GS Siracusa đã đề cập đến một số quan điểm đáng suy ngẫm, đặc biệt là vai trò của Việt Nam và châu Á trong việc đánh giá lại và thách thức các giả định phổ biến ở thế giới phương Tây…
Giáo sư Joseph Siracusa là một học giả nổi tiếng trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, đã viết hơn 50 cuốn sách và đào tạo hàng ngàn sinh viên. Ông thường xuyên xuất hiện trên nhiều kênh tin tức quốc tế, từ Sky News đến CNN, TRT đến Sputnik. Ông thường nhìn nhận vấn đề dựa trên thực tiễn hơn là các học thuyết chính trị.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện khi GS Siracusa đến Hà Nội làm diễn giả chính trong hội thảo "Việt Nam: 40 năm Đổi mới và Tầm nhìn 2045" do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Australia tổ chức vào tháng 3. Tại đây, GS Siracusa đã trình bày chủ đề "Chính trị địa cầu học và sự thay đổi cân bằng quyền lực ở châu Á - Hậu quả đối với Việt Nam”, nhằm phân tích và hiểu rõ những xu hướng lớn đang định hướng nền kinh tế-chính trị thế giới, đặc biệt ở châu Á, nơi ông coi là trọng tâm của thế giới hiện nay.
GS Siracusa đã đề cập đến một số ý tưởng đáng suy ngẫm, đặc biệt là vai trò của Việt Nam và châu Á trong việc đánh giá lại các giả định phổ biến của phương Tây. Ông cho rằng cán cân quyền lực địa chính trị đã chuyển dịch sang châu Á, đánh dấu bước khởi đầu của một "giai đoạn cách mạng" trong trật tự quốc tế sẽ chứng kiến sự biến đổi của hệ thống Washington Consensus (Đồng thuận Washington) đã dẫn dắt thế giới trong nhiều năm nay.
Tại sao ông có sự quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam, và tại sao ông nghĩ rằng châu Á lại có vai trò to lớn trong quan hệ quốc tế?
Tôi có mối quan tâm cá nhân và tôi tin rằng mình có sự liên hệ đặc biệt với Việt Nam. Tôi nằm trong số 27 triệu thanh niên Mỹ đến tuổi quân dịch khi diễn ra chiến tranh Việt Nam. Tôi đã 80 tuổi, và chứng kiến toàn bộ câu chuyện lịch sử. Tôi sinh ra khi Stalin, Churchill và Roosevelt đang chiến đấu với Hitler, khi đó chưa có bom nguyên tử và Hồ Chí Minh cũng chưa tuyên bố độc lập. Vì vậy, tôi đã có một vị trí rất tốt để quan sát thế giới, của nửa sau của thế kỷ 20 và những thập kỷ đầu của thế kỷ 21.
Tôi đã chứng kiến tất cả sự kiện. Nếu bạn hỏi bất kỳ ai trong lớp của tôi tại Vienna vào năm 1964, liệu Cách mạng tại Việt Nam có thể biến đất nước này thành một quốc gia hùng mạnh như bây giờ hay không, lúc đó không ai sẽ tin tôi. Trong những năm qua, người Việt Nam đã đánh đuổi ngoại xâm, đã vượt qua thách thức về nguồn tài nguyên khan hiếm và phát triển, và bây giờ đã chuyển sang giải quyết vấn đề của cả thế giới phương Tây, như biến đổi khí hậu toàn cầu và những vấn đề tương tự.
Tôi đã rất may mắn được chứng kiến toàn bộ cuộc đổi thay này.
Tôi có một số học viên tiến sĩ xuất sắc đến từ Việt Nam. Tôi đã viết hai cuốn sách với các học giả Việt Nam, trong đó có cuốn viết cùng với giám đốc Học viện Ngoại giao. Tôi đã tham gia chương trình đào tạo cấp cao với họ. Tôi đã nói chuyện với ngành Tư pháp Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng trong 10 năm công tác tại Đại học RMIT. Chúng tôi đã tham gia đào tạo cho các quan chức Việt Nam.
