TÓM TẮT:
Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền và phương thức lãnh đạo,
cầm quyền của Đảng là một trong những vấn đề lý luận rất quan trọng và mang
tính cấp thiết trong đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay. Vì vậy, Văn
kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn,
nghiên cứu lý luận về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
trong điều kiện mới”[1].
Từ góc độ tiếp cận của chính trị học, bài viết góp phần làm sáng tỏ thuật ngữ đảng
lãnh đạo, đảng cầm quyền và đề xuất một số giải pháp cơ bản góp phần đổi mới
phương thức lãnh đạo của Đảng ta nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Từ khóa: Đảng lãnh đạo; đảng cầm quyền, phương thức
lãnh đạo, cầm quyền.
1. Nhận thức về đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền
Khái niệm “đảng lãnh đạo” và “đảng cầm quyền” có những nội
dung tương đồng nhất định đó là cùng chủ thể (đảng) và cùng mục tiêu chính trị
của sự lãnh đạo và cầm quyền song không đồng nhất.
“Đảng lãnh đạo” là khái niệm có tính định hướng và tính thuyết
phục. Tính định hướng bởi trước hết đó là quá trình chủ thể ra quyết định (tức
là xác định được mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển của tổ chức); tổ chức
lực lượng, phương tiện, hình thành cơ chế, bộ máy… để hiện thực hóa mục tiêu, tầm
nhìn đã đề ra[2].
Tính thuyết phục thể hiện ở sự lôi cuốn, sự đồng tình, ủng hộ một cách tự nguyện,
tự giác của đại đa số nhân dân đối với Đảng, nhờ đó, Đảng đạt được mục tiêu
chính trị của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm “Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất
cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ cấp
nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”[3].
Như vậy, nói đến đảng lãnh đạo là nói đến vai trò tiên phong của đảng trong việc
định hướng, dẫn dắt, thuyết phục các lực lượng trong xã hội đi theo mục tiêu mà
đảng đã vạch ra. Sự lãnh đạo này không dựa trên “quyền lực cứng” - nghĩa là
không bằng sự cưỡng bức, bắt buộc thực hiện - mà gắn với việc sử dụng “quyền lực
mềm”, thông qua sự lôi cuốn, hấp dẫn bởi tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối
với nguyện vọng của đại đa số nhân dân; bởi sự hy sinh, sự gương mẫu, sự tận tụy
phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Mặt khác, khái niệm trên còn nhấn mạnh nội dung hoạt động chủ
yếu của đảng là lãnh đạo, khác với hoạt động chủ yếu của nhà nước là quản lý. Đảng
không thực hiện hoạt động quản lý như nhà nước, cũng không làm thay chức năng
quản lý của nhà nước. Đảng chỉ thực hiện việc quản lý tổ chức đảng và đảng viên
trong nội bộ. Do đó, V.I.Lê-nin đã từng cảnh báo: “Cần phân định một cách rõ
ràng hơn nữa những nhiệm vụ của chính quyền Xô-viết; tăng thêm trách nhiệm và
tính chủ động cho các cán bộ Xô-viết và các cơ quan Xô-viết, còn về Đảng thì
dành quyền lãnh đạo chung công tác của tất cả các cơ quan nhà nước gộp chung lại,
mà không can thiệp một cách quá thường xuyên, không chính quy và thường là nhỏ
nhặt, như hiện nay”[4].
Đảng lãnh đạo trong điều kiện nắm giữ chính quyền được gọi tắt
là đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền là đảng chính trị giành được quyền lực nhà nước
và sử dụng quyền lực nhà nước thông qua và bằng pháp luật cùng các công cụ,
phương tiện khác để thực hiện tầm nhìn, định hướng phát triển, mục tiêu chiến
lược của đảng[5].
Như vậy, nói đến “đảng cầm quyền”, trước hết là khẳng định vị thế (cầm quyền) của
đảng trong xã hội. Song, “đảng cầm quyền” không có nghĩa đảng chỉ nắm giữ, bảo
vệ chính quyền, quan trọng hơn, đảng sử dụng nhà nước như một “công cụ” để hiện
thực hóa mục đích chính trị của đảng. Do đó, “Khi đã có nhà nước, trừ những vấn
đề về xây dựng nội bộ đảng, tất cả các hoạt động lãnh đạo của đảng đối với xã hội chủ
yếu và tập trung ở nhà nước”[6].
