. Mỹ coi Trung Quốc (cùng với Nga) là
đối thủ chiến lược và là thách thức lâu dài nhất, song Trung Quốc là đối thủ
duy nhất có thực lực để thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Mặt khác,
Mỹ vẫn chủ trương tranh thủ hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề mà hai bên
có lợi ích chung, như chống biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hủy diệt
hàng loạt...
Các đồng minh phương Tây của Mỹ cũng ngày càng chia sẻ quan
điểm của Mỹ, gia tăng quan ngại đối với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề
thương mại và sự “liên kết” giữa Trung Quốc và Nga - đối thủ chính của các nước
châu Âu. Năm 2019, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố tài liệu quan điểm chiến
lược nêu rõ Trung Quốc là “đối thủ mang tính hệ thống”. Đức cũng lần đầu tiên
đưa ra chiến lược thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, mặc dù Đức
có lợi ích lớn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc (Trung Quốc đã vượt Mỹ
trở thành quốc gia nhập khẩu ô-tô nhiều nhất của Đức, với kim ngạch đạt hơn 16
tỷ ơ-rô năm 2022). Đặc biệt, sau khi cuộc xung đột ở U-crai-na bùng nổ, các nước
châu Âu và Mỹ lo ngại Trung Quốc hỗ trợ Nga sau khi hai nước ra Tuyên bố chung,
khẳng định hợp tác “không có giới hạn”. Theo các chuyên gia, sự lo ngại này có
thể coi là yếu tố căn bản quyết định tương lai quan hệ EU - Trung Quốc(3). Cuộc
xung đột ở U-crai-na còn bộc lộ nguy cơ phụ thuộc quá mức của EU đối với một số
hàng hóa thiết yếu của Trung Quốc, như tấm pin mặt trời, khoáng sản thiết yếu...
Mâu thuẫn giữa hai bên cũng gia tăng trước sự tràn lan của mặt hàng ô-tô điện
giá rẻ, tấm pin mặt trời, tua-bin gió của Trung Quốc tại thị trường châu Âu,
trong khi Trung Quốc không thực hiện cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm xuất
khẩu của châu Âu.
Trong bối cảnh trên, một mặt, các quốc gia thành viên EU thể
hiện sẵn sàng tăng cường phối hợp với Mỹ nhằm đối phó và giảm sự phụ thuộc vào
Trung Quốc; mặt khác, vẫn muốn duy trì hợp tác thương mại, chống biến đổi khí hậu,
đồng thời “giữ cầu” quan hệ để ngăn Trung Quốc hỗ trợ nhiều hơn về quân sự cho
Nga. Do đó, EU đã đưa ra khái niệm “giảm thiểu rủi ro” để thể hiện cách tiếp cận
mới đối với Trung Quốc.
Sau bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu tại WEF vào
ngày 17-1-2023, khái niệm “giảm thiểu rủi ro” dường như được Mỹ tiếp nhận ngay
và được đề cập trong các bài phát biểu của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Giếch
Xun-li-van (Jake Sullivan, tháng 4-2023), Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn (tháng
5-2023), Ngoại trưởng Mỹ An-tô-ni Giôn Blin-kin (Antony John Blinken, tháng
6-2023). Về cơ bản, “giảm thiểu rủi ro” được cho là phù hợp với chủ trương “hợp
tác khi có thể, cạnh tranh khi cần thiết, đối đầu khi bắt buộc” đối với Trung
Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn. Việc sử dụng khái niệm này được
cho là có thể thay thế cụm từ “phân tách” mà truyền thông và chính trị gia một
số nước lâu nay vẫn gắn cho chính sách cứng rắn gần đây của Mỹ đối với Trung Quốc.
Hơn nữa, tiếp nhận một khái niệm do châu Âu đề ra cũng thể hiện một nước Mỹ “lắng
nghe” đồng minh, tạo thuận lợi cho phối hợp chính sách đối với đồng minh trong
xử lý quan hệ với Trung Quốc.
