10 điểm nóng môi trường hàng đầu thế giới

10 điểm nóng môi trường, đại diện cho 10 loại ô nhiễm khác nhau, chỉ là một phần nhỏ trong bản đồ ô nhiễm trên thế giới hiện nay.

Hình ảnh: Khói bụi và sương mù được ghi nhận tại Lahore vào sáng ngày 7/11

Mất đa dạng sinh học ở rừng nhiệt đới Amazon

Rừng nhiệt đới Amazon, nơi sinh sống của hàng triệu loài động thực vật, là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên Trái đất. Tuy nhiên, nó cũng không thoát khỏi nạn phá rùng, thay đổi cách sử dụng đất, dẫn đến mất mát đáng kể về đa

dạng sinh học, khiến nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Ở Brazil và nhiều quốc gia Amazon khác, khai thác gỗ bất hợp pháp là vấn đề phổ biến. Khoảng 80% số lượng gỗ khai thác ở Amazon trong những năm 90 của thế kỷ XX là bất hợp pháp. Khi tiến hành kiểm tra 13 công ty, người ta phát hiện thấy 12 công ty có vi phạm. Các hoạt động khai thác gỗ trái phép thường diễn ra ở những vùng hẻo lánh, sử dụng giấy phép khai thác giả, chặt hạ các loại cây có giá trị thương mại cao (bao gồm cả cây được bảo vệ), chặt phá quá mức cho phép, khai thác cả vào những khu bảo tồn và lấn đất của người dân bản địa. Do mất môi trường sống, người bản địa và nhiều loài khác của Amazon liên tục phải di cư đến những khu vực mới.

Hạt vi nhựa trong sông

Những mảnh, hạt nhựa có kích thước dưới 5mm được gọi là vi nhựa. Chúng xuất phát từ những hạt vi nhựa trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân, quần áo bằng sợi tổng hợp và từ các mảnh nhựa lớn hơn bị phân hủy theo thời gian. Vi nhựa gây hại đáng kể với môi trường và các sinh vật sống. Sinh vật ăn phải vi nhựa sẽ tích tụ trong cơ thể, gây c hại, thậm chí tử vong. Các loài thủy sinh nhiễm độc ở sông có thể bị ngư dân đánh bắt, rồi gia nhập chuỗi thức ăn của con người.

Điểm nóng: sông Cauvery là một trong những con sông lớn ở Ấn Độ, bắt nguồn từ dãy Brahmagiri, chảy qua 800km trước khi đổ vào Vịnh Bengal. Nó đóng vai trò quan trọng trong sản xuất điện, cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu và có hệ động, thực vật phong phú. Tuy nhiên, sự xuất hiện các hạt vi mô, chất thải công nghiệp và nông nghiệp đang dẫn đến tình trạng thiếu ô-xy trong nước sông, gây hại đến các loài sinh vật.

Ô nhiễm của ngành thời trang

Ngành công nghiệp thời trang chịu trách nhiệm về một lượng ô nhiễm đáng kể, từ ô nhiễm nguồn nước do nhuộm và hoàn thiện hàng dệt may đến phát thải khí nhà kính do sản xuất và vận chuyển. Ngoài ra, xu hướng thời trang nhanh (thời trang hợp xu hướng nhưng rẻ tiển, sản xuất bằng chất liệu công nghiệp, độ bền thấp, nhanh bị thay thế) càng làm tăng chất thải của ngành dệt may. Chất thải này thường được chôn lấp và góp phần gia tăng phát thải khí nhà kính. 

Điểm nóng: nằm ở phía Bắc Dhaka, Gazipur nổi lên như một trung tâm về hàng may mặc sản xuất hàng loạt trong ngành dệt may đang phát triển của Bangladesh. Tuy nhiên, các con sông xung quanh ô nhiễm nặng nề. Nông dân cho biết, việc xả thải không kiểm soát của các nhà máy may mặc đã biến các cánh đồng của họ thành tình trạng giống như bị nhựa hóa, động thời gây các bệnh da liễu mãn tính

Ô nhiễm không khí ở các nước đang phát triển

Ô nhiễm không khí ở các nước đang phát triển là mối đe dọa gây ra các bệnh đường hô hấp và tử vong sóm. Các nguồn ô nhiễm chính là việc sử dụng nhiên liệu rắn để nấu ăn và sưởi ấm, giao thông vận tải và hoạt động công nghiệp. 

Điểm nóng: Lahore (Pakistan) liên tục được xếp hạng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ô nhiễm không khí, trầm trọng nhất trong thời tiết mùa đông, bao phủ thành phố trong sương mù, gây ảnh hưởng đến các chuyến bay, đường sá và sức khỏe cộng đồng. Ô nhiễm ở Lahore chủ yếu do khói xe, ô nhiễm công nghiệp, khói nhà máy điện, do đốt chất thải và do đốt than làm gạch. Ước tính mỗi năm Pakistan có 128.000 người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Đáng nói là vấn đề ô nhiễm còn dính luôn cả yếu tố chính trị: việc nông dân Ấn Độ đốt gốc rạ sau thu hoạch bị cáo buộc là nguyên nhân chính gây khói bụi ở Lahore

Phá rừng làm nông nghiệp

Phá rừng làm nông nghiệpViệc phá rừng có tác hại kép: vừa làm tăng phát thải khí nhà kính (do phá hủy rừng - tác nhân chính hấp thụ carbon dioxide từ khí quyển), vừa phá hủy môi trường sống của nhiều loại sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, đe dọa đa dạng sinh học. 