Ở nước ta, sau khi Đảng lãnh đạo nhân dân giành được chính
quyền năm 1945, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Đảng và nhân dân ta đã thiết
lập nên bộ máy nhà nước mới và sử dụng như một công cụ sắc bén để thực hiện sự
lãnh đạo đối với toàn xã hội cho mục tiêu xây dựng và bảo vệ thành công chủ
nghĩa xã hội. Đồng thời, khi đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì nhà nước, từ chỗ
vốn là công cụ áp bức của giai cấp thống trị trong xã hội có đối kháng giai cấp
mới trở thành công cụ chủ yếu thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong xã hội
xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, “đảng lãnh đạo” là khái niệm nhấn mạnh chức năng,
vai trò của đảng. Đây là chức năng, vai trò xuyên suốt, là vấn đề sống còn của
đảng được thực hiện trước và sau khi giành được chính quyền. Nếu trước khi
giành được chính quyền, vai trò lãnh đạo của đảng được thực hiện với quần chúng
nhân dân thì sau khi giành được chính quyền, vai trò lãnh đạo được thực hiện với
nhà nước và toàn bộ xã hội. Còn nội hàm của khái niệm “đảng cầm quyền” chủ yếu
nói về đảng có quyền chi phối, điều khiển, sử dụng chính quyền.
Mặc dù là những khái niệm khác nhau, song hoạt động “lãnh đạo”
và “cầm quyền” có quan hệ chặt chẽ với nhau. Mục đích của lãnh đạo là đạt đến sự
cầm quyền. Để đạt được mục tiêu này, đảng phải thực hiện tốt vai trò lãnh đạo,
nghĩa là giành được sự ủng hộ của quần chúng, bằng đường lối đúng đắn, sự hy
sinh, gương mẫu của đảng viên. Ngược lại, khi đã trở thành đảng cầm quyền, để
duy trì được vị thế ấy, đảng tiếp tục thực hiện tốt vai trò lãnh đạo chính quyền
và sự ủng hộ của nhân dân bằng đường lối, chính sách đúng, bằng sự gương mẫu của
đảng viên. Có như vậy, nhân dân mới tiếp tục tin tưởng, ủng hộ và trao cho Đảng
nắm giữ quyền lực công thông qua bầu cử dân chủ.
2. Một số giải pháp góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay
Phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền
“chủ yếu đề cập đến cách thức, phương pháp Đảng nắm, định hướng, kiểm soát hoạt
động của nhà nước trong thực hiện đường lối chủ trương của Đảng”[7].
“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ
sung, phát triển năm 2011)” của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đảng Cộng sản
Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng
cương lĩnh, chiến lược, các định hướng lớn về chính sách và các chủ trương lớn;
bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra giám sát
và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”[8].
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, ở thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ
trung tâm của Đảng là lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước trên mọi lĩnh vực,
do đó, Đảng cần vận dụng nhiều phương pháp, hình thức mới phù hợp với thực tiễn,
trong đó, Đảng cần đặc biệt chú trọng phương thức lãnh đạo thông qua nhà nước
và hệ thống chính trị nói chung, bao gồm:
1) Lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, chủ trương, đường lối.
Đảng xây dựng các cương lĩnh, chiến lược, chủ trương, đường lối đồng thời lãnh
đạo nhà nước thể chế hóa thành chính sách và pháp luật, kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội để thực hiện trong thực tiễn.
2) Đảng lãnh đạo bằng phương thức tuyên truyền, giáo dục,
thuyết phục đối với mọi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng
nhân dân để làm cho mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được phổ
biến rộng rãi và được hiểu, thực hiện đúng.
3) Đảng lãnh đạo bằng công tác tổ chức, cán bộ và phát huy
vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Đảng giáo dục, đào tạo đảng viên
trở thành những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, có chuyên môn giỏi, có
khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng để giới thiệu ứng cử bầu vào các cơ
quan quyền lực dân cử và giữ những cương vị chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Đồng
thời Đảng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên để tạo nên sức mạnh
to lớn nhằm lãnh đạo nhà nước và xã hội.