“Giảm thiểu rủi ro (decoupling)” và “phân tách
(derisking)”
Theo các chuyên gia quan hệ quốc tế, so với “phân tách” -
dùng để chỉ sự cắt đứt hoàn toàn các quan hệ kinh tế với Trung Quốc(4) của Mỹ,
“giảm thiểu rủi ro” dường như bớt tiêu cực và có tính khả thi cao hơn(5). Hiện
nay, chưa có một quan niệm thống nhất giữa các nước về “giảm thiểu rủi ro”,
nhưng có thể tạm hiểu đây là việc “khoanh vùng” để hạn chế hợp tác đối với
Trung Quốc ở những lĩnh vực then chốt, song vẫn tìm cách duy trì hợp tác ở những
lĩnh vực được cho là ít rủi ro hoặc không tạo ra rủi ro. Các lĩnh vực cần bảo vệ,
như chuỗi cung ứng hàng hóa trọng yếu, hạ tầng trọng yếu, công nghệ tiên tiến,
có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự. Các nước cũng sử dụng tiêu chí bảo
vệ “an ninh quốc gia” để xác định rủi ro. Việc sử dụng vấn đề “an ninh quốc
gia” có thể cho phép nhà lãnh đạo kích hoạt một số đặc quyền thực thi chính
sách. Đơn cử như, Tổng thống Mỹ Đ. Trăm từng viện dẫn lý do “an ninh quốc gia”
theo Điều 232 của Đạo luật mở rộng thương mại Mỹ để áp đặt thuế quan đối với mặt
hàng thép và nhôm nhập khẩu từ Ca-na-đa(6). Ngoài “an ninh quốc gia”, nhiều vấn
đề khác liên quan đến Trung Quốc cũng có thể trở thành mục tiêu của chính sách
“giảm thiểu rủi ro”, như dân chủ, nhân quyền. Chẳng hạn, chính quyền Mỹ cho
phép kiểm soát xuất khẩu đối với một số thực thể của Trung Quốc để xử lý các hoạt
động mà Mỹ cho rằng đi ngược với mục tiêu bảo vệ nhân quyền của Mỹ.
Khái niệm “giảm thiểu rủi ro” cho phép các nước khác nhau có
thể diễn giải nội hàm khái niệm này khác nhau, tạo không gian mở hơn cho việc lựa
chọn biện pháp phù hợp để giảm thiểu rủi ro trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy
nhiên, trong một số trường hợp, “giảm thiểu rủi ro” có thể bị đánh đồng với
“phân tách”. Một số nhà phân tích cho rằng, đây có thể tiếp tục là lý do để
Trung Quốc có thể đưa ra các biện pháp đối phó.
Thực tiễn triển khai các biện pháp “giảm thiểu rủi ro”
Trên thực tế, từ trước khi xuất hiện cách tiếp cận “giảm thiểu
rủi ro”, Mỹ và các nước phương Tây đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm giảm các
nguy cơ về công nghệ, thương mại, hay sử dụng lý do liên quan đến vấn đề dân chủ,
nhân quyền trong quan hệ với Trung Quốc. Tại Mỹ, tiếp theo các biện pháp kiểm
soát đối với các tập đoàn công nghệ, viễn thông của Trung Quốc, như Hoa Vi
(Huawei), ZTE mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm đã thực hiện từ năm
2017, chính quyền của Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã áp dụng phương châm “sân nhỏ,
rào cao” để cấm các tập đoàn công nghệ của Mỹ, như Nvidia, Intel, Qualcom,
Texas Instrument,... xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc. Tháng
10-2022, Bộ Thương mại Mỹ công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, như yêu cầu
xin cấp phép cho các thiết bị và chuyên gia Mỹ tham gia sản xuất chip logic
16/14nm, chip nhớ 3-d NAND 128 lớp và DRAM 18nm, đồng thời kiểm soát nguyên liệu
đầu vào cho các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Trung Quốc. Hà Lan đã ra lệnh
cấm xuất khẩu máy in thạch bản siêu cực tím (EUV) cho Trung Quốc. Nhiều nước
châu Âu, như Anh, I-ta-li-a, Pháp,... cũng lần lượt cấm sử dụng thiết bị 5G của
Tập đoàn Công nghệ Hoa Vi, cũng như một số sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp
Trung Quốc.
Sau khi đưa ra khái niệm “giảm thiểu rủi ro”, Mỹ và một số
nước đồng minh, đối tác có xu hướng tăng cường phối hợp nhằm ngăn Trung Quốc tiếp
cận công nghệ tiên tiến của phương Tây. Trước sức ép của chính quyền Mỹ và Hà
Lan, ASML - nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu của Hà Lan - đã phải hủy một
số lô hàng dự định xuất khẩu cho các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc, như
SMIC, Hua Hong, Nexchip Semiconductor, Dianlu... Mỹ đang tiếp tục hợp tác với
các đồng minh Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc để siết chặt hơn việc kiểm soát
xuất khẩu công nghệ tiên tiến đối với Trung Quốc. Ngay từ thời kỳ chính quyền của
Tổng thống Mỹ Đ. Trăm, Mỹ đã nêu những quan ngại và kêu gọi đồng minh, đối tác
ngừng hợp tác với các tập đoàn công nghệ, viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là
Hoa Vi và ZTE. Tháng 9-2023, Đức đã cùng các nước thành viên EU ra lệnh cấm thiết
bị của Tập đoàn Công nghệ Hoa Vi và Tập đoàn Viễn thông ZTE. Tháng 6-2023, Ủy
viên thị trường nội khối EU và là người đứng đầu ngành công nghiệp của khối
Thia-ry Brét-tơn (Thiery Breton), đã kêu gọi tất cả thành viên EU loại Tập đoàn
Công nghệ Hoa Vi và Tập đoàn Viễn thông ZTE khỏi mạng viễn thông 5G. EU đã bắt
đầu thảo luận lệnh cấm sử dụng dịch vụ từ các tập đoàn này để tránh rủi ro về bảo
mật. Cùng với việc tăng cường nhắm vào Trung Quốc, Mỹ cùng đồng minh, đối tác
(EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...) cũng đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung khoáng sản thiết
yếu nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Như vậy, “giảm thiểu rủi ro” về bản chất là sự điều chỉnh biện
pháp mà Mỹ và các nước châu Âu áp dụng đối với Trung Quốc, nhằm đạt được mục
tiêu kép là bảo đảm an ninh quốc gia và duy trì một số lợi ích kinh tế trong
quan hệ với Trung Quốc. Cách tiếp cận mới này đang nhận được sự ủng hộ từ một số
nước, tạo cơ sở để Mỹ và đồng minh, đối tác phối hợp chặt chẽ hơn trong xử lý
quan hệ đối với Trung Quốc.
Các biện pháp đối phó của Trung Quốc
Ngay sau khi EU và Mỹ đưa ra khái niệm “giảm thiểu rủi ro”,
Trung Quốc đã công khai phản đối bằng biện pháp ngoại giao ở các cấp, cho rằng
bản chất của “giảm thiểu rủi ro” chính là “phân tách”, đẩy Trung Quốc khỏi các
chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia khác cho rằng các biện pháp
gây sức ép của Mỹ và phương Tây đang tạo động lực để Trung Quốc đẩy nhanh quá
trình chuyển đổi mô hình, hướng tới tự chủ chiến lược trong việc làm chủ công
nghệ mới nổi. Dưới sự hỗ trợ của chính phủ và liên kết chặt chẽ hơn trong khu vực
tư nhân, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã đạt được bước tiến trong phát triển
chip và thiết bị sản xuất bán dẫn. Đơn cử như, năm 2023, Tập đoàn Công nghệ Hoa
Vi đã sản xuất được chip Kirin 9000s cho dòng điện thoại Mate 60; Tập đoàn Công
nghệ SMSC phát triển được chip tiến trình 12nm. Trong khi đó, Tập đoàn Vi điện
tử Thượng Hải (SMEE) của Trung Quốc được cho là đã sản xuất thành công máy in
thạch bản SSA800A cho chip 28nm và có thể sử dụng để phát triển cho chíp tiên
tiến hơn, lên đến 7nm... Thậm chí, một số chuyên gia dự báo, Tập đoàn sản xuất
chip bán dẫn quốc tế (SMIC) hàng đầu của Trung Quốc có thể phát triển được mẫu
máy in thạch bản siêu cực tím EUV đầu tiên và đưa vào thử nghiệm vào năm
2025(7).
