Toan tính của Trung Quốc từ lớp vỏ bọc mang tên luật hàng hải sửa đổi

 Việc Trung Quốc áp dụng các quy định mới về khai báo đối với một số loại tàu thuyền đi vào vùng biển mà Bắc Kinh gọi là "lãnh hải" của nước này có thể gây “bất ổn và xung đột tiềm ẩn” trong khu vực.

Việc Trung Quốc áp dụng các quy định mới về khai báo đối với một số loại tàu thuyền đi vào vùng biển mà Bắc Kinh gọi là "lãnh hải" của nước này có thể gây “bất ổn và xung đột tiềm ẩn” trong khu vực.


Lộ rõ âm mưu của Trung Quốc

Trong Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/9, Trung Quốc yêu cầu tàu nước ngoài “báo cáo thông tin chi tiết” về tàu và hàng hóa cho các cơ quan quản lý nước này bất cứ khi nào đi vào vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố là “lãnh hải” của mình.

Động thái của Trung Quốc nhanh chóng gây sự chú ý và giới quan sát ngay lập tức vạch trần những toan tính của nước này từ lớp vỏ bọc mang tên “an toàn hàng hải”.

Trong một bài bình luận trên CNN, các tác giả Brad Lendon và Steve George nhận xét rằng, quy định nói trên thoạt nghe có vẻ như hợp lý, đặc biệt nếu một con tàu đang chở theo hàng hóa nguy hiểm, nhưng điều đó sẽ trở thành vô lý khi xem xét đến những gì cấu thành cái được gọi là “lãnh hải của Trung Quốc”. Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông thông qua yêu sách "đường chín đoạn" và yêu sách phi pháp này đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ vào năm 2016. Bên cạnh đó, nước này cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản tại biển Hoa Đông.

Câu hỏi đặt ra là, liệu Trung Quốc có cố gắng thực thi quy định mới tại các vùng biển nói trên hay không? Nếu Bắc Kinh làm như vậy, các cường quốc Thái Bình Dương như Nhật Bản và Mỹ chắc chắc sẽ không tuân thủ. Với kịch bản đó, câu hỏi nhanh chóng chuyển sang việc Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào?

Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi yêu cầu người điều khiển tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu, hóa chất, khí hỏa lỏng cùng các chất độc hại và các tàu "có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc", phải khai báo thông tin chi tiết khi họ đến lãnh hải Trung Quốc.

Theo CNN, quy định nói trên thiếu chi tiết cụ thể và các nhà phân tích phương Tây cho rằng chúng đi ngược với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, trong đó có điều khoản quy định các quốc gia ven biển không được phép cản trở tàu thuyền của nước ngoài nếu những con tàu này “qua lại không gây hại” trong lãnh hải của quốc gia đó.

Ông Robert Ward, chuyên gia nghiên cứu an ninh Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London cho rằng: “Đây có vẻ như một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm giăng lưới pháp lý tại những khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền để “bình thường hóa” những tuyên bố đó. Việc thực thi sẽ khó khăn, nhưng điều này đối với Bắc Kinh có thể không quan trọng bằng việc họ dần áp đặt cái gọi là cơ sở pháp lý để phục vụ cho mục đích của mình”.

Đây là bước đi táo tợn tiếp theo nhằm mục đích mở rộng quyền kiểm soát các vùng biển tranh chấp của Trung Quốc. Trước đó vào tháng 2/2021, Bắc Kinh đã ban hành Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc "được quyền xua đuổi, bắt giữ, thậm chí sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền nước ngoài" hoạt động tại vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Đe dọa an ninh tại Biển Đông và biển Hoa Đông

Giới phân tích cho rằng, trọng tâm chính của cả Luật Hải cảnh và Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi chủ yếu là Biển Đông – nơi Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền phi pháp với 90% diện tích, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia.

Phó Đô đốc Michael McAllister, chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát biển của Mỹ tại Thái Bình Dương, trong một phát biểu gần đây cảnh báo, quy định mới của Trung Quốc yêu cầu tàu nước ngoài phải khai báo thông tin có thể gây “bất ổn và xung đột tiềm ẩn” trong khu vực. Ông cũng lưu ý quy định này đi ngược với các thỏa thuận và chuẩn mực quốc tế đã được thiết lập.

Ông Michael McAllister cho biết thêm, Mỹ đang phối hợp với đối tác và đồng minh trong khu vực để hỗ trợ những quốc gia đang ngày càng lo ngại về “hành động gây hấn và đôi khi mang tính cưỡng chế” của Trung Quốc.

“Biển Đông thực sự là “siêu xa lộ hàng hải” và hợp tác giữa các lực lượng tuần duyên trong khu vực là rất quan trọng để xây dựng sự quản trị hàng hải tốt. Chúng tôi cũng nhận thấy sự quan tâm ngày càng gia tăng trong việc hợp tác với Cảnh sát biển Mỹ về phát triển năng lực an ninh và an toàn hàng hải”.

Tuần trước, tàu tuần duyên của Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận chung trên biển với Cảnh sát biển Philippines. Cuộc tập trận chung này có sự tham gia của 4 chiếc tàu, 1 máy bay trực thăng và máy bay không người lái Scan Eagle của Mỹ. Nội dung bao gồm tìm kiếm cứu nạn, nâng cao nhận thức về hàng hải, thực thi pháp luật trên biển.

Mỹ đã thể hiện thái độ kiên quyết, phản đối các yêu sách mà Trung Quốc đưa ra, thường xuyên thực hiện hoạt động tự do hàng hải, thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó cũng tuyên bố sẽ phớt lờ quy định của Trung Quốc yêu cầu tàu thuyền nước ngoài vào Biển Đông phải khai báo cho giới chức nước này, mô tả đây là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với tự do hàng hải và thương mại.

Theo các cây bút Brad Lendon và Steve George của CNN, không chỉ Biển Đông, mà cả biển Hoa Đông – nơi có quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc, cũng là điểm nóng chực chờ bùng nổ.

Chuyên gia an ninh Đông Á Alessio Patalano thuộc Khoa Nghiên cứu Chiến tranh của Trường Đại học King London nhận xét: “Thực thi các quyền của một quốc gia ven biển là bước đi quan trọng nhằm khẳng định chủ quyền thông qua hành động thực tiễn. Nhưng trong những khu vực như vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc)/Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản), việc áp dụng những quy định mà Bắc Kinh đặt ra chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc đụng độ nghiêm trọng với lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản”.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào lãnh hải của nước này 88 lần kể từ đầu năm đến nay. Trung Quốc nói rằng các tàu tuần duyên của họ chỉ tuần tra vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc đã gia tăng sức ép với Nhật Bản liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư kể từ năm 2013, với việc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông bao trùm cả không phận của quần đảo này. Giới phân tích lo ngại, trong trường hợp Bắc Kinh thực thi quy định ép buộc tàu thuyền phải khai báo thông tin nói trên, xung đột có thể bùng phát trên biển Hoa Đông nếu các bên thiếu kiềm chế ./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo CNN
Nguồn tin: VOV.vn

/*** js CHAN TRANG ***/