4) Đảng lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức
đảng và đảng viên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của đảng nhằm đảm bảo cán bộ, đảng
viên thực hiện đúng các nguyên tắc của Đảng, chấp hành Nghị quyết của Đảng. Đồng
thời, Đảng định hướng cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tạo cơ chế, điều
kiện để nhân dân tham gia công tác xây dựng đảng, quản lý nhà nước.
Như vậy, ở vị thế của Đảng cầm quyền, Đảng ta vẫn tiếp tục
thực hiện vai trò lãnh đạo của mình. Song, hoạt động lãnh đạo của Đảng không “lấn
sân sang công việc” của Nhà nước bởi Đảng và Nhà nước là hai loại quyền lực có
nguồn gốc khác nhau (quyền lực của Đảng là quyền lực chính trị của một giai cấp;
quyền lực nhà nước là quyền lực công có nguồn gốc từ nhân dân). Do đó, khi quyền
lực của Đảng đồng nhất với quyền lực nhà nước sẽ không còn dân chủ và đến mức độ
nào đó sẽ dẫn đến nguy cơ độc tài. Mặt khác, Đảng cũng không buông lỏng vai trò
lãnh đạo với nhà nước, bởi không có vai trò lãnh đạo của Đảng thì nhà nước sẽ mất
định hướng chính trị đúng đắn. Do vậy “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng không được
đối lập mà phải thống nhất với việc nâng cao năng lực quản lý và điều hành đất
nước của nhà nước”[9].
Hiện nay, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến đổi
phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới đang tác động đến các quốc gia như: vấn đề
an ninh phi truyền thống, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự tranh giành
quyền lực giữa các nước lớn…. Trong nước, nền kinh tế đang phục hồi nhưng còn gặp
nhiều khó khăn, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống
của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; vấn đề xã hội, môi trường… đang đặt
ra yêu cầu mới đối với Đảng trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền.
Để giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với
Nhà nước và xã hội hiện nay, theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW được Đảng
ban hành ngày 17/11/2022 về Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của
Đảng, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, Đảng đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành các
chủ trương, đường lối của Đảng[10].
Là Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội trong bối cảnh toàn cầu
hóa và hội nhập quốc tế, các chủ trương, đường lối của Đảng cần tiếp tục thể hiện
được tầm nhìn chiến lược, có tính dự báo cao phù hợp thực tiễn và xu thế phát
triển của thế giới. Do đó, việc ban hành nghị quyết của Đảng cần khắc phục tình
trạng “thiếu tính khả thi”[11] nhằm
đảm bảo đường lối, chủ trương dễ dàng đi vào thực tiễn. Do đó, việc phát huy
dân chủ, lấy ý kiến của các cơ quan dân cử, các tổ chức, các đoàn thể chính trị
- xã hội và mọi thành phần dân cư đối với các văn bản quan trọng mà Đảng ban
hành là rất cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: Nhân dân ta có hàng chục
triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào dân
làm thì việc gì cũng xong[12].
Thứ hai, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền,
vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của nhà nước đảm bảo thiết thực, phù hợp với từng đối tượng[13].
Tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vận động là phương thức
lãnh đạo, cầm quyền của Đảng dựa trên “sức mạnh mềm”, tác động vào nhận thức,
tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nên sự đồng thuận, tự
nguyện, tự giác thực hiện đường lối của Đảng thông qua các phong trào cách mạng.
Do đó, để thực hiện hiệu quả cần tiếp tục phát huy tốt vai trò của các phương
tiện truyền thông đại chúng, vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền
viên trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật của nhà nước, trên cơ sở đẩy mạnh việc ứng dụng những thành tựu của
cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác tuyên truyền, vận động. Bên cạnh
đó, cần tiếp tục nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức
đảng, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chủ trương, đường lối,
chính sách, pháp luật; kịp thời biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến;
kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực
thù địch.
Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ
chức, cán bộ[14].
