Thi hài của Bác đã được gìn giữ như thế nào? (kỳ 2)

 Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, sự ra đi đột ngột của Bác là một nỗi đau, một tổn thất vô cùng to lớn không gì bù đắp nổi.

Tổ y tế đặc biệt chụp ảnh lưu niệm cùng với Chuyên gia y tế Liên bang Nga (Liên Xô trước đây)


Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, sự ra đi đột ngột của Bác là một nỗi đau, một tổn thất vô cùng to lớn không gì bù đắp nổi.

Mồng 2/9, ngày Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng khai sinh ra Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Đông Nam Á 24 năm trước, cũng là ngày Người vĩnh biệt chúng ta! Đây là một sự trùng hợp thật lạ lùng, không sao giải thích được. Để nhân dân có thể kỷ niệm lễ Quốc khánh thật yên tĩnh, Bộ Chính trị quyết định công bố ngày mất của Bác lùi lại một ngày: ngày mồng 3/9.

Có lẽ trong thời đại chúng ta, sau cái mất của Lenin chưa có sự ra đi nào lại gây chấn động lớn đối với loài người tiến bộ như sự ra đi của Bác. Khi Đài Phát thanh vừa đưa tin, đất trời như ngừng lại trong một nỗi đau khôn xiết và cái cảm giác trống vắng như bao phủ lên toàn bộ đất nước.

Năm ấy, trong những ngày để tang Bác, trời đổ mưa tầm tã. Vòm trời Ba Đình như trĩu nặng một nỗi buồn. Thiên nhiên như cũng đau nỗi đau của con người. Trên các đường phố ở thủ đô, trên các làng mạc, những dòng sông và những cánh rừng, người dân để tang Bác thật giản dị và trang nghiêm. Những giọt nước mắt hòa lẫn nước mưa chảy mãi như không bao giờ hết trong niềm tiếc thương vô hạn của mỗi con người.

Nhưng có lẽ nỗi đau đến với mỗi người dân, mỗi người lính trên chiến trường miền Nam da diết hơn, day dứt hơn, bởi ai cũng cảm thấy ân hận chưa làm xong sứ mệnh được Đảng giao phó. Đấy là sứ mệnh giải phóng miền Nam, đón Bác vào thăm dải đất luôn luôn nhức nhối trong trái tim của Người.

Năm ấy, ở đồng bằng sông Cửu Long, những người dân Nam Bộ đã dựng đền thờ Bác bên bờ những con kênh, những rừng đước, rừng tràm bạt ngàn, để mỗi người dân khi chống xuồng qua đều có thể bước lên viếng Bác. Những ngôi đền mộc mạc và đơn sơ ấy vẫn còn mãi cho đến bây giờ. Ở chiến trường miền Trung, nhiều chiến sĩ đi hai, ba ngày trời lên núi cao tìm củ trầm về làm nhang thắp trên bàn thờ Bác… Nỗi đau vò xé được nén chặt trong tâm khảm họ.

Cũng ngay sau khi nghe tin Bác mất, hàng trăm đoàn đại biểu của các Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế đã xin được đến Việt Nam viếng Bác. Hàng vạn bức điện đã được gửi tới Trung ương Đảng, Chính phủ ta chia buồn với những lời lẽ đầy thương tiếc và kính trọng.

Cùng với dân tộc Việt Nam, Bác đã trở thành lẽ sống, thành lương tâm của thời đại.

Bác đã ra đi và một cuộc đời mới của Bác lại được bắt đầu, được tái sinh trong lòng mỗi người dân, mỗi người lính. Việc xây dựng Lăng và giữ gìn thi hài Bác trở nên hết sức bức thiết trong thời gian đó. Nhưng để được ngày đón Bác vào Lăng trên Quảng trường Ba Đình, những người dân và những người chiến sĩ đã phải trải qua biết bao thử thách gian khổ với một sức lực và trí tuệ phi thường. Đoàn 969 là đơn vị được vinh dự thay mặt cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân gìn giữ thi hài Bác và bảo vệ Lăng – nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người.

II. Đơn vị đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt


Vận hành hệ thống chiếu sáng linh cữu Bác.