Tôi nói với họ, tôi sẽ viết về bối cảnh. Tôi không phải là nhà kinh tế. Tôi không tự cho mình biết nhiều hơn nghề nghiệp của mình. Vì vậy, tôi viết về môi trường trí thức, mà trong đó tất cả những điều này diễn ra. Và kết luận của tôi, dựa trên quan sát cũng như suốt sự nghiệp học thuật của mình, rằng châu Á hiện nay là trung tâm của thế giới, và Việt Nam đang ở vị trí là trung tâm của châu Á.
Đây là một nơi rất thú vị để quan sát bởi vì mọi thứ đang diễn ra ngay tại đây. Việt Nam muốn di chuyển kim đồng hồ, muốn trở nên năng suất hơn, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và cuối cùng trở thành một quốc gia phát triển - theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc, bạn phải có GDP bình quân đầu người trên 21,200 USD. GDP bình quân đầu người tại Việt Nam hiện đang ở mức 4.300 USD. Bạn đã vượt qua nhiều tiêu chí trước đây để trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao.
Dựa trên kiến thức về sự phát triển lịch sử và chính trị địa cầu học ở châu Á, ông nhìn nhận thế nào về vai trò và cách tiếp cận của Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi ở khu vực?
Tôi nghĩ rằng cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đang đi đúng hướng. Và tôi đã xem xét những đặc điểm có thể ảnh hưởng, và tôi muốn các nhà hoạch định chính sách Việt Nam xem xét thế giới lớn hơn mà họ đang làm việc.
Tôi thích cách triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam. Bạn muốn hợp tác với mọi người.
Quan điểm của ông về vị thế hiện tại của Việt Nam là gì? Và ông nghĩ chúng tôi sẽ đối mặt thế nào trong thế giới mới này?
Bạn không muốn bị lôi kéo vào vấn đề của người khác. Tự bảo vệ mình càng nhiều càng tốt. Tôi nghĩ rằng Việt Nam, bởi vì lịch sử và sự tồn tại lâu dài của mình, đã học được nghệ thuật cân bằng. Và tất cả mọi người đều đồng ý với điều này. Bạn không muốn bị kẹt ở phía này hay phía khác.
Bạn làm rõ rằng chính sách đối ngoại của mình được thiết kế để bảo vệ Tổ quốc và người dân.
Chính phủ có hai trách nhiệm: bảo vệ Tổ quốc và mang lại thịnh vượng cho người dân. Và tôi nghĩ Việt Nam đang làm rất tốt cả hai điều này. Như tôi đã nói rằng, Việt Nam có nhiều bài học để chỉ cho thế giới. Đó là điều tôi nói trong bài thuyết trình của mình, ý tưởng rằng lời khuyên và bài học chỉ đi một chiều là sai. Bạn có nhiều câu chuyện quan trọng để kể cho thế giới, thế giới phương Tây cũng vậy. Nhưng đặc biệt, khi bạn chấp nhận sự độc đáo của châu Á, thế kỷ châu Á đã đến, một sự Phục hưng châu Á như tôi sẽ gọi, nơi bạn sẽ tỏa sáng.
Vì thế, một trong những điểm tôi đã nêu, tôi luôn nhấn mạnh về việc hướng dẫn giới trẻ đến với thế giới công nghệ và đổi mới kỹ thuật số, mà vẫn cam kết với văn hóa và gia đình.
Tôi nghĩ Việt Nam đang làm mọi thứ đúng đắn. Và điểm hôm nay là, châu Á là cuộc chơi chính, và Việt Nam ở giữa châu Á.
