Tình hình Hương Thủy cuối năm 1974 như nhận định của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế:
“Khí thế cách mạng đang lên, cơ sở quần chúng phát triển, bọn. tề ấp xã hoang mang dao động; một số đã bỏ chạy. Ở giáp ranh địch bị ta uy hiếp, buộc chúng phải co cụm lại, tạo điều kiện cho địa bàn hành lang phát triển về vùng sâu. Đây là điều kiện tốt ta phải khẩn trương tăng cường cán bộ và trụ bám thôn xã, tổ chức lực lượng tại chỗ, khi có thời cơ chủ động tiến công địch giành thắng lợi”.
Trải qua hai năm đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Paris mà thực chất là vừa tấn công địch, vừa tạo thế lực, chuẩn bị cho thời cơ lớn trên chiến trường Thừa Thiên Huế cũng như trên toàn bộ chiến trường miền Nam “ta đang ở thế thắng, thế đi lên, thế chủ động và thuận lợi; địch đang ở thế thua, thế đi xuống, thế bị động và khó khăn”. Chiều hướng này là không thể đảo ngược.
“…Lúc này chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này. Chúng ta phải bắt nắm lấy để đưa sự nghiệp dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn” (đ/c Lê Duẩn tháng 10 10-1974).
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Khu ủy Trị Thiên-Huế về quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đề ra nhiệm vụ năm 1975 cho toàn tỉnh là:
“Tiến hành công kích và khởi nghĩa, phá hẳn thế phân tuyến, cắt giao thông, đánh bại về cơ bản kế hoạch "bình định" của địch, giành dân, giành quyền làm chủ ở nông thôn đồng bằng, nếu có thời cơ đột xuất thì kiên quyết và táo bạo chuyển phong trào lên một bước nhảy vọt, giành thắng lợi to lớn”.
Trước lúc triển khai chiến dịch, các Huyện ủy, cán bộ lực lượng vũ trang các ngành. đội công tác, lực lượng vũ trang, các ngành... được tổ chức tập huấn, nhất là nắm chắc vấn đề quan trọng là: Phải đưa lực lớn của ta xuống đồng bằng ngay từ đầu chiến dịch để “hành động đồng loạt” (Chỉ thị của Thường vụ Khu ủy).
Huyện ủy Hương Thủy đã tổ chức hành lang, dẫn đường cho lực lượng về đồng bằng; chuẩn bị đón, bố trí nơi trú quân, chuẩn bị cấp tốc công tác hậu cần như tiếp tế, tải thương khi chiến dịch diễn ra trên địa bàn huyện. Khi có thời cơ thuận lợi kịp thời phát động quần chúng nổi dậy phối hợp tích cực với đòn tấn công quân sự.
Lực lượng địa phương Hương Thủy lúc này có tiểu đoàn 4 bộ binh, 1 đại đội đặc công tỉnh, đại đội địa phương huyện, hơn 10 đội võ trang công tác, 4 trung đội bộ đội địa phương và hơn 100 du kích các quận miền núi tăng cường cho lực lượng chiến đấu ở địa bàn Hương Thủy. Các Chi bộ, Đảng bộ xã có quyết tâm cao, khẩn thương thực hiện các nhiệm vụ Huyện ủy giao về chỉ tiêu và thời gian phát động quần chúng nổi dậy giành dân, giành quyền làm chủ.
Đến cuối tháng 2-1975, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn thành, các đội công tác có quyết tâm cao, các chiến sĩ đội công tác phần nhiều là người quê Hương Thủy, tha thiết về quê hương, sẵn sàng ra quân, hành động với khí thế giải phóng quê nhà.
Ngày 5-3-1975, chiến dịch Xuân Hè 1975 mở màn, lực lượng chiến dịch đã vượt qua các căn cứ địch về xã Mỹ Thủy, Hồng Thủy và triển khai ra các xã khác an toàn. Huyện tổ chức 2 đại đội bộ đội địa phương và các đội võ trang công tác về các xã vùng sâu chuẩn bị cho chiến dịch.