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, công tác cán bộ là công việc
rất hệ trọng của Đảng, do đó, cần tiếp tục nghiên cứu nhằm xây dựng và hoàn thiện
bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam để Đảng nâng cao vai trò lãnh đạo của
mình đối với xã hội. Bộ máy hoạt động của hệ thống chính trị cần tiếp tục được
xây dựng và hoàn thiện theo hướng tinh gọn, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng
chéo, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý[15],
hiện đại hóa bộ máy của hệ thống trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học -
công nghệ trong tổ chức và vận hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Về công
tác cán bộ, trước hết, Đảng cần hoàn thiện các quy định liên quan đến công tác
cán bộ như đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ; xây dựng và hoàn thiện
cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài vào làm việc trong khu vực
công, đồng thời lãnh đạo thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ
cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung nhằm tạo nên đột
phá trong hoạt động lãnh đạo, quản lý; xây dựng văn hóa từ chức trong hệ thống;
đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát quyền lực trong công
tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Cùng với đó, phát huy vai trò tiên
phong, gương mẫu của đảng viên là một trong những biện pháp hữu hiệu để đổi mới
phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, nhằm tạo ra sức thuyết phục, lôi cuốn,
hấp dẫn của Đảng trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
“Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn
lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi,
nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[16].
Do đó, để tiếp tục giữ được vị trí lãnh đạo, cầm quyền trong xã hội, Đảng Cộng
sản phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới, đấu tranh quyết liệt chống chủ
nghĩa cá nhân.
Thứ tư, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
kiểm tra, giám sát của Đảng[17].
Kiểm tra, giám sát được ví như “thanh bảo kiếm” để bảo vệ Đảng,
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị. Thực tế đã cho thấy,
sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng và các cơ quan
hữu quan đã góp phần tích cực, hiệu quả vào công cuộc phòng, chống tham nhũng,
đưa ra khỏi Đảng nhiều đảng viên bị thoái hóa, biến chất. Để nâng cao hiệu quả
hoạt động, Đảng cần tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát theo hướng
chú trọng chủ động phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của các tổ chức đảng,
cán bộ, đảng viên từ sớm, từ xa “không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”.
Đồng thời, cần đẩy mạnh hoạt động kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực ngay trong các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới
phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh
đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở[18] theo
hướng đảm bảo khoa học, dân chủ trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện các quy định,
quy chế; đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu của tổ chức cơ sở đảng, đảng
viên và văn kiện của Đảng đảm bảo sự kết nối từ Trung ương đến cơ sở.
3. Kết luận
Tóm lại, đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền là những vấn đề lý luận
rất quan trọng góp phần vào việc nghiên cứu quá trình đổi mới phương thức lãnh
đạo, cầm quyền của Đảng. Việc thực hiện tốt các giải pháp về đổi mới phương thức
lãnh đạo, cầm quyền của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng sẽ khắc phục những hạn chế trong phương thức lãnh đạo của
Đảng đối với hệ thống chính trị, góp phần ngày càng nâng cao tính chính đáng của
sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XI. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập 1). Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia Sự
thật
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2022). Nghị quyết số 28 về
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Truy xuất từ
https://moha.gov.vn/nghi-quyet-tw4/tin-noi-bat-nqtw4/toan-van-nghi-quyet-so-28-nq-tw-ve-tiep-tuc-doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-48388.html
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2017). Giáo
trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng
sản Việt Nam và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Hà Nội: Nxb Lý luận chính
trị.
5. Xuân Luận (2018). Về những bút phê của Bác Hồ
trên báo Công an nhân dân, truy xuất từ
https://cand.com.vn/thoi-su/ANTGDB-Ve-nhung-but-phe-cua-Bac-Ho-tren-Bao-Cong-an-nhan-dan-i496465/
6. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập (tập 10,
12). Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia.
7. Hội đồng Lý luận Trung ương (2021). Những điểm mới
trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia Sự
thật.
8. Nguyễn Văn Huyên (2010). Đảng cộng sản cầm quyền,
nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia.
9. V.I.Lênin (1976). Toàn tập (tập 45).
Mát-xcơ-va: Nxb Tiến bộ.
10. Trần Văn Phòng (2023). Giải pháp nâng cao năng lực lãnh
đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tạp chí Lý luận chính trị,
số 540 (2-2023).