Tôi muốn chuyển sang phần tiếp theo của cuộc phỏng vấn, tập trung vào cách ông nhìn nhận chính trị quốc tế hiện nay, đặc biệt là chính sách ngoại giao của Mỹ. Việt Nam khá đặc biệt trong mối quan hệ với Mỹ. Ông có quan điểm mạnh mẽ trong nhiều năm qua rằng, các cuộc xung đột trên thế giới nhiều lúc bắt nguồn từ Mỹ. Liệu ông có thể chia sẻ thêm về quan điểm này không?
Chắc chắn rồi, đối với nhiều người thì có lẽ đây là quan điểm mạnh mẽ và gây tranh cãi nhất của tôi. Về phía người Mỹ, đặc biệt là các chính trị gia ở Washington, tôi nghĩ rằng họ luôn tìm kiếm những cuộc chiến mới. Ở đây, tôi đang nói về các cá nhân trong cơ quan chính sách đối ngoại và tầng lớp chính trị.
Trong suốt thế kỷ 20, họ đã xác định vấn đề chiến lược chính là nguy cơ đối đầu với Liên Xô. Khi Liên Xô tan rã, họ không biết phải làm gì với bản thân, không có mục tiêu, và từ đó cuộc chiến chống khủng bố xuất hiện. Họ nghĩ Iraq hay Afghanistan là một ý tưởng tốt; nhưng thực chất nó là một cuộc chiến nhằm kiểm soát nguồn dầu mỏ tại Trung Đông. Và bây giờ họ kéo phương Tây vào một cuộc chiến tiêu hao với Nga, và đang làm dấy lên căng thẳng với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh cường quốc chúng ta đang chứng kiến tại châu Á – Thái Bình Dương
Tầng lớp chính trị Mỹ đang cố gắng thuyết phục người dân rằng những hành động của họ - từ việc cấm TikTok đến việc đồng ý viện trợ hơn 60 tỷ USD cho Ukraine - đều là vì lợi ích của Mỹ, để bảo vệ xã hội và nền dân chủ của họ. Đây là những lý do Mỹ đã sử dụng trong hơn 100 năm qua để biện minh cho sự can thiệp của mình, nhằm bảo vệ vị thế cường quốc của mình. Rất nhiều chính trị gia tại Mỹ có dính dáng với nền công nghiệp quân sự trị giá hàng trăm tỷ USD của Mỹ - bao gồm các nhà vận động hành lang, những công ty sản xuất thiết bị quân sự.
Tôi phải nói thật với bạn là người dân Mỹ mệt mỏi vì chiến tranh. Chúng tôi đã kiệt sức sau cuộc chiến tại Việt Nam, sau đó kiệt sức từ hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Tiếp đó, chúng tôi đã phải chịu đựng cuộc chiến chống khủng bố, và đó là một thảm hoạ kéo dài hơn 20 năm nay. Và bạn có thể thấy sự chán nản của người Mỹ đối với tầng lớp chính trị sau khi Afghanistan bị chiếm bởi chính quyền Taliban, khiến cho hàng nghìn người chết trong cuộc sơ tán cuối năm 2021.
Nhiều nhà quan sát sẽ nghĩ rằng, sau nhiều năm theo đuổi một chính sách ngoại giao thất bại, có lẽ Mỹ sẽ rút lui về cách tiếp cận ít can thiệp với thế giới hơn. Và chúng ta đã chứng kiến điều này diễn ra đâu đó dưới chính quyền Trump và chính sách “America First” của ông, nhưng ngay cả khi đó, Mỹ không rút lui khỏi hầu hết các cam kết trên khắp thế giới.
Vì vậy, Mỹ sẽ không quay lại chủ nghĩa cô lập. Họ không thể làm vậy. Họ sẽ tiếp tục kiểm soát thế giới qua quyền lực kinh tế và thương mại dưới hệ thống Đồng thuận Washington. Nhưng với các thất bại trong chính sách quân sự, Mỹ đã mất đi danh tiếng trong khả năng đem lại hoà bình và ổn định.