Điểm nóng: Gran Chaco - khu rừng lớn thứ hai ở Nam Mỹ, sau Amazon - đang đối mặt với áp lực bị phá hoại nghiêm trọng. Trải dài trên các quốc gia Argentina, Paraguay, Bolivia và Brazil, nó phải gánh chịu tỷ lệ phá hoại cao nhất toàn cầu. Rừng bị phá chủ yếu để chuyển thành đất nông nghiệp, trồng đậu tương và chăn nuôi. Argentina là nước sản xuất đậu nành lớn thứ ba thế giới, trong khi nhu cầu đậu nành ngày một cao. Theo các dữ liệu chính thức, Gran Chaco bị khai thác 1 triệu tấn gỗ mỗi năm, nhưng nếu xem xét cả các hoạt động bất hợp pháp thì con số có thể là 2 hoặc 3 triệu tấn.

Rác thải điện tử

Thế giới càng lệ thuộc vào công nghệ, rác thải điện tử càng là vấn đề lớn. Chúng chứa các hóa chất độc hại và kim loại nặng có thể thấm vào môi trường khi không được xử lý đầy đủ.

Điểm nóng: Agbogbloshie ở Ghana đóng vai trò là bãi rác kỹ thuật số cho rác thải điện tử phương Tây, tích tụ hàng trăm triệu tấn mỗi năm. Ghana nhập khẩu khoảng 215.000 tấn thiết bị điện tử đã qua sử dụng từ Tây Âu và tạo ra thêm 129.000 tấn rác thải điện tử mỗi năm. Việc đốt vỏ dây cáp để lấy lõi đồng cũng là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Khoảng 80.000 người nghèo, gồm cả người Ghana lẫn người các nước lân cận, sống ở bãi rác Agbogbloshie và các khu ổ chuột gần đó.

Khan hiếm nước

Thiếu nước đang là mối quan ngại ngày càng gia tăng ở nhiều nơi. Biến đổi khí hậu, dân số gia tăng và việc sử dụng nước lãng phí làm tình trạng càng trầm trọng hơn.

Điểm nóng: Zambia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và thiếu điện do hạn hán kéo dài, mực nước hồ chứa rất thấp, Mực nước hồ Kariba - hồ nhân tạo lớn nhất thế giới - đã giảm 6m kể từ năm 2017. Tình trạng này đe dọa đến một nửa nguồn điện của Zambia - được khai thác từ đập Kariba. Vài cơn mưa lẻ tẻ không giúp mực nước hồ tăng hơn, trong khi kết hợp với tình trạng hạn hán kéo dài, chúng càng gây hại cho cây trồng và cơ sở hạ tầng. Việc thiếu nước sạch còn gây dịch bệnh đáng kể cho người dân ở đây.

Acid hóa đại dương 

Acid hóa đại dương là kết quả của quá trình carbon dioxide gia tăng trong khí quyển, được các đại dương hấp thụ. Quá trình này làm nước biển có tính acid cao hơn, gây bất lợi cho các sinh vật, đặc biệt sinh vật hình thành vỏ. 

Điểm nóng: rạn san hô Great Barrier ở Australia - một trong những rạn san hô có hệ sinh thái đa dạng và mang tính biểu tượng nhất - đang chịu tác động nặng nề từ quá trình acid hóa đại dương. Tình trạng acid hóa ức chế sự phát triển của san hô, làm suy yếu cấu trúc của chúng và làm giảm khả năng phục hồi của chúng sau các tác nhân khác như hiện tượng tẩy trắng và ô nhiễm. Và thật kỳ lạ, để giảm thiểu tình trạng acid hóa đại dương, các biện pháp có thể bao gồm cả việc chúng ta giảm bớt tiêu thụ thịt và sữa.

Thoái hóa đất

Thoái hóa đất, bao gồm xói mòn đất, mất độ phì nhiêu và giảm đa dạng sinh học, là hậu quả của việc sử dụng đất không bền vững như chăn thả quá mức, phá rừng và thâm canh nông nghiệp.

Điểm nóng: nạn phá rừng tại Ethiopia gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nó phá vỡ vòng tuần hoàn nước, làm mất lá chắn ngăn xói mòn, đất màu ngày càng cạn kiệt, năng suất cây trồng giảm sút. Nạn phá rừng diện rộng còn làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và tác động vào nguồn cung cấp lương thực thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men,... của hàng triệu người.

Ô nhiễm nhựa trong đất

Nhựa có thể không bị phân hủy trong nhiều thập niên, thậm chí thế kỷ, nên nó tích tụ trong đất, tạo ra rào cản với không khí và nước, hạn chế khả năng tiếp cận ô-xy của rễ cây trong đất, gây ô nhiễm đất, giảm độ phì nhiêu, làm tổn thương vi sinh vật trong đất, xâm nhập và làm ô nhiễm nước ngầm.

Điểm nóng: Lagos - thủ đô cũ của Nigeria - là trung tâm công nghiệp và thương mại của đất nước. Thành phố này phải đối mặt với nhiều nguy cơ môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nhựa. Dù ngành tái chế mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng Lagos vẫn ngày càng tràn ngập rác thải nhựa và có thể phải mất hàng trăm năm mới phân hủy được. Các bãi chôn lấp làm chất thải ngấm vào nguồn nước, gây hại rất lâu dài. Chưa kể, do thiếu điện, người ta sử dụng phổ biến các nhà máy phát điện thải ra khí độc hại.

Trên đây chỉ là 10 loại ô nhiễm và điểm nóng môi trường chính. Trên cổng trực tuyến Ecohubmap, có thể tìm thấy hàng trăm điểm nóng đa dạng khác, đòi hỏi chúng ta phải hành động ngay để giải quyết chúng./.

Tác giả: Gia Ngọc
Nguồn: Hồ sơ sự kiện - chuyên san của Tạp chí Cộng sản


Tải file Powerpoint tuyên truyền tại đây


/*** js CHAN TRANG ***/