Mặc dù một số nền tảng video ngắn đã cải tiến thuật toán nhằm ngăn ngừa các nội dung độc hại tiếp cận người dùng nhưng các nỗ lực này dường như mới chỉ nhằm xoa dịu dư luận và đối phó với các cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy, một số lượng không nhỏ các video xấu vẫn tràn ngập trên các nền tảng TikTok, YouTube Short, Facebook Reel, Bigo Bar, Instagram, Likee… tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi người sử dụng mạng xã hội.
Không phải ngẫu nhiên, các phương tiện truyền thông đại chúng đều có chung nhận định đây là thời kỳ trỗi dậy của nền tảng nội dung ngắn. Sau thành công của TikTok, các nền tảng mạng xã hội lớn mà điển hình là YouTube và Facebook đã lao vào phát triển ứng dụng phát và chia sẻ video ngắn (short video), bất chấp một thực tế là hai mạng xã hội này vốn chứa hàng tỷ video clip có thời lượng dưới 1 phút.
Ðiểm mới của TikTok là nền tảng này cung cấp cho người dùng hàng loạt các tính năng như ghép nhạc, thêm hiệu ứng (filter) hình ảnh và âm thanh, cách thức để video hiện lên trên xu hướng (trending). TikTok cũng ban hành nhiều chính sách để thu hút người dùng mới và tăng thời lượng sử dụng mạng xã hội này như: nhận tiền hoa hồng với lời mời bạn bè đăng ký tài khoản mới, nhận tiền để truy cập và theo dõi video liên tục 10 phút trong 14 ngày.
Trong tháng 9, số tiền mà người dùng Việt Nam có thể nhận được từ việc mời người quen đăng ký mới tài khoản TikTok lên tới 8 triệu đồng. Bằng cách thức này, TikTok đã thu hút được lượng người dùng khổng lồ với hơn 1,1 tỷ người. Trong danh sách các nền tảng video ngắn, TikTok chỉ đứng sau Instagram về lượng người tương tác thường xuyên nhưng được đánh giá là ứng dụng tạo ra thu nhập tốt nhất cho các nhà sáng tạo nội dung. Tính riêng tại thị trường Việt Nam, có khoảng gần 50 triệu người sử dụng TikTok.
Song thành công của TikTok được tạo dựng bởi các thuật toán bị nhiều chuyên gia, nhà khoa học cảnh báo là có nguy cơ gây nghiện cho người sử dụng. Mặt khác sự xuất hiện tràn lan các video ngắn tác động không nhỏ đến vấn đề tiếp nhận, dần dần làm thay đổi thói quen, hành vi của người dùng mạng, như việc đọc hiểu hời hợt lệ thuộc sự dẫn dắt của video ngắn thay cho sự tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề của đời sống.
Bên cạnh đó TikTok cũng không hiệu quả trong việc ngăn chặn các video có nội dung độc hại, nhảm nhí, thậm chí cả tin giả. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố hàng loạt sai phạm của TikTok trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam như thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội; thông tin gây hại cho trẻ em...
Theo nhận định của cơ quan chức năng, quy trình kiểm duyệt nội dung của TikTok chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Cách thức phân phối, đề xuất nội dung của TikTok dựa trên sự tương tác, sở thích, mối quan tâm của người dùng dễ dẫn đến việc nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam được lan truyền với tốc độ nhanh chóng nếu được nhiều người dùng tương tác quan tâm... Ở chiều ngược lại, TikTok cũng thừa nhận các hành vi vi phạm tại Việt Nam và có biện pháp khắc phục cụ thể qua việc chặn, gỡ tài khoản, kênh theo yêu cầu của cơ quan quản lý đồng thời cải tiến một số thuật toán.