1. Ngày 2/9/1967, chiếc xe Skoda của Tổng cục Đường sắt chở một tổ cán bộ y tế lặng lẽ rời Hà Nội. Lúc ấy vào khoảng 6 giờ chiều, thành phố đã lên đèn, nhưng những dòng người, đầu đội mũ rơm, vai mang súng vẫn qua lại náo nhiệt trên đường phố. Xen lẫn trong dòng người là những đoàn xe kéo pháo, xe chở hàng phủ bạt kín mít, đầy bụi đường, ùn tắc lại ở lối rẽ xuống cầu phao, bắc ngang sông Hồng để lên phía Bắc.

Đó là giai đoạn quyết liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Bị thất bại nhục nhã sau hai mùa khô phản công chiến lược, Johnson điên cuồng tung thêm những đơn vị tinh nhuệ nhất vào chiến trường miền Nam và tăng cường đánh phá miền Bắc. Những phi đội AD.6, F.105, F.4 từ Cò-rạt, U-đôn, Hạm đội 7… không ngày nào không quần lượn, gây tang tóc cho các làng mạc, thành phố trên miền Bắc. Còi báo động của thủ đô chốc chốc lại rú lên cùng với giọng người phát thanh viên báo tin máy bay địch đang vào Hà Nội. Tiếp đấy hoặc là tiếng súng cao xạ nổ ran ở ngoại ô, hoặc là một khoảnh khắc im lặng, căng thẳng cho đến khi giọng người phát thanh viên trầm tĩnh vang lên báo tin máy bay Mỹ đã đi xa…

Trong những ngày ấy, ngoài Bộ Chính trị và tổ y tế, không mấy ai biết được sức khỏe của Bác đang mỗi ngày một suy giảm. Ngay từ giữa năm 1966, sau chuyến đi thăm đồng bào tỉnh Thái Bình trở về, Bác đã bị liệt nhẹ nửa người bên trái, đi lại đã phải chống gậy. Được sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ, kết hợp với sự rèn luyện phi thường của Bác, sức khỏe Bác dần dần hồi phục nhưng đó cũng là dấu hiệu đầu tiên, báo hiệu sự thiếu ổn định trong cơ thể của Người.

Một buổi sáng, thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm khoa Giải phẫu, Bệnh viện 108, Trưởng phòng Pháp y, Cục Quân y; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, Chủ nhiệm khoa Ngoại, Bệnh viện Việt  – Xô được đồng chí Lê Đức Thọ triệu tập lên Văn phòng Trung ương giao nhiệm vụ sang Liên Xô học tập. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền được cử làm tổ trưởng. Trong buổi giao nhiệm vụ, đồng chí Lê Đức Thọ căn dặn: Đây là một công việc tối mật, tất cả mọi việc chúng ta đều làm theo lời Bác, không giấu Bác điều gì, nhưng riêng việc này tuyệt đối không được để Bác biết. Nếu biết, Bác sẽ buồn và sẽ không cho phép thực hiện kế hoạch. Đồng chí Lê Đức Thọ còn dặn thêm: Ngay đối với vợ con cũng không được tiết lộ một chi tiết nào về nhiệm vụ của chuyến đi này.

Xe chạy sang bờ bắc sông Hồng thì trời ập tối. Tuy vậy, dấu vết tàn phá của những cuộc ném bom trong ngày vẫn còn hiện rõ ở hai bên đường. Khắp nơi, những người dân, những người lính đang sôi động chuẩn bị cho trận đánh ngày hôm sau. Hầu hết những đoàn xe, đoàn tàu hối hả đổ về phía nam. Riêng chiếc Skoda chở tổ y tế thì cứ ngược mãi lên phía bắc, hồi đó được coi là hậu phương lớn của cả nước.

Đến ga Đồng Đăng, 3 người lên tàu liên vận sang Bắc Kinh đi Moscow. Ngày 14/9/1967, đoàn đến Moscow. Đón đoàn tại nhà ga thủ đô Moscow có đồng chí Lazunov, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Đoàn được bố trí ăn, nghỉ tại khách sạn Tháng Mười.