Cảm ơn ông vì đã chia sẻ quan điểm của mình. Một tình huống khác tôi nghĩ ông có thể áp dụng cách nhìn của mình là vào hiện trạng của xung đột Nga-Ukraine, nguồn gốc của nó, và vai trò Mỹ và NATO trong cuộc xung đột này. Ông có thể giải thích thêm về điều này, và những gì ông tin đang diễn ra trong cuộc xung đột này không?
Theo tôi, ngay từ ban đầu, quyết định can thiệp vào Ukraine của Putin xuất phát từ sự thất bại của Hoa Kỳ và các đồng minh NATO trong việc đối phó với những lo ngại từ phía Nga về sự mở rộng của NATO. Lý do ban đầu cho cuộc tấn công của Nga vào Ukraine chính là thất bại của Mỹ trong việc đảm bảo rằng NATO sẽ không vào Ukraine, và sẽ không đặt các hệ thống vũ khí tiên tiến trên biên giới của họ.
Đối với Nga, ý tưởng NATO có thể mở rộng ngay tới biên giới của họ, đặc biệt tại một quốc gia góp phần quan trọng của lịch sử, văn hoá của họ như Ukraine – là một hành động mang tính chiến tranh, nó trực tiếp đe doạ an ninh xã hội của họ. George Kennan đã nói vậy; Francis Fukuyama cũng đã nói vậy; và rất nhiều người khác cũng nói về điều này. Chính ý tưởng mà cho phép Mỹ lấy tất cả các nước cộng hoà cũ của Liên Xô và biến họ thành thành viên của NATO, sau đó đặt tên lửa ngay trên biên giới chĩa thẳng vào Nga, đã châm ngòi cuộc chiến này.
Kể từ năm 2007, Putin đã lên tiếng về sự xâm lấn của NATO đến gần biên giới Nga. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn không nhấc máy để trả lời những lo ngại này của Nga – theo tôi đây là vấn đề chính. Ý tôi là, John F. Kennedy đã nhấc máy vào năm 1962 trong cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba và cả hai bên nhanh chóng kết thúc mối nguy hạt nhân này.
Đáng ra Biden đã phải nhấc máy và nói thẳng với với Putin, "NATO sẽ không kết nạp Ukraine, và chúng tôi sẽ không đặt hệ thống vũ khí tiên tiến nào tại đây". Điều đó chắc chắn sẽ chấm dứt căng thẳng ngay lập tức. Và có lẽ Putin là người ngạc nhiên nhất thế giới khi phía Mỹ không đưa ra bất kỳ giải pháp nào.
Tại sao ông nghĩ rằng Mỹ cảm thấy bắt buộc phải can thiệp vào những sự kiện đang diễn ra nửa vòng quả đất xa xôi?
À, bạn thấy đấy, chính sách đối ngoại Mỹ từ năm 1945 được thiết kế để giữ các mối đe dọa xa khỏi biên giới Mỹ, và tăng cường quân đội và ảnh hưởng của mình để tác động đến sự kiện ở xa nhà. Sau Thế chiến 2, chính sách Mỹ đã được thiết kế để luôn có khả năng đối phó với với 2,5 cuộc chiến: một cuộc chiến trong nước, mà chưa bao giờ diễn ra, và sau đó là 1,5 cuộc chiến trên thế giới. Và điều này đã trở thành cốt lõi trong tư duy của giới tinh hoa ngoại giao. Họ tin rằng họ có quyền đi lang thang khắp thế giới và gây tác động đến các diễn biến khác.
Đây là một thứ tôi cũng băn khoăn. Chính những người Mỹ như ông, những người quan sát, liệu họ không cảm thấy là nước Mỹ đang đi trái với mục đích của mình?
Chính xác là vậy. Chúng tôi thậm chí không biết mình đã ở đâu hay chúng tôi đang cố gắng làm gì, nhưng sau đó chúng tôi tiếp tục đi khắp thế giới, làm hỏng mọi thứ theo cùng một cách. Vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu cuộc chiến tranh chống khủng bố. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể đến Iraq và thay đổi một nền văn minh đã tồn tại từ 2000 đến 3000 năm — từ thời Babylonia cơ mà.
Lần đầu tiên tôi nghe rằng quân đội Mỹ đóng quân trên sông Euphrates, tôi nghĩ, "Thomas Jefferson sẽ nói gì về một đội quân Mỹ đóng quân trên sông Euphrates?" Điều này chống lại Mỹ. Việc ở bên kia thế giới như thế này, thật điên rồ. Bây giờ, Mỹ cam kết vào niềm tin rằng, để Mỹ tồn tại, thế giới phải mở cửa cho thương mại và ảnh hưởng của Mỹ. Đó gọi là Lý thuyết Cửa mở. Nếu ai cố gắng đóng cửa hoặc tạo ra một khu vực độc quyền, họ trở thành kẻ thù, theo định nghĩa của chúng tôi.
Vì vậy, như bạn đã nói, tại sao Mỹ nghĩ rằng họ có quyền can thiệp vào Afghanistan, Iraq, Ba Tư…? Đối với tôi, những điều này đều là ý tưởng tồi tệ. Và Mỹ coi đó không chỉ là quyền của họ, mà họ còn bắt đầu tưởng tượng rằng đó là một phần của hệ thống phòng thủ tự nhiên của họ để có thể tác động đến sự kiện xa xôi, dù đó là ở châu Phi, Đông Nam Á, hay Trung Đông.
Và khi tôi nghĩ về tất cả những người ở những nơi này vì ai đó có một ý tưởng nửa vời để bảo vệ cái này hay cái kia, tôi nghĩ điều đó thật sai lầm. Vấn đề tôi cho rằng, với Ukraine, ông Biden không có hành động nào để chấm dứt nguy cơ chiến tranh. 14 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa. Hàng trăm nghìn người không có chỗ ngủ.
Sau tất cả những thứ ông nói, phải chăng chúng ta đang chứng kiến một khoảng cách trách nhiệm giữa người dân Mỹ và những người cầm quyền tại Washington?
Bạn biết đấy, khi tôi còn trẻ như bạn, tôi muốn đi khắp thế giới và gặp gỡ mọi người, cho nên tôi đã làm vậy. Tôi không gặp bất kỳ ai muốn chiến đấu với Mỹ, và tôi không muốn chiến đấu với bất kỳ ai khác. Chúng tôi không có gì để chiến đấu. Nhưng ý nghĩ chúng ta sẽ trở thành kẻ thù với nhau, chỉ vì ai đó ở Washington nói rằng đây là kẻ thù mới là thứ tôi không thể chấp nhận được. Nó là một thứ trái ngược với các giá trị ban đầu mà Mỹ được xây dựng nên, và một thứ chỉ có thể giải quyết được qua sự nhận thức của thế hệ mới, của những người như bạn.
Tất cả các quyết định này đều dựa vào một nhóm người nhỏ, giới tinh hoa ngoại giao Mỹ như tôi đã nói.
Tôi đã viết 54 cuốn sách, tất cả đều chỉ trích chính sách đối ngoại Mỹ, về lịch sử của vũ khí hạt nhân, được dịch sang 6 ngôn ngữ. Và tôi còn một cuốn sách nữa sẽ gọi là "Liệu Mỹ có thể ở nhà?". Tôi không thể thấy lý do gì. Nhưng tôi nghĩ chúng ta có nghĩa vụ khi lớn tuổi hơn để lên tiếng phản đối điều này. Điều đó rất quan trọng. Và tôi đã không sợ hãi trong việc nói về quan điểm của mình.
Ở tuổi 80, tôi sẽ tiếp tục làm điều đó khắp nơi trên thế giới, nói với bạn, nói với tất cả mọi người.
Cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!
Nguồn: Vietnamnet