Dù TikTok đã có một số thay đổi trong thuật toán nhằm ngăn chặn các nội dung chống phá Ðảng, Nhà nước Việt Nam tuy nhiên để đối phó với bộ lọc của TikTok, một vài đối tượng xấu bắt đầu sử dụng chiêu trò soạn thảo các văn bản chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh tụ trên nền video thay vì lồng ghép hình ảnh, âm thanh hay thể hiện ở phần ghi chú nội dung như trước đây. Do đó, số lượng video chống phá tuy có chiều hướng giảm nhưng chưa thực sự triệt để. Bên cạnh đó, TikTok chưa có động thái trong việc ngăn chặn, giảm các luồng thông tin tiêu cực. Các thuật toán liên tục gợi ý hàng loạt xu hướng video nhảm nhí phản cảm. Nhiều video có hình ảnh, nội dung, chứa bình luận xâm phạm quyền trẻ em cũng liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội này.
Ðáng chú ý, hiện tượng đăng tải và chia sẻ các video ngắn chứa nội dung xấu, độc không chỉ xuất hiện trên nền tảng TikTok mà lan rộng sang nhiều nền tảng Facebook Reel, YouTube Short, Instagram Reel. Trong đó, một phần nguyên nhân đến từ việc các ứng dụng video ngắn này có rất nhiều tính năng, công cụ, thuật toán tương đồng với TikTok, thậm chí cho phép người dùng đăng tải, chia sẻ đồng thời trên nhiều nền tảng. Một số mạng xã hội lớn không hề giấu giếm việc họ đang phát triển các thuật toán gây nghiện giống như TikTok.
"Hiện tượng đăng tải và chia sẻ các video ngắn chứa nội dung xấu, độc không chỉ xuất hiện trên nền tảng TikTok mà lan rộng sang nhiều nền tảng Facebook Reel, YouTube Short, Instagram Reel. Trong đó, một phần nguyên nhân đến từ việc các ứng dụng video ngắn này có rất nhiều tính năng, công cụ, thuật toán tương đồng với TikTok, thậm chí cho phép người dùng đăng tải, chia sẻ đồng thời trên nhiều nền tảng."
Ðiều đáng nói là phần lớn ứng dụng video ngắn trên không gian mạng hiện nay có chính sách và biện pháp quản lý vô cùng lỏng lẻo. Trong đó, có thể điểm tên một số ứng dụng như Bigo Live, Likee. Cả hai ứng dụng video ngắn này đều bị cơ quan quản lý tại nhiều quốc gia cáo buộc chứa các nội dung không phù hợp với trẻ em, bên cạnh các rủi ro về dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, các kho phần mềm trực tuyến còn chứa rất nhiều ứng dụng video ngắn đến từ các nhà phát triển không rõ nguồn gốc. Trong số này, có không ít ứng dụng ngang nhiên quảng cáo các tính năng khiêu dâm, gợi dục để câu kéo người sử dụng. Số khác thu hút người dùng ứng dụng bằng chiêu trò xem video ngắn để nhận tiền ảo, có thể quy đổi ra tiền mặt. Không chỉ vậy, một số nhà phát triển của bên thứ ba cũng cung cấp các phần mềm, ứng dụng cho phép tải về các video ngắn từ mạng xã hội. Ðây được xem là công cụ giúp đối tượng xấu có thể nhanh chóng lưu trữ các video độc hại, vi phạm bản quyền trước khi nhà cung cấp dịch vụ phát hiện và xóa bỏ những nội dung này.
Hầu hết các ứng dụng video ngắn đều là các nền tảng xuyên biên giới nên rất khó xác định đối tượng nào trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ. Bởi lẽ công ty chủ quản, pháp nhân đại diện, đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội của các nền tảng này thường được đặt tại các quốc gia khác nhau. Ðây chính là lý do khiến việc phát hiện, xử lý sai phạm đối với các nền tảng video ngắn không hề dễ dàng.
Minh chứng rõ nhất là việc Bộ Thông tin và Truyền thông phải kéo dài thời gian kiểm tra toàn diện TikTok so với dự tính ban đầu khi phát hiện đơn vị cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam là TikTok Pte.Ltd (TikTok Singapore) chứ không phải là công ty TikTok và văn phòng TikTok tại Việt Nam. Tương tự, một số ứng dụng như Likee, Bigo Live có hỗ trợ đa ngôn ngữ, bao gồm tiếng Việt và được phát hành trên nền tảng phân phối kỹ thuật số Appstore, CHPlay tại Việt Nam nhưng đơn vị cung cấp dịch vụ trực tiếp lại có trụ sở tại Singapore, còn công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc. Theo chính sách của hai ứng dụng này, các vấn đề pháp lý và tranh chấp chỉ được giải quyết theo quy định của pháp luật Singapore.
