Trí tuệ cho cuộc sống

 Để làm được việc lớn, chúng ta cần góp sức vào những mạng lưới, tổ chức với trí tuệ tập thể lớn hơn rất nhiều so với trí tuệ của từng cá nhân chúng ta.

Năm mới, bạn có muốn giàu có, thành đạt hơn trước? Đó là một ước muốn rất chính đáng, và xin chân thành chúc bạn điều đó!

Làm sao để giàu có? Nhiều người làm việc hùng hục cả đời mà vẫn luôn nghèo. Làm nhiều chưa đủ, mà còn cần phải làm một cách thông minh (work smarter, not harder) để càng ngày càng tăng hiệu quả công việc, tạo ra tài sản tích lũy từ cái hiệu quả tăng lên đó. Những tỷ phú tự tay gây dựng cơ đồ như là Elon Musk hay Jeff Bezos đều là những người có trí tuệ rất cao. 

Không chỉ trong kinh tế, mà trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào, trí tuệ cũng là yếu tố cơ bản quyết định thành công. Một cầu thủ đá bóng như Maradona sẽ luyện tập và đá bóng không chỉ bằng đôi chân, mà bằng toàn bộ trí não của mình. 

Nhà triết học Descartes từ thế kỷ 17 có nói: Tôi nghĩ nên tôi tồn tại (Je pense donc je suis). Sự sống, của bất kỳ thể loại sống nào, cũng được đặc trưng bởi ba yếu tố cơ bản: năng lượng (cần thiết cho mọi hoạt động), sự ổn định (mất ổn định thì tan rã tiêu hủy), và trí tuệ, thiếu yếu tố thứ ba này thì chỉ là đồ vật. Trí tuệ chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định cuộc sống của chúng ta, vì nó điều khiển cả hai yếu tố kia.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về trí tuệ, nhưng chúng ta có thể hiểu nó như là sự tổng hợp của ba chức năng chính: thu nhận thông tin (giác quan để cảm nhận môi trường, và bộ nhớ để lưu trữ thông tin), phân tích thông tin để dẫn đến các quyết định, và điều khiển cơ thể thực hiện các quyết định đó. Nói theo kiểu toán học thì mỗi trí tuệ là một thuật toán lớn bao gồm các chức năng trên.

Tính cách của từng người cũng là một phần của trí tuệ của người đó. Khi gặp cùng một hoàn cảnh khó khăn tột độ, có người sẽ suy sụp tinh thần còn có người vẫn mỉm cười lạc quan, đó là khác nhau về trí tuệ. Và cả trên lý thuyết và trên thực tế, người lạc quan thì dễ thành công hơn là người bi quan.

Theo triết lý từ cổ xưa, hạnh phúc hay khổ đau đều do ta, tức là do trí tuệ của ta, quyết định. Khi ta quyết định rằng ta là con người có hạnh phúc nội tại, thì không có gì có thể cướp đi hạnh phúc của ta, và đó chính là cách tốt nhất để luôn hạnh phúc.

Khi gặp chuyện khó chịu thì phản ứng tự nhiên của nhiều người chúng ta là sẽ giận dữ cáu kỉnh. Tôi cũng vậy. Rồi một hôm tôi học được câu “Giận dữ là ngu ngốc” (Anger is stupid). Bởi giận dữ khiến ta mất bình tĩnh, mất sáng suốt, làm những điều không đáng làm, nói những điều không đáng nói. Từ khi thấm được câu đó, tôi bớt cáu kỉnh so với trước nhiều.     

Từ đầu thế kỷ 20, người ta đưa ra khái niệm chỉ số thông minh (IQ = Intelligence Quotient) của con người, và các bài kiểm tra khác nhau để xác định chỉ số này. Theo giáo sư tâm lý học nổi tiếng Jordan Peterson, chỉ số này phản ánh khá nhiều điều thú vị về xã hội, và mỗi ngành nghề khác nhau đòi hỏi một chỉ số IQ tối thiểu nhất định. 

Thậm chí, muốn xin vào làm lính trong quân đội Mỹ cũng phải làm bài kiểm tra về trí tuệ đạt điểm tối thiểu tương đương với khoảng 92 điểm IQ, vì người ta coi rằng nếu trí tuệ dưới mức đó (có trên 25% số người như vậy) thì khó có thể huấn luyện thành lính chuyên nghiệp. 

Tuy nhiên, chỉ số IQ không phản ánh đầy đủ về trí tuệ. Tương tự như một thuật toán có thể rất phức tạp cao siêu nhưng lại chứa những lỗi ngớ ngẩn thì vẫn có thể đưa ra những kết quả sai lầm, những quyết định ngu ngốc. Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết rất đúng “Ngu xuẩn nhất nhì là tổng thống Mỹ” khi Mỹ đem quân đánh Việt Nam. Các chính trị gia có thể có chỉ số IQ cao nhưng vẫn ngu xuẩn khi gây cớ đi đánh các nước khác, không chỉ Việt Nam mà còn Iraq, Libya, Nam Tư, v.v.

Để bù cho thiếu sót của chỉ số IQ, người ta nghĩ ra thêm chỉ số về một khía cạnh khác của trí tuệ, gọi là chỉ số cảm xúc (EQ = Emotional Quotient). Nếu chẳng may ta có IQ hay EQ thấp hơn mong muốn thì cũng không nên buồn, vì ta vẫn là một sinh vật thiêng liêng, có hạnh phúc nội tại nếu ta quyết định thế, và vẫn luôn có thể tăng cường trí tuệ hằng ngày, cả về IQ vẫn EQ.

Không chỉ con người mới có trí tuệ, mà ngay cỏ cây cũng có trí tuệ. Chúng biết nhận biết và phân tích môi trường xung quanh, đưa ra các quyết định cần thiết như là phải hút thức ăn, phải hướng tới mặt trời, và điều khiển bản thân thực hiện các quyết định đó. Tuy nhiên, con người khác cỏ cây và các loài động vật thấp cấp hơn ở khả năng học, nhờ có não cấu tạo tốt. Có thể nói “Tôi học nên tôi làm người”.  

Từ xưa, Khổng Tử đã nói có ba cách đem lại trí tuệ: cách thứ nhất là trí tuệ bẩm sinh, cách thứ hai là học, còn cách thứ ba là đời sẽ dạy cho ta qua những bài học trả giá đắt. Nếu không muốn trả giá đắt, thì hãy chủ động học nhiều hơn.

Nhiều người quan niệm rằng đi học là việc của thế hệ trẻ, còn lớn tuổi rồi thì không học được nữa. Thực ra không phải như vậy. Não người có tính “elasticity” (khả năng thay đổi để học cái mới) rất lớn, càng dùng nó thì nó lại càng “elastic”, tức là càng dễ học. Khi học tập trở thành niềm vui, thói quen hằng ngày, thì đến 90 tuổi vẫn có thể học rất nhiều cái mới.

Ngày nay, chúng ta đang bước vào thời đại của nền kinh tế dựa trên trí tuệ, với rất nhiều trí tuệ nhân tạo và robot

Trong nhiều lĩnh vực, trí tuệ nhân tạo đã vượt xa trí tuệ của con người. Ví dụ như, một trí tuệ nhân tạo mà tôi tham gia xây dựng nhận biết được hàng nghìn bệnh da khác nhau, trong khi một bác sĩ chuyên khoa da chỉ nhận biết được khoảng 200-300 bệnh. Điều này là tất yếu, vì trí tuệ nhân tạo có khả năng học rất lớn, và cho phép tổng hợp các kiến thức từ rất nhiều nguồn khác nhau. 

Nhân tiện nói thêm: cách học của trí tuệ nhân tạo (gọi là học máy – machine learning) có rất nhiều điểm tương tự cách học của người. Môn ‘phương pháp học máy’ và môn ‘sư phạm – giáo dục học’ là hai môn có rất nhiều thứ chung để bổ trợ cho nhau, ví dụ như là thưởng phạt trong quá trình học ra sao cho hợp lý, khi học lệch lạc thì sửa thế nào, v.v. 

Những người bi quan thì luôn lo sợ, họ sợ trí tuệ nhân tạo sẽ cướp đi việc làm của con người, thậm chí sẽ biến con người thành nô lệ hay thành vô dụng. Họ cũng đã từng bi quan khi cách mạng công nghiệp nổ ra, cũng từng sợ máy móc công nghiệp sẽ cướp đi việc làm của con người.  

Nhìn một cách lạc quan, robot và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp đỡ chúng ta làm mọi việc, tăng cường sức khỏe, giải phóng chúng ta khỏi những công việc nhàm chán, cho chúng ta nhiều thời gian và điều kiện hơn để mà học cái mