Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ thể hiện tinh thần khát khao độc lập, tự do, hòa bình và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam mà còn là tiếng kèn xung trận, cổ vũ các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giành độc lập và đi vào tiềm thức như là thắng lợi chung của nhân loại tiến bộ.
Năm 1954, trên đại ngàn Tây Bắc Tổ quốc, quân và dân Việt Nam đã lập nên một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm – chiến thắng Điện Biên Phủ.Chiến công vang dội này đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm (1945-1954) của nhân dân Việt Nam; đồng thời, nó có tác động sâu sắc đến tình hình thế giới, là đòn giáng mạnh mẽ làm rung chuyển đến tận gốc rễ toàn bộ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bùng lên mạnh mẽ khắp các lục địa Á, Phi. Những thắng lợi ban đầu của cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Ấn Độ,… và kinh nghiệm của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít tạo cho nhân dân bị áp bức thêm vững tin vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của mình. Trước sự nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc, chủ nghĩa thực dân, đế quốc tuy bị suy yếu trầm trọng nhưng vẫn tìm mọi cách đối phó. Chúng câu kết với nhau để trở lại thuộc địa cũ và đẩy phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới bước vào giai đoạn khó khăn, thử thách. Nhiều quốc gia ở châu Á như Philippines, Indonesia, Malaysia, Miến Điện… bị các nước đế quốc phương Tây núp dưới danh nghĩa Đồng minh đàn áp hoặc trao trả độc lập giả hiệu. Ở châu Phi, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nigeria, Morocco, Algeria… chống ách thống trị chủ nghĩa thực dân liên tiếp bị dập tắt. Trong lúc này, phong trào cách mạng đấu tranh chống chế độ độc tài thân Mỹ dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro cũng chưa giành được thắng lợi quyết định. Phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Á, Phi, Mỹ Latinh tuy có bước phát triển mới nhưng chưa giành được thắng lợi hoàn toàn, vẫn lúng túng tìm hướng đi để giải đáp cho câu hỏi: có thể đánh thắng được chủ nghĩa thực dân không và nếu có thì bằng cách nào?
Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, Việt Nam đã từng bước giải đáp cho câu hỏi lớn mà phong trào giải phóng dân tộc đặt ra. Cách mạng tháng Tám – 1945 thành công, Việt Nam giành được độc lập sau hơn 80 năm chịu sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, ngay sau đó, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”, cách mạng Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi ngày càng to lớn, xoay chuyển cục diện chiến tranh và buộc thực dân Pháp phải chấp nhận thất bại tại Điện Biên Phủ. Thắng lợi Điện Biên Phủ cùng với các chiến thắng khác trên chiến trường Đông Dương đã buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève, công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Đối với nhân dân ta, chiến thắng Điện Biên Phủ đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng tháng Tám, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa cách mạng chuyển sang giai đoạn mới với hai nhiệm vụ cơ bản là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Vượt ra khỏi phạm vi dân tộc, chiến thắng Điện Biên Phủ còn mang ý nghĩa thời đại sâu sắc. Nó chỉ ra cho các dân tộc thuộc địa con đường đấu tranh tự giải phóng và khẳng định: Trong điều kiện hiện nay, một dân tộc đất không rộng, người không đông nhưng nếu quyết tâm đoàn kết chiến đấu vì độc lập tự do, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, được sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới thì hoàn toàn có thể đánh bại những đội quân xâm lược hùng mạnh nhất.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ thể hiện tinh thần khát khao độc lập, tự do, hòa bình và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam mà còn là tiếng kèn xung trận, cổ vũ các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giành độc lập và đi vào tiềm thức như là thắng lợi chung của nhân loại tiến bộ. Điện Biên Phủ là khâu đột phá quan trọng vào hệ thống thuộc địa, gợi mở những suy nghĩ mới về đường lối, phương pháp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và làm thay đổi số phận của nhân dân các nước thuộc địa đang ngày đêm rên siết dưới ách nô dịch của thực dân, đế quốc. Trước đây, phong trào giải phóng dân tộc của các nước trên thế giới chủ yếu mang tính chất nhỏ lẻ, rời rạc; thì nay, “ngọn lửa Điện Biên Phủ” với sức lan tỏa mãnh liệt đã thổi bùng phong trào cách mạng đang âm ỉ, thức tỉnh ý thức nhân dân sống dưới ách thống trị của thực dân cũ và mới vùng dậy đấu tranh, và trở thành chất xúc tác gắn kết phong trào thành một khối vững chắc, là khởi nguồn tạo nên dòng thác khổng lồ cuốn trôi từng mảng lớn hệ thống thuộc địa đang rạn nứt của chủ nghĩa thực dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
Sự kiện Điện Biên Phủ đã thay đổi dòng chảy lịch sử, hình thành nên một cục diện mới cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân ở khu vực châu Á và tạo ra điểm tựa cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, điển hình như việc Campuchia được công nhận là quốc gia lập hiến sau Hiệp định Genève (1954), Mã Lai tuyên bố độc lập (1957)…
Các quốc gia châu Phi vốn được xem là “thành trì của chính sách bóc lột thuộc địa”, nhưng làn sóng ngầm của phong trào giải phóng dân tộc nơi đây vẫn ngày một lớn mạnh, chỉ chờ phát pháo hiệu mở đầu. Và “Tiếng sấm Điện Biên Phủ” đã thôi thúc nhân dân châu Phi vùng dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc, đòi lại quyền sống cho mình. Thắng lợi Điện Biên Phủ trở thành minh chứng sống động, góp phần củng cố quyết tâm đấu tranh của nhân dân Algeria khi phong trào cách mạng nước này đang trong giai đoạn khó khăn, thử thách và khẳng định chỉ bằng con đường vũ trang mới có thể giành được độc lập thực sự. Ngày 8.5.1954, không khí của “ngày chiến thắng” tràn ngập khắp các ngõ phố thủ đô Angiê, người dân hoan hỉ xuống đường tham gia mitting hô vang khẩu hiệu “Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ”; từ trong nhà ra đến các quán ăn, nhà hàng món ăn nào ngon nhất đều được đặt tên là “món Điện Biên Phủ”. Từ khí thế thắng lợi của Điện Biên Phủ, Mặt trận dân tộc giải phóng Algeria – tổ chức đại diện cho quyền lợi của đại đa số nhân dân tiến bộ trong xã hội – ra đời nhận được sự hưởng ứng của phần lớn các đảng phái và tổ chức yêu nước đã ra tuyên bố: “Những quan hệ thân thiện và hợp tác có lợi về các mặt kinh tế và văn hóa sẽ được thiết lập giữa Algeria và nước Pháp nếu Chính phủ Pháp chịu từ bỏ chính sách thực dân của mình và chịu để Algeria thực hiện quyền độc lập hoàn toàn và đầy đủ của họ. Còn nếu Chính phủ Pháp cứ đợi có một trận “Điện Biên Phủ Algeria” để rồi ăn năn hối lỗi thì quan hệ giữa Pháp và Algeria sẽ mãi mãi bị đứt đoạn”. Thực dân Pháp không những không đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân Algeria mà còn tiếp tục đàn áp dã man hơn nhưng vẫn không thể dập tắt được phong trào cách mạng đang sôi sục, bởi lẽ: “Người Algeria bước lên con đường mà những người anh em Việt Nam đã vạch ra”. Sau 8 năm kiên trì, bền bỉ tranh đấu (1954-1962), nhân dân Algeria đã buộc chính phủ Pháp phải thừa nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chấm dứt nền thống trị 132 năm của chủ nghĩa thực dân ở đây. Và khi nói về thắng lợi này, Abdelkader Bensalah – Chủ tịch Thượng viện Algeria – cho rằng: “Việt Nam là nguồn cảm hứng lớn. Cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam đã thôi thúc chúng tôi đi đến cùng trong cuộc kháng chiến giành độc lập. Việt Nam là biểu tượng của tự do và lòng dũng cảm. Chiến thắng Điện Biên Phủ trả lời cho chúng tôi câu hỏi nhân dân Việt Nam có thể chiến thắng đế quốc thực dân, thì tại sao Algeria lại không thể ?”.
Thực sự, “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho các dân tộc thuộc địa ngửng cao đầu”, tạo nên một phản ứng dây chuyền, kéo theo sự vùng lên mạnh mẽ các thuộc địa khác của thực dân Pháp ở châu Phi như Morocco, Sudan, Ghana, Guinea, Madagascar, Cameroon…, phá tung xiềng xích nô lệ, buộc thực dân Pháp phải trao trả nền độc lập. Năm 1955, Hội nghị 29 nước Á – Phi họp ở Bandung (Indonesia) đã đánh dấu sự trưởng thành của phong trào giải phóng dân tộc; lần đầu tiên trong lịch sử những dân tộc hàng trăm năm bị gạt ra ngoài rìa lịch sử đã liên kết lại để công khai lên án chủ nghĩa thực dân và hợp tác giúp đỡ nhau vì mục đích hòa bình, độc lập dân tộc. Đặc biệt, năm 1960 đã đi vào lịch sử nhân loại với tên gọi “Năm châu Phi” là năm 17 nước châu Phi đã tuyên bố độc lập. Các nước châu Phi đã giành được độc lập với những hình thức và mức độ khác nhau nhưng thành công của họ ít nhiều đều mang dấu ấn Điện Biên Phủ. Sau trận Điện Biên Phủ, những người lính châu Phi hồi hương mang theo bài học về cuộc chiến tranh Việt Nam; nhiều người trong số họ đã trở thành chiến sĩ, người lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và tích cực phát huy những kinh nghiệm đó để phục vụ sự nghiệp cách mạng của quê hương. Cao trào cách mạng dâng cao mạnh mẽ càng làm cho nhịp độ sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân diễn ra nhanh chóng hơn. Nếu như trước Chiến tranh thế giới thứ hai, “lục địa đen” chỉ có hai nước Êtôpia và Libêria được trao trả độc lập trên danh nghĩa, thì đến 1968, có tới 39 nước ở châu lục này (gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số) đã giành được thắng lợi với mức độ độc lập khác nhau.