Đêm 8-3-1975, nông thôn đồng bằng Thừa Thiên đồng loạt nổ súng tiến công địch. Pháo binh ta dội bão lửa vào căn cứ ấp 5, sân bay Phú Bài, lực lượng địa phương tiến công Phân chi khu quân sự Hương Thủy.
Trong đợt từ 8-3 đến 19-3, quân dân Hương Thủy đánh 15 trận, làm chủ các thôn trên đường I và chiếm lĩnh các thôn vùng sâu như Chánh Đông, Lang Xá Bàu, Vân Thề Đập đã diệt 26 dân vệ, trong đó có 1 tên thiếu úy, 140 tên lính dù và biệt động quân trong đó có 1 thiếu tá, 2 tên cảnh sát dã chiến, thu 11 súng và nhiều tài liệu của địch.
Đợt hoạt động này địch phản kích dữ dội, gây cho ta nhiều tổn thất, ngày 16-3 lực lượng ta ở đồng bằng phải rút lên núi.
Ngày 17-3-1975, Thường vụ Khu ủy nhận định: “Thất bại ở Tây Nguyên và bị uy hiếp mạnh ở Trị Thiên, địch đang dao động mạnh, thời cơ mới đã xuất hiện. Ta cần khẩn trương và mạnh bạo tấn công, dùng lực lượng tại chỗ đánh mạnh vào tuyến phòng thủ của địch kết hợp với thọc sâu, chia cắt phá thể có cụm của chúng, giành thắng lợi lớn ở đồng bằng”.
18 giờ 30 phút ngày 19-3-1975, Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Tình thế thời cơ xuất hiện ở chiến trường Thừa Thiên-Huế.
Thường vụ Khu ủy, Quân khu ủy quyết định “tranh thủ thời cơ, dốc toàn lực giải phóng Thừa Thiên-Huế”
Đợt 2 của chiến dịch, các lực lượng võ trang ở Hương Thủy phối hợp với Trung đoàn 271 và Quân đoàn 2 thực hiện chia cắt địch không cho chúng từ Huế chạy ra nông thôn và từ Ấp 5, Phú Bài chạy vào Huế, góp sức thực hiện đúng chỉ thị của Bộ Tư lệnh: “Phải cắt bằng được đoạn đường số I Huế - Đà Nẵng Nhiều xã quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Chi bộ Hải Thủy có 5 đảng viên đã lãnh đạo nhân dân phối hợp với lực lượng võ trang tấn công địch, phục vụ chiến đấu. Ngày 23-3-1975, Phòng vệ dân sự ở Hải Thủy tan rã hoàn toàn, 3 trung đội dân vệ mang vũ khí nộp cho cách mạng. Xã trưởng đã dẫn toàn bộ ngụy quyền xã ra đầu hàng.
Đảng bộ xã Mỹ Thủy có 4 chi bộ thôn đã vận động 40 lính chủ lực và bảo an rời hàng ngũ địch từ những ngày đầu chiến dịch, làm tan rã 4 trung đội dân vệ và 400 tên phòng vệ dân sự. Đêm 23-3-1975, du kích xã đã đột nhập vào cắm cờ cách mạng ở Ấp 5. Sáng 24-3-1975, cuộc mét tinh toàn xã Thủy Phương có 3.000 người dự. Sau mét tinh, nhân dân kéo về tham gia giải phóng quận lỵ Hương Thủy. Giải phóng quận lỵ, tiếp tục truy quét tàn quân, có thể nói ngày 24-3-1975 Hương Thủy hoàn toàn giải phóng
Sáng ngày 25-3-1975, nhiều xã tổ chức mít-tinh mừng quê hương giải phóng, ra mắt chính quyền cách mạng. Các tổ chức cách mạng hình thành, nhân dân bắt tay xây dựng cuộc sống mới trong độc lập, tự do.
6 giờ 30 phút ngày 26-3-1975, cờ Tổ quốc tung bay trên cột cờ Phu Văn Lâu - Ngày giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên-Huế.
Nguồn: Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và dân huyện Hương Thủy NXB Thuận Hóa
Trong quá trình số hóa có thể xảy ra một số lỗi không mong muốn, xin được lượng thứ. Có thể xem tài liệu scan tại đây: Tài liệu scan