Trung Quốc cũng tận dụng sự phụ thuộc về lợi ích để lôi kéo
châu Âu, chia rẽ liên kết Mỹ - châu Âu. Từ đầu năm 2022, nhiều nhà lãnh đạo cấp
cao Trung Quốc đã thăm châu Âu, đưa ra đề xuất tăng cường hợp tác sản xuất
ô-tô, công nghệ cao và năng lượng với các nước châu Âu. Năm 2023, các nhà lãnh
đạo Trung Quốc đón tiếp nhiều Chủ tịch tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, như
Apple, JP Morgan Chase, Tesla, Microsoft... Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ
Microsoft (Mỹ) Bin Ghết (Bill Gates) hội kiến riêng với Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghệ Tesla
I-lon Mát-xơ (Elon Musk) đã hội kiến với Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường
và gặp gỡ cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, Bộ trưởng Bộ Thương
mại Vương Văn Đào, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Kim Tráng Long. Chính phủ Trung Quốc
cũng đầu tư cho dự án xây dựng cơ sở sản xuất silicon carbide ở thành phố Trùng
Khánh của Tập đoàn STMicroelectronics (Hà Lan).
Đồng thời, Trung Quốc cũng bắt đầu áp đặt các biện pháp trả
đũa phương Tây, trước tiên là những biện pháp đơn lẻ, nhằm vào một số doanh
nghiệp cụ thể, như Lockheed Martin và Raytheon (Mỹ), Deloitte (Anh), cấm nhập
khẩu sản phẩm chip nhớ của Tập đoàn Công nghệ Micron (Mỹ)... Các biện pháp sau
đó dần được mở rộng về quy mô và tính hệ thống. Tháng 6-2023, Ủy ban Thường vụ
Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa XIV của Trung Quốc đã thông qua Luật
Quan hệ đối ngoại đầu tiên của Trung Quốc. Luật này được cho là sẽ bổ sung công
cụ pháp lý, mở đường cho các biện pháp đấu tranh và đáp trả hành vi kiềm chế,
trừng phạt gây nguy hại chủ quyền, an ninh và phát triển của Trung Quốc. Tháng
7-2023, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo kiểm soát xuất khẩu hai mặt hàng đất
hiếm là gallium và germanium; đến tháng 10-2023, tiếp tục kiểm soát mặt hàng
graphite. Đây là các nguyên liệu quan trọng trong sản xuất bán dẫn, linh kiện
điện tử mà Mỹ và các nước phương Tây phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung từ Trung
Quốc. Trong tương lai, khi cuộc chiến công nghệ giữa phương Tây và Trung Quốc
trở nên gay gắt hơn, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tận dụng ưu thế vượt trội về
khoáng sản, mở rộng kiểm soát với các nguyên liệu quan trọng khác, như bismuth,
tantalum, nguyên tố đất hiếm...(8).
Cách tiếp cận của một số quốc gia châu Á
Một số đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á, như Nhật
Bản, Hàn Quốc, đã hưởng ứng cách tiếp cận “giảm thiểu rủi ro” của Mỹ và châu
Âu. Tháng 7-2023, Nhật Bản đã mở rộng áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu
sang Trung Quốc đối với 23 thiết bị sản xuất chip. Hàn Quốc đã ra tuyên bố tăng
cường kiểm soát về dữ liệu, công nghệ lõi và tăng cường hợp tác về chuỗi cung
khoáng sản với Mỹ. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều tỏ rõ sự hưởng ứng đối với đề xuất
của Mỹ và châu Âu liên quan đến tăng cường ngăn cản Trung Quốc tiếp cận công
nghệ cao trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), vũ trụ... Tuy
nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn có thận trọng nhất định, tham gia chọn lọc một
số đề xuất hợp tác của Mỹ và phương Tây.
Trong khi đó, một số quốc gia châu Á khác đã nhanh chóng đón
đầu xu thế dịch chuyển đầu tư mới của Mỹ và phương Tây, điển hình là Ấn Độ.
Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi (tháng 6-2023), Ấn Độ
và Tập đoàn Công nghệ Micron (Mỹ) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về thiết bị bán
dẫn với trị giá 800 triệu USD. In-đô-nê-xi-a sớm kêu gọi và thu hút các doanh
nghiệp lớn (Volkswagen, Tesla, Ford, BASF...) đầu tư sản xuất ô-tô điện, chế biến
ni-ken; tích cực thảo luận với Mỹ xây dựng hiệp định thương mại tự do (FTA) về
khoáng sản, cho phép doanh nghiệp In-đô-nê-xi-a được hưởng ưu đãi theo Đạo luật
giảm lạm phát.
Sự tương đồng trong nhận thức của Mỹ, châu Âu về cách tiếp cận
“giảm thiểu rủi ro” cùng thái độ hưởng ứng của một số đồng minh, đối tác khác
cho thấy, đây sẽ là cách tiếp cận lâu dài của các nước trong xử lý quan hệ với
Trung Quốc. Các biện pháp “giảm thiểu rủi ro” thời gian tới nhiều khả năng sẽ tập
trung vào các lĩnh vực, như công nghệ cao (thiết bị bán dẫn, AI, lượng tử...),
ô-tô điện, dữ liệu, hạ tầng (5G, cáp quang...), khoáng sản trọng yếu và không
loại trừ có thể mở rộng để bao gồm cả tiêu chuẩn về vấn đề dân chủ, nhân quyền.
Tuy nhiên, việc quyết liệt thực hiện “giảm thiểu rủi ro” của chính phủ các nước
có thể vấp phải lực cản từ giới doanh nghiệp do họ phải từ bỏ một thị trường
nhiều tiềm năng như Trung Quốc. Các tập đoàn công nghệ sẽ tìm lỗ hổng trong quy
định của chính phủ để duy trì tiếp cận thị trường Trung Quốc, như Tập đoàn Công
nghệ Nvidia (Mỹ) đã cải tiến các loại chip thuộc danh mục kiểm soát xuất khẩu để
cung cấp cho đối tác Trung Quốc.
Như vậy có thể thấy, các biện pháp “giảm thiểu rủi ro” đã
góp phần tác động mạnh tới cục diện thương mại toàn cầu, đẩy nhanh hơn những đứt
gãy trong chuỗi cung truyền thống và thúc đẩy hình thành các chuỗi cung mới do
Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt. Thay vì đầu tư vào thị trường Trung Quốc, Mỹ đang
tăng cường hợp tác với đồng minh, đối tác châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc..., đồng
thời tìm kiếm những đối tác mới ở khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, Ma-la-xi-a là một
trong những địa điểm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
(FDI) của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn. Năm 2023, nước này đã trở thành nhà cung cấp
chip bán dẫn lớn, chiếm 20% tổng số lượng nhập khẩu chip bán dẫn của Mỹ(9). Về
phía Trung Quốc, Trung Quốc cũng nhanh chóng chuyển hướng đầu tư sang các thị
trường mới nổi, như Mê-hi-cô, các quốc gia Đông Âu... Ví dụ, CATL - một doanh
nghiệp sản xuất pin hàng đầu của Trung Quốc, đang xây dựng nhà máy trị giá 8 tỷ
USD ở Hung-ga-ri.
Việc Mỹ và các nước phương Tây siết chặt quản lý xuất khẩu
công nghệ và sở hữu trí tuệ đang khiến cộng đồng quốc tế quan ngại về việc thiếu
hụt nguồn cung và tiếp cận công nghệ lõi, trở thành nhân tố khuyến khích xu thế
tự chủ công nghệ ở các nước, hình thành chuỗi cung nội địa trong lĩnh vực công
nghệ cao. Hiện nay, Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
trong nước trên mọi phân khúc, từ thiết kế, chế tạo, cho đến đóng gói chip, sản
xuất công cụ chế tạo chip... Tháng 5-2024, chính phủ Trung Quốc cũng quyết định
đưa ra gói đầu tư thứ ba và là gói đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của nước
này, với trị giá 47,5 tỷ USD dành cho ngành công nghiệp mạch tích hợp quốc gia,
để sản xuất chip(10). Hàn Quốc, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, cũng
đưa ra các gói hỗ trợ và biện pháp ưu đãi dành cho ngành công nghệ chip trong
nước. Chính phủ nước này đang xem xét gói hỗ trợ trị giá hơn 7 tỷ USD dành cho
các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn, vật
liệu chip, thiết bị sản xuất(11)... Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) cũng tích cực
tham gia cuộc đua chế tạo chip tiên tiến, dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt chip
3nm vào nửa cuối năm 2024, thách thức vị trí dẫn đầu mảng điện thoại thông minh
của Tập đoàn Công nghệ Apple (Mỹ) và các doanh nghiệp bán dẫn khác, như TSMC
(vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc), Qualcomm (Mỹ).
Môi trường kinh doanh tại khu vực châu Âu và châu Á cũng chịu
tác động không nhỏ từ sự thay đổi chính sách đầu tư của các nước lớn. Nhiều
doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh gia tăng với doanh
nghiệp nội địa của Trung Quốc. Hơn nữa, việc Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất chip
nội địa để thay thế chip nhập khẩu có thể làm mất đi một thị trường tiềm năng đối
với các nhà cung cấp châu Âu(12). Trong khi đó, doanh nghiệp châu Á cũng phải nỗ
lực tìm cách duy trì tiếp cận thị trường Trung Quốc, mà không bị ảnh hưởng bởi
các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Bối cảnh mới mang đến cả thách thức và cơ hội đối với Việt
Nam. Về thách thức, trước hết, chính sách bảo vệ công nghệ cùng với xu thế
chính trị hóa, an hinh hóa một số quan hệ kinh tế quốc tế đã và đang tác động lớn
đến sự dịch chuyển một số chuỗi cung hàng hóa và dịch vụ, như trong lĩnh vực
bán dẫn, công nghệ năng lượng tái tạo, thiết bị y tế, dược phẩm, khiến quá
trình vận động của các chuỗi cung ứng không còn tuân theo quy luật thị trường
như trước đây. Điều này có thể làm gia tăng chi phí các mặt hàng liên quan,
trong đó nhiều mặt hàng đang đóng vai trò là sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp
hoạt động tại Việt Nam, khiến giá thành sản phẩm đầu ra, bao gồm hàng xuất khẩu
tăng lên.
Thứ hai, sự can thiệp của chính sách vào vận động của các
chuỗi cung đã và đang dẫn đến tình trạng khan hiếm một số mặt hàng này, như
chip đồ họa, một số thiết bị y tế và dư thừa một số mặt hàng khác, tác động
đáng kể đến quá trình khôi phục sản xuất sau đại dịch COVID-19, khiến nỗ lực
bình ổn và phục hồi kinh tế ở một số nước khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến khả
năng nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng hóa đến từ Việt Nam.
Thứ ba, các nước Mỹ, châu Âu và Trung Quốc có thể sẽ gây sức
ép mạnh hơn đối với các nước châu Á trong việc tham gia các sáng kiến, chuỗi
cung ứng do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt. Tiếp theo việc công bố Chiến lược Ấn Độ
Dương - Thái Bình Dương, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Ca-na-đa đã đưa ra một
loạt sáng kiến để cụ thể hóa. Trung Quốc thời gian qua cũng cụ thể hóa hơn nội
hàm các sáng kiến toàn cầu nhằm thuyết phục thêm nhiều nước tham gia. Theo nhiều
chuyên gia, xu hướng này chắc chắn sẽ được đẩy mạnh hơn thời gian tới.
Thứ tư, vấn đề xuất xứ hàng hóa vốn được quan tâm, nay đang
trở thành thành tâm điểm trong chính sách của nhiều nước, khiến sức ép đối với
một số nền kinh tế được coi là địa bàn “trung chuyển” hàng hóa giữa Mỹ, Trung
Quốc và châu Âu tăng lên. Tại châu Mỹ, các nước như Mê-hi-cô được coi là một
trong những địa bàn “trung chuyển” chủ yếu. Ở châu Á, các nước Đông Nam Á,
trong đó có Việt Nam, cũng được coi là nơi trung chuyển hàng hóa.
Mặt khác, Việt Nam và các nước cũng đứng trước cơ hội, trong
đó có cơ hội về kinh tế lần đầu tiên xuất hiện kể từ sau Chiến tranh lạnh. Một
là, từ góc độ địa - kinh tế, Việt Nam lần đầu tiên đứng trước cơ hội tham gia
thực chất vào các chuỗi cung toàn cầu, như bán dẫn, điện tử, dược phẩm, các hệ
sinh thái AI, các công đoạn thượng nguồn và hạ nguồn, pin xe điện thế hệ mới, vật
liệu mới... Cơ hội này xuất phát từ xu thế dịch chuyển nhiều cấu phần của một số
chuỗi cung toàn cầu về khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam nằm ở trung tâm của
khu vực, không chỉ có ưu thế về giao thương và hợp tác quốc tế, mà còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn
nhân lực dồi dào. Trong trật tự lưỡng cực trong Chiến tranh lạnh, thế giới đã
xuất hiện một số “con rồng”, “con hổ” kinh tế, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po... Trong trật tự đơn cực kéo dài từ
năm 1989 đến nay, thế giới cơ bản không xuất hiện thêm những “con rồng”, “con hổ”
kinh tế, ngoại trừ Trung Quốc.
Hai là, Việt Nam tiếp tục có cơ hội thu hút đầu tư, nhất là
trong các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, xây dựng hạ tầng chất lượng cao từ các nước
để phục vụ sự phát triển của Việt Nam. Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất hàng
hóa với chi phí rẻ, do đó trở thành điểm
đầu tư hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư tìm
kiếm. Bên cạnh đó, việc sở hữu vị trí địa - chiến lược và quan hệ cân bằng với
các nước đã giúp Việt Nam trở thành đối tác được nhiều nước thúc đẩy tham gia
các sáng kiến, dự án hợp tác xây dựng hạ tầng nhằm tăng cường kết nối giữa các
nền kinh tế. Giảm thiểu rủi ro không đồng nghĩa với phân tách, do vậy cơ hội vẫn
mở ra đối với các nền kinh tế biết khai thác cơ hội để thúc đẩy quan hệ với tất
cả các bên. Đáng lưu ý, quá trình thực hiện giảm thiểu rủi ro của Mỹ và phương
Tây, cùng với biện pháp đối phó của Trung Quốc có thể tạo ra các hệ sinh thái,
chuỗi cung ứng khác nhau, bổ sung cho nhau nếu là các chuỗi hàng hóa tiêu dùng
hay các mặt hàng ít mang tính chiến lược, song cũng có tính loại trừ nếu liên
quan đến những mặt hàng chiến lược, công nghệ cao hay kết nối số. Điều đó đòi hỏi
các nước, nhất là các nước vừa và nhỏ hết sức chú ý trong quá trình tham gia
các dự án, các chuỗi cung ứng trong thời gian tới nhằm tối đa hóa lợi ích quốc
gia - dân tộc.
Ba là, Việt Nam có cơ hội trở thành một mắt xích về sản xuất,
cung cấp dịch vụ mang tầm khu vực nếu biết tận dụng những thế mạnh về nguồn
nhân lực trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và có chính sách phù hợp để thu hút sự
quan tâm của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, như Nvidia, Google,
Apple... Đơn cử như, đối với Mỹ, trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên đối
tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, hai bên
nhất trí ủng hộ sự phát triển của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và tích cực
phối hợp nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Thực
tế thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, Hàn Quốc,... đã và đang đầu tư các
dự án sản xuất bán dẫn trị giá hàng tỷ USD ở Việt Nam cũng như nâng cao năng lực
thiết kế. Mới đây, Tập đoàn Công nghệ Synopsys và Tập đoàn Công nghệ Marvell (Mỹ)
đã công bố thành lập trung tâm thiết kế chất bán dẫn tại Thành phố Hồ Chí
Minh./.
----------------------------
(1) Trong bài phát biểu của bà U.
von đe Lai-ân (Ursula von der Leyen), Chủ tịch Ủy ban châu Âu, tại Diễn đàn
Kinh tế thế giới (WEF), được tổ chức ở thành phố Đa-vốt (Thụy Sĩ) vào ngày
17-1-2023
(2) Xem: “How Xi Jinping plans to overtake America” (Tạm
dịch: Ông Tập Cận Bình lên kế hoạch vượt Mỹ như thế nào), The Economist, ngày
31-3-2024,
https://www.economist.com/finance-and-economics/2024/03/31/how-xi-jinping-plans-to-overtake-america
(3) David Pierson - Olivia Wang: “Leaders of China and
the European Union Meet as Tensions Rise” (Tạm dịch: Lãnh đạo Trung Quốc và
Liên minh châu Âu gặp nhau khi căng thẳng gia tăng), The New York Times, ngày
7-12-2023,
https://www.nytimes.com/2023/12/07/world/asia/china-eu-xi-michel.html
(4) Simon Constable: “When Investors Mention
‘Decoupling’, What Do They Mean?” (Tạm dịch: Khi các nhà đầu tư đề cập đến
“phân tách”, có ý nghĩa gì”), The Wall Street Journal, ngày 2-10-2021,
https://www.wsj.com/amp/articles/what-does-decoupling-mean-to-investors-11633112138
(5) Paul Gewirtz: “Words and policies: “De-risking”
and China policy” (Tạm dịch: Từ ngữ và chính sách: “Giảm thiểu rủi ro” và chính
sách của Trung Quốc), Brookings Institute,
ngày 30-5-2023,
https://www.brookings.edu/articles/words-and-policies-de-risking-and-china-policy/
(6) Paul Gewirtz: “Words and policies: “De-risking”
and China policy” (Tạm dịch: Từ ngữ và chính sách: “Giảm thiểu rủi ro” và chính
sách của Trung Quốc), Tlđd
(7) Paul Triolo: “A New Era for the Chinese
Semiconductor Industry: Beijing Responds to Export Controls” (Tạm dịch: Kỷ
nguyên mới cho ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc: Bắc Kinh phản ứng các biện
pháp kiểm soát xuất khẩu), American Affairs, Volume VIII, No.1, tr. 29 - 52
(8) Gregory Wischer: “The U.S. Military and NATO Face
Serious Risks of Mineral Shortages” (Tạm dịch: Quân đội Mỹ và Tổ chức Hiệp ước
Bắc Đại Tây Dương đối mặt với rủi ro nghiêm trọng về tình trạng thiếu khoáng sản),
Carnegie Endowment for Internatioanl Peace, ngày 12-2-2024,
https://carnegieendowment.org/2024/02/12/u.s.-military-and-nato-face-serious-risks-of-mineral-shortages-pub-91602
(9) Agathe Demarais: “The Winners From U.S. - China
Decoupling” (Tạm dịch: Những người chiến thắng từ sự tách rời giữa Mỹ và Trung
Quốc), Foreign Policy, ngày 15-7-2024,
https://foreignpolicy.com/2024/07/15/china-decoupling-derisking-emerging-markets-malaysia-mexico-economy/
(10) Xem: Thái Bình: “Trung Quốc đầu tư hơn 47 tỷ USD
cho ngành bán dẫn”, VTV Online, ngày 28-4-2024
(11) Xem: Linh Quy: “Hàn Quốc hỗ trợ 7 tỷ USD cho
ngành công nghệ chip”, VTV Online, ngày 13-5-2024
(12) US & China Decoupling pt4: Focus on
Semiconductors, or the Impact of US-China Decoupling on Asian and European
Markets (Tạm dịch: Sự tách biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, phần 4: Tập trung vào chất
bán dẫn hoặc tác động của sự tách biệt giữa Mỹ và Trung Quốc đối với thị trường
châu Á và châu Âu), The Global Treasurer, ngày 9-7-2024,
https://www.theglobaltreasurer.com/2024/07/09/us-china-decoupling-pt4-focus-on-semiconductors-or-the-impact-of-us-china-decoupling-on-asian-and-european-markets/