Vừa mới đặt chân đến khách sạn, bạn đã mời đoàn làm việc ngay và ngày hôm sau, đoàn được đưa tới Viện Nghiên cứu Lăng Lenin để trao đổi về chương trình và kế hoạch học tập. Tại cuộc họp mặt này, đồng chí Viện trưởng Debov cho biết, chương trình học tập của đoàn gồm hai phần: lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết chủ yếu là đọc tài liệu ở Viện. Phần thực hành do Giáo sư Sarovatov, người đã tham gia ướp giữ thi hài Dmitrov trực tiếp hướng dẫn.

Ngày thứ hai, đồng chí Viện phó Romacov dẫn đoàn vào Lăng viếng Lenin và tiếp sau đó là những ngày học tập căng thẳng. Bạn đã dành hẳn cho đoàn phòng làm việc của đồng chí viện phó làm nơi nghiên cứu, đọc tài liệu, chủ yếu là các tài liệu về bảo quản thi thể từ cổ chí kim trên thế giới mà tiêu biểu là cổ Ai Cập, Liên Xô và Mỹ.

Hết phần lý thuyết, đoàn được chuyển sang bộ phận dành riêng cho việc bảo quản thi thể do Giáo sư Sarovatop phụ trách. Đối tượng nghiên cứu thực hành là thi thể của người già trên 60 tuổi, vì thế việc tìm kiếm thi thể ở lứa tuổi này rất khó khăn. Nhiều ngày trời lạnh, mưa tuyết phủ trắng trên các đường phố, đồng chí Sarovatop vẫn tìm đến các bệnh viện cách xa thủ đô hai, ba trăm cây số để tìm kiếm tử thi cho đoàn thực tập.

Biết rằng thời gian dành cho việc học tập không được nhiều, cả ba người đã dồn hết tâm lực vào những đường dao, mũi chỉ tranh thủ học hỏi, cố gắng tiếp thu những kiến thức trong một lĩnh vực khoa học mới mẻ và phức tạp. Nhiều hôm, ba người đã phải làm việc suốt ngày trong phòng kín, không khí hết sức ngột ngạt, khó thở, bởi các mùi hóa chất xông lên nồng nặc.

Ban ngày làm việc, học tập, đêm về khách sạn, đoàn lại tập trung trao đổi, rút kinh nghiệm, đọc thêm tài liệu. Ngày nào cũng dành thời gian nghe đài, theo dõi tin tức của Tổ quốc. Một ngày trôi qua yên tĩnh là một ngày nhẹ nhõm nhưng không khỏi thắc thỏm những lo âu cho ngày mới đến. Không ai bảo ai, nhưng cả ba đều lo có chuyện không hay xảy ra với Bác trong khi họ đang còn ở Liên Xô. Cho đến ngày cuối cùng, lúc đã ngồi trên con tàu liên vận trở về Tổ quốc, ba người mới thở phào, yên dạ khi buổi sáng và buổi chiều, Đài Phát thanh Hà Nội vẫn chỉ báo tin chiến thắng. Nghe giọng người phát thanh viên, cả ba đều hiểu: Họ đã không về muộn và Bác của chúng ta vẫn mạnh khỏe.

Về hôm trước, hôm sau đoàn đến báo cáo tình hình kết quả học tập với đồng chí Nguyễn Lương Bằng, bấy giờ là Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe của Bác. Sau 7 tháng trời học tập, thực nghiệm trên đất bạn, tổ y tế đã có thể hoàn toàn đảm đương được công việc ướp giữ thi hài trong giai đoạn đầu từ 15 đến 20 ngày. Giai đoạn tiếp theo, bạn sẽ trực tiếp sang giúp đỡ. Vì thế, tổ y tế không nghiên cứu học tập quy trình bảo quản lâu dài. Tổ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong học tập và thực nghiệm. Tổ hứa với đồng chí Nguyễn Lương Bằng sẽ cố gắng tiếp tục nghiên cứu, kết hợp giữa phương pháp hiện đại của bạn với phương pháp cổ truyền của dân tộc.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tình hình sức khỏe của Bác, tổ được chia làm hai bộ phận: Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn được vinh dự vào Phủ Chủ tịch cùng với bác sĩ Nhữ Thế Bảo theo dõi và chăm sóc sức khỏe của Bác. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều được lệnh thành lập một tổ y tế đặc biệt nằm trong khoa Giải phẫu bệnh lý, Bệnh viện 108 do Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo.