Sức lan tỏa của chiến thắng Điện Biên Phủ vượt qua giới hạn không gian, thời gian, trở thành “kim chỉ nam hành động” và tạo nên sức bật mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của nhân dân bị áp bức ở châu Mỹ Latinh. Ngày 1.1.1959, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Cuba do Fidel Castro lãnh đạo thắng lợi đã lật đổ được chế độ độc tài quân sự Batista. Cách mạng thành công ở một đất nước nằm ngay cửa ngõ nước Mỹ đã đưa Cuba trở thành lá cờ đầu trong phong trào giải phóng dân tộc ở châu Mỹ Latinh đồng thời đập tan ấn tượng về sức mạnh không thể khuất phục của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Khẳng định con đường đúng đắn của cách mạng Cuba, Đảng Cộng sản Paraguay đã ra tuyên bố: “Chỉ có thể dùng bạo lực ở bên dưới để trả lời bạo lực từ trên xuống”. Năm 1961, Cuba chính thức đứng vào hàng ngũ các nước xã hội chủ nghĩa đã góp phần nối liền hệ thống xã hội chủ nghĩa từ Âu sang Á đến tận khu vực Mỹ Latinh. Thành quả của cách mạng Cuba tác động sâu sắc đến phong trào cách mạng thế giới, góp phần khơi dậy niềm tin vào tiềm năng sức mạnh lớn lao của các dân tộc thuộc địa. Trong dịp đến thăm Việt Nam, một nhà thơ người Haiti đã thốt lên: “Tinh thần Điện Biên Phủ ngày nay là ánh đèn pha chiếu rọi cho hàng triệu người bị áp bức trên toàn thế giới và sự trung thành với tinh thần vinh quang đó là điều bảo đảm duy nhất cho thắng lợi trong hành động cách mạng chống sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh”. Hiển nhiên, thắng lợi của nhân dân Việt Nam chỉ tạo ra thời cơ thuận lợi cho phong trào đấu tranh của các nước thuộc địa còn quyền quyết định vận mệnh dân tộc vẫn thuộc về họ không ai có thể thay thế được. Điện Biên Phủ là “mồi thuốc dẫn” cho sự bùng nổ của phong trào giải phóng dân tộc ởcác quốc gia khu vực Mỹ Latinh, tiếp thêm sức mạnh cho họ đứng lên chống lại chế độ độc tài thân Mỹ với hàng loạt cuộc bãi công, biểu tình, đấu tranh đòi thành lập các chính phủ tiến bộ, cùng với đó là các cuộc khởi nghĩa vũ trang diễn ra liên tục, mạnh mẽ tạo thêm nhiều “Điện Biên Phủ của châu Mỹ Latinh” biến châu lục này “lục địa bùng cháy”. Bằng các hình thức đấu tranh phong phú, đa dạng, nhiều nước châu Mỹ Latinh như Bolivia, Venezuela, Colombia, Peru… đã lật đổ chính quyền độc tài phản động, thành lập các chính phủ dân tộc, dân chủ, giành lại quyền tự quyết dân tộc. Với việc công nhận nền độc lập của hàng loạt quốc gia ở các châu Á, Phi, Mỹ Latinh, các nước đế quốc phương Tây phải thừa nhận sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Ký giả người Pháp Jules Roy cũng đã ghi nhận về tác động của trận Điện Biên Phủ: “Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn đang âm vang”.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào giải phóng dân tộc của nhân loại tiến bộ. Sự kiện này đã giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành luỹ chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, kéo theo sự tan rã có tính chất liên hoàn, rộng khắp trong hệ thống thuộc địa già cỗi của chủ nghĩa thực dân sau hàng trăm năm hình thành, phát triển. Đồng thời, nó báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ đứng đầu; cổ vũ sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới trong những giai đoạn tiếp sau.
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN