Danh dự là điều cao quý nhất!

Các tôn giáo lớn đều trực tiếp hay gián tiếp khuyên dạy rằng phẩm chất quý giá nhất ở con người là tình yêu thương, cao thượng, vì người khác, trong sáng, liêm khiết, chân chính để cống hiến được nhiều nhất cho xã hội.


 Bộ đội Lữ đoàn Đặc công 113 luyện tập chiến đấu. Ảnh: PHÚ SƠN

Thánh tích đạo Công giáo kể, Thánh Joseph vốn xuất thân là một người thợ mộc, còn Đức mẹ Maria thời thiếu nữ rất xinh đẹp, có nhiều đám đến mối mai. Nhà Maria chọn rể bằng cách cho mỗi chàng trai đặt một chiếc gậy của mình vào chung một chỗ, gậy của ai nở hoa thì được lấy Maria. Chỉ có người thợ mộc Joseph được toại nguyện. Họ cưới nhau.

Thiên sứ Gabriel báo cho Maria biết nàng sẽ sinh ra Jesus là con của Đức Chúa trời và sau này sẽ là Đấng Cứu thế. Joseph thì mơ thấy mình được trao nhiệm vụ giữ Maria làm vợ còn Jesus sẽ là con nuôi. Maria là mẹ nhưng vẫn đồng trinh. Bà sinh con trai, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ vì họ không tìm được nhà trọ... Tích này như muốn cắt nghĩa giàu-nghèo không phải là lý do để được tôn trọng, sùng bái. Như Jesus đó thôi, có cha làm nghề thợ mộc, sinh ra ở nơi thiếu thốn, nghèo nàn, thế mà trở thành Đấng Cứu thế được hàng tỷ người ngưỡng vọng!

Sự ra đời của Đức Phật Thích Ca là thật chứ không phải huyền thoại. Đang là một thái tử có vợ đẹp, con ngoan, ở trong kinh thành xa hoa tráng lệ và tương lai gần sẽ kế vị ngôi vua, nhưng năm 29 tuổi, ngài rời bỏ tất cả gia đình quyền quý, của cải, chức vụ để xuất gia. Sau 6 năm tự mình tu học theo lối khổ hạnh luyện thân thất bại, ngài chọn con đường thiền định. Qua 49 ngày đêm bất động ngồi dưới gốc cây bồ đề, ngài chứng thành Phật quả với đủ tam minh, lục thông, trí tuệ. Ngài trở thành Phật tổ, không có một đồng xu nhưng có hàng triệu triệu người sùng bái!

Thì ra của cải, địa vị có làm nên hạnh phúc đâu, thậm chí, với Đức Phật thì của cải, địa vị càng cao lại càng đau khổ vì không được tự do làm theo ý của mình là đi tìm con đường giải thoát nỗi trầm luân cho chúng sinh!

Ông tổ của đạo Nho là Khổng Tử (trong cuốn Luận ngữ) dạy học trò: “Ăn cơm gạo thô, uống nước lã, co cánh tay gối đầu mà ngủ, coi đó là niềm vui. Làm điều bất nghĩa để có được giàu có, cao sang thì ta coi như đám mây nổi”. Ông thường kể chuyện có học trò rất nghèo đi cày ruộng, một lần bắt được cả hũ vàng nhưng vẫn cày lấp lên vì cho rằng vàng ấy không phải của mình. Người ấy sau này làm đến chức Thượng thư... Ông đúc kết thành châm ngôn sống mà sau này các bậc “cửa Khổng sân Trình” thuộc làu: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang mà không hoang dâm, nghèo hèn mà không đổi chí khí, gặp uy vũ không khuất phục).

Như vậy, các tôn giáo lớn đều trực tiếp hay gián tiếp khuyên dạy rằng phẩm chất quý giá nhất ở con người là tình yêu thương, cao thượng, vì người khác, trong sáng, liêm khiết, chân chính để cống hiến được nhiều nhất cho xã hội. Điều này cũng được người Việt triết lý danh dự là điều cao quý nhất, qua các châm ngôn: “Chết trong còn hơn sống đục”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”...

Con cò trong ca dao cũng: “Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”. Chính sử ghi lại chuyện tướng quân Trần Bình Trọng bị giặc Nguyên bắt. Chúng dụ dỗ, mua chuộc nếu ông đầu hàng sẽ được là “vua”. Mang dòng máu Việt, lại sinh ra trong thời hào khí Đông A lẫm liệt, tất nhiên ông từ chối, còn mắng kẻ xâm lược: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!”. “Làm vương đất Bắc” thì vừa có quyền vừa có tiền nhưng vẫn là tay sai. Như thế là nhục. Ông đã “chết vinh” chứ không chịu “sống nhục”!

Thế nhưng tại sao ở thời buổi văn minh này lại có người có học, chức trọng quyền cao, của nả nhiều hơn tài sản Thạch Sùng trong cổ tích mà vẫn “chịu nhục” tham ô, hối lộ, ăn của đút, không hề có chút tự trọng? Nguyên nhân ở đâu? Điều này không khó lý giải. Đó là do lòng tham làm mờ mắt, không phân biệt được tốt xấu, phải trái nên không còn sự liêm sỉ. Thực ra lòng tham là bản năng tồn tại của con người. Đúng như cổ nhân dạy, người mạnh là người thắng được chính mình. Những kẻ tham lam thì không thắng được mình nên chịu làm nô lệ cho tiền bạc...

Làm gì để chữa trị căn bệnh này? La Fontaine, một nhà ngụ ngôn, cũng là nhà giáo dục thiên tài kể câu chuyện “Lão nông và các con” chính là đưa ra “bài thuốc” chữa. Trước khi từ giã trần gian, lão nông dặn các con: Ngày xưa các cụ có chôn hũ vàng ở mấy đám ruộng nhà mình nhưng cha không biết chỗ. Cha chết, các con gắng tìm. Đám con y lời bèn “cày sâu cuốc bẫm” tìm vàng. Vàng không thấy nhưng mùa vụ liên tiếp. Đám con giàu to. Câu kết của truyện chính là bài học lớn phổ quát cho mọi thời, mọi người: “Lấy câu “lao động là vàng” dạy con”. Thế nên giải pháp chung cho tất cả là phải lao động. Trong lao động và qua lao động, người ta mới thấy được giá trị, ý nghĩa của “đồng tiền bát gạo”, mới biết thương người lao động... Đó là sự tự hoàn thiện nhân cách tốt nhất.

Những kẻ tham ô, tham nhũng đang làm việc trong cơ quan nhà nước có lao động không? Không. Với họ, “làm việc” chỉ là cái bình phong che đậy những ý đồ đen tối để có điều kiện là “tham”. Đó là những kẻ ăn bám đích thực. Thế nên kẻ lười, kẻ làm việc được chăng hay chớ nên sớm đuổi ra khỏi biên chế nhà nước!

“Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, “Tốt danh hơn lành áo”. Cha ông ta dạy thế. Đó là truyền thống đạo lý trọng giá trị tinh thần (trọng nghĩa khinh tài-“tài” nghĩa là tài sản vật chất) rất quý của cha ông. Nhưng trên thực tế thì vừa “sạch” vừa “thơm”, vừa “tốt” vừa “lành” vẫn  tốt hơn, nhất là ở thời buổi văn minh hôm nay. Người trọng danh dự, đạo lý càng không cho phép mình để người khác thương hại vì nghèo. Thế nên bằng sự cần cù, thông minh, năng động, ai ai cũng cố gắng vươn lên sự giàu có, miễn là trong khuôn khổ pháp luật, sự cho phép của cơ quan, tổ chức.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Báo Quân đội nhân dân điện tử

/*** js CHAN TRANG ***/