Thực tiễn này cho thấy việc quản lý các nền tảng video ngắn tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Do đó, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp tổng thể trong cấp phép và quản lý, đưa ra biện pháp phối hợp với các nền tảng video ngắn nói riêng, mạng xã hội nói chung trong ngăn chặn các nội dung xấu, độc, bao gồm các quy định pháp luật, chế tài yêu cầu các mạng xã hội phải chứng minh và cam kết không gây hại cho người sử dụng. Ðồng thời cần đưa ra các hình phạt thích đáng đối với đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội vi phạm những quy định pháp luật, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội.
Mới đây, tại dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng, nhấn mạnh đến việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin xuyên biên giới cho người dùng tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến Việt Nam. Một điểm đáng lưu ý là dự thảo cũng đề cao quyền lợi chính đáng của người dùng mạng xã hội khi yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải có bộ phận chuyên trách giải quyết khiếu nại và phản hồi của người dùng mạng Việt Nam.
Theo đó, "trong thời gian 48 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại của người dùng Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới phải xử lý bằng biện pháp tạm khóa các nội dung, dịch vụ, ứng dụng bị khiếu nại có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và thực hiện gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng khi có thông tin xác minh vi phạm theo quy định tại khoản 1 Ðiều 8 Luật An ninh mạng, khoản 1 Ðiều 5 Nghị định này" (điểm h, khoản 3, Ðiều 26 Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NÐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NÐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NÐ-CP). Ðây là quy định quan trọng phù hợp với thực tế vì cho đến nay hầu hết mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc tháo, gỡ các nội dung xấu, độc theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Trong trường hợp người xem phản ánh nội dung vi phạm, các nền tảng này chỉ tiến hành ẩn video ấy với chính người dùng đó. Khi các nội dung này được hiện thực hóa, hiện tượng "né tránh pháp luật" của các mạng xã hội xuyên biên giới nói chung, ứng dụng video ngắn nói riêng chắc chắn sẽ được giải quyết triệt để. Tuy nhiên về lâu dài, chính phủ các quốc gia cần thông qua những hiệp ước, cơ chế hợp tác chung nhằm quản lý có hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook, YouTube.
Ngày 25/8/2023, Ðạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) và Ðạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực, hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn cho người dùng trực tuyến và ngăn chặn việc lan truyền nội dung độc hại vừa bất hợp pháp vừa vi phạm điều khoản dịch vụ của nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, có khoảng 20 nền tảng trực tuyến, bao gồm các ứng dụng chia sẻ video đã cam kết tuân thủ các quy định mới của EU. Ðây có thể xem là một bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đối với việc liên kết để phòng, chống các tác hại từ nền tảng video ngắn nói riêng, mạng xã hội nói chung.
"Ngày 25/8/2023, Ðạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) và Ðạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực, hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn cho người dùng trực tuyến và ngăn chặn việc lan truyền nội dung độc hại vừa bất hợp pháp vừa vi phạm điều khoản dịch vụ của nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, có khoảng 20 nền tảng trực tuyến, bao gồm các ứng dụng chia sẻ video đã cam kết tuân thủ các quy định mới của EU."
Song song với quá trình rà soát, bổ sung quy định về quản lý các nền tảng cung cấp thông tin xuyên biên giới, cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức người dùng các ứng dụng video ngắn để tạo "sức đề kháng" trước các nội dung bẩn; khuyến khích người dùng phản ánh về các video vi phạm pháp luật nhà nước, vi phạm chính sách cộng đồng của mạng xã hội bằng cách gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan chức năng...
Nguồn: Báo nhân dân Online