Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền

Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký ngày 11/7/2023 thay thế Quy định số 205/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. 

Thường trực Ban Bí thư chủ trì Hội nghị xây dựng Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đây không phải lần đầu tiên Đảng đã “chỉ mặt vạch tên” những hành vi chạy chức, chạy quyền. Việc ban hành Quy định 114 một lần nữa thể hiện một quyết tâm chính trị về công tác cán bộ của Bộ Chính trị trong tình hình mới.

Bổ nhiệm đúng quy trình

Câu chuyện nhiều năm qua được báo chí phản ánh tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương cho thấy: Bí thư Huyện ủy có em trai là Phó Chủ tịch UBND huyện, có em rể là Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, có cháu là Thanh tra huyện. Còn Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, có con trai làm Trưởng phòng Tài chính, có em ruột làm Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế, có con dâu làm Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện. Tất cả các trường hợp này đều được giải thích là bổ nhiệm đúng quy trình.

Hay ông Lê Phước Hoài Bảo, sinh năm 1985, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, con trai ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam có những sai phạm không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác, ý thức tổ chức kỷ luật kém, vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng nhiều tháng đã chính thức bị xóa tên trong danh sách đảng viên. 

Hay như trường hợp của con gái Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc được bổ nhiệm “thần tốc”, sau đó Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã phải hủy Quyết định bổ nhiệm là những ví dụ cụ thể...

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: Đã có hiện tượng đề bạt và bổ nhiệm nhanh quá, người thân, người nhà, người có cùng dây cùng phe... Sau đó phải thu hồi quyết định. 

“Chúng ta cũng đã nghe mãi, nó hơi rát tai khi cứ nói là bổ nhiệm đúng quy trình. Vậy tại sao lại phải hủy bỏ quyết định? Đúng quy trình, sao lại bị kỷ luật?”, ông Nguyễn Đức Hà đặt vấn đề.

Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, cơ quan tham mưu đã đề xuất không xem xét 251 lượt cán bộ diện Trung ương quản lý chưa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, phát hiện 50 trường hợp có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm chức danh có liên quan để điều động, phân công, bố trí chức danh khác phù hợp.

Kiểm soát quyền lực


Theo Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, hiện nay Bộ Chính trị đã có văn bản kiểm soát quyền lực, trong đó có Quy định 205 kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Văn bản này đã rất quyết liệt nhưng chưa xử lý hết hiện tượng chạy chức, chạy quyền trong thực tế. 

Để tránh những trường hợp tương tự có thể tái diễn ở bất kỳ địa phương, cơ quan, đơn vị nào; trong Quy định 114 mà Bộ Chính trị vừa ban hành nêu rõ: Không bố trí người có quan hệ gia đình; đồng thời, đảm nhiệm các chức danh có liên quan, thành viên trong cùng Ban Thường vụ cấp ủy, Ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị người đứng đầu và cấp phó phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. 

Người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan Nội vụ, Thanh tra, Tài chính, Ngân hàng, Thuế, Hải quan, Công Thương, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên môi trường, Quân đội, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở địa phương.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng đối với công tác cán bộ của Đảng, Trung ương đã có quy trình bổ nhiệm cán bộ và đã được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhiều lần. 

“Từ quy trình bổ nhiệm cán bộ 3 bước bước lên 5 bước, rồi các tiêu chuẩn của cán bộ các cấp cũng đã được hoàn thiện, bổ sung. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác cán bộ, có những người có quyền lực, có vị trí khác nhau đã lợi dụng quy trình cũng như quá trình làm cán bộ để thực hiện lợi ích của bản thân, cá nhân. Chính vì vậy, tôi cho rằng Quy định 114 của Bộ Chính trị mới ban hành sẽ thực hiện kiểm soát quyền lực cũng như phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác bổ nhiệm cán bộ”, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh cho hay.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, trong Quy định 205 của Bộ Chính trị nói khá rõ là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Nhưng đối với Quy định 114 thì nói rõ hơn là kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Như vậy Quy định 114 phạm vi rộng hơn, tức là toàn bộ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ chứ không phải chỉ có chạy chức chạy quyền. Đây cũng là một bước hoàn thiện trong cơ chế, các biện pháp kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng ta.

Quy định 114 đã kế thừa của Quy định 205 trước đây và có bổ sung sửa đổi, hoàn thiện trên cơ sở trong thực tiễn quá trình chỉ đạo công tác cán bộ. Đây cũng là cơ sở để Đảng ta có các biện pháp, cơ chế mới để kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ. Như vậy có thể nói, đây là một bước hoàn thiện ở mức rất cao cùng với hoàn thiện về pháp luật thì Quy định 114 của Đảng đã đề cập biện pháp để kiểm soát quyền lực trong tổ chức cán bộ của Đảng. Từ đó tạo ra bước chuyển mới trong công tác cán bộ thực chất, thực tài, xây dựng được bộ máy tổ chức của Đảng trong sạch, vững mạnh, đúng vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng./.

Theo baotintuc.vn    Link gốc

/*** js CHAN TRANG ***/