Buổi chiều ngày 19/8/1968, bác sĩ Lê Ngọc Mẫn vào Phủ Chủ tịch gặp Bác. Lúc đó Bác đang đi bộ từ nhà sàn sang nhà ăn. Nghe đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác giới thiệu, tuy Bác không hài lòng nhưng Bác vẫn ôn tồn bảo: “Bác có một mình mà những hai bác sĩ. Trong khi đó, nhân dân, bộ đội, trẻ em còn rất thiếu thầy thuốc”. Ngừng một lát, Bác nói tiếp: “Nhưng Bộ Chính trị đã quyết thì Bác nhận, Bác cũng nói trước cho chú biết, người già trong lúc lâm bệnh thường khó tính, các chú phải hết sức thông cảm cho Bác”.

Từ hôm đó, bác sĩ Lê Ngọc Mẫn và bác sĩ Nhữ Thế Bảo thường xuyên có mặt bên cạnh Bác. Cuối năm 1968, Bác vẫn duy trì rất đều đặn nếp sinh hoạt và rèn luyện hàng ngày. Sáng Bác dậy xuống nhà hầm đánh răng, rửa mặt. Sau đó đi bộ sang nhà ăn sáng. Rồi tiếp khách và trở về nhà sàn làm việc. 11g30 lại sang nhà ăn, ăn trưa. Buổi chiều, Bác thường tập thể dục, ném bóng, đi bách bộ theo đường mòn sang tận chùa Hội Đồng. Bác hết sức chú ý tới những hàng cây mọc hai bên đường, luôn luôn đặt câu hỏi về cây này, cây kia… Nhiều hôm trời nóng, Bác vẫn không từ bỏ những cuộc đi bộ và thường thở dài bảo bác sĩ Mẫn: “Mình đi chơi không mà còn toát mồ hôi, huống hồ là công nhân hầm lò, các pháo thủ trực chiến… Cần phải lo nước giải khát cho họ…”.

Luôn luôn quên mình, nghĩ đến dân, đến bộ đội là phẩm chất của Bác. Năm ấy, Bác đã 78 tuổi. Không ai nghĩ rằng, chưa đầy một năm sau, Bác đã vĩnh biệt chúng ta, vĩnh biệt khu vườn đầy hoa trái mà Người đã gieo trồng từ những năm đầu về Hà Nội.

2. Tổ y tế đặc biệt được chính thức thành lập vào tháng 6/1968, do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền làm tổ trưởng.

Các tổ viên gồm có: đại úy, bác sĩ Lê Ngọc Mẫn; thượng úy, bác sĩ Lê Điều; thiếu úy, bác sĩ Nguyễn Văn Châu; y sĩ Đỗ Trung Hát và hộ lý trưởng Phạm Ngọc Am. Để tổ y tế có thể bắt tay ngay vào thực hành thí nghiệm gìn giữ thi hài ở điều kiện khí hậu nhiệt đới, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Công binh lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ tốt về Viện Quân y 108 xây dựng phòng thí nghiệm đặc biệt và đó cũng sẽ là nơi yên nghỉ đầu tiên của Bác trước khi hoàn thành công trình Lăng mà giờ đây mới chỉ là đồ án thiết kế.

Nhận nhiệm vụ, từ địa điểm sơ tán một số cán bộ kỹ thuật phòng Công trình, Bộ Tư lệnh Công binh gồm các đồng chí Nguyễn Trọng Quyền, Bùi Danh Chiêu, Lam Sinh và Trần Thanh Vân, do đồng chí Nguyễn Trọng Quyền phụ trách hành quân gấp về Hà Nội, vừa ổn định chỗ ăn, ở, vừa khảo sát hiện trường, vừa lập phương án thiết kế sơ bộ, cũng không kịp tìm hiểu công trình phục vụ ai, nhằm mục đích gì, chỉ được biết: đây là một công trình đặc biệt, phục vụ một nhiệm vụ đặc biệt, đòi hỏi kỹ thuật cao so với khả năng, phương tiện hiện có của đơn vị.

Phải thiết kế và thi công một công trình phức tạp, bảo đảm nhiệt độ thường xuyên 16 độ C, chỉ được phép dao động trên dưới ± 0,2 độ C. Độ ẩm phải ổn định 75% trong điều kiện không có gió lùa và phải vô trùng tuyệt đối. Đây là một khó khăn lớn. Mặt khác, qua mấy năm chiến tranh phá hoại, một số cơ sở điện, nước bị địch đánh phá hư hại nặng, không thể đảm bảo điện nước 24/24 giờ cho công trình. Các cơ quan Trung ương lại ở nơi sơ tán, việc trao đổi kinh nghiệm, học hỏi thêm kỹ thuật, tìm kiếm phương tiện, vật tư bị hạn chế lớn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng nhóm cán bộ kỹ thuật vẫn quyết tâm chuẩn bị thi công.

Theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Công binh, cả hai lực lượng thiết kế và thi công phải song song triển khai cùng một lúc mới bảo đảm tiến độ. Quá trình thi công cũng là quá trình vừa bổ sung hoàn chỉnh thiết kế. Chỉ ít ngày sau, lực lượng thi công chủ yếu của Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 259 công binh, do đồng chí Trần Sĩ Yêm chỉ huy đã được điều động tới. Thời gian này, phần lớn các khoa của Bệnh viện 108 đã đi sơ tán. Không khí trong viện vắng lặng, kín đáo, rất thuận lợi cho việc thi công cả ban ngày lẫn ban đêm. Do vị trí thi công chật hẹp, Tiểu đoàn 2 phải tổ chức làm ca, kíp, kết hợp với việc tập kết vật tư, nguyên liệu đúng lúc, đồng bộ. Vốn là những chiến sĩ ngày đêm đối mặt với bom đạn Mỹ trên các mặt đường, trên các cây cầu, bến phà, các chiến sĩ công binh đã tỏ ra dày dạn, có nhiều kinh nghiệm và hết sức năng động trong nhiệm vụ mới này.

Sau một thời gian lao động quên mình, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và yêu cầu kỹ thuật. Nhưng đến khi lắp đặt các thiết bị, máy móc, vận hành thử nghiệm lại nảy ra những khó khăn mới tưởng chừng không sao khắc phục, như khi lắp máy điều hòa nhiệt độ, lúc cần hạ thấp nhiệt độ theo yêu cầu thì máy không đáp ứng được. Thế là lại phải mày mò, cải tạo làm cho máy điều hòa nhiệt độ thỏa mãn tất cả mọi yêu cầu kỹ thuật trong từng giai đoạn gìn giữ thi hài Bác.

Xử lý, khắc phục xong máy điều hòa nhiệt độ thì ở buồng trung tâm, nơi sẽ đặt thi hài lại xuất hiện một trục trặc khác. Nguyên do là sau khi máy điều hòa ngừng làm việc, mọi người nhận ra có hiện tượng đọng sương trên trần nhà. Hiện tượng này dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, trong khi đó, buồng đòi hỏi phải vô trùng tuyệt đối. Làm thế nào để khắc phục hiện tượng này? Nhiều lần các chiến sĩ công binh đã dùng sơn chóng khô và dùng giẻ thấm nước, nhưng hiện tượng đọng sương vẫn xảy ra. Cuối cùng họ đã tìm được một biện pháp: dùng gỗ dán lát toàn bộ trần nhà kết hợp với thông hơi. Hiện tượng đọng sương biến mất. Công trình này đã được hoàn tất vào những ngày cuối năm 1968 và mang mật danh: Công trình 75A.

Khi đoàn chuyên gia Liên Xô sang kiểm tra, bạn đã ngạc nhiên đánh giá cơ sở làm việc được chuẩn bị hết sức tốt và bắt đầu từ đó, công trình được bàn giao cho tổ y tế đặc biệt sử dụng. Tiểu đoàn 2 công binh chỉ để lại một bộ phận nhỏ tiếp tục củng cố, bổ sung và quản lý vận hành, còn phần lớn đơn vị chuyển sang một nhiệm vụ mới: cải tạo, xây dựng công trình 75B, một công trình có cấu trúc và thiết bị tương tự như 75A. Đây là nơi đặt thi hài Bác trong những ngày tang lễ.

Trích Ký sự “Giữ yên giấc ngủ của Người” NXB QĐND- 1990

<< Bài trước || Xem tiếp >>

/*** js CHAN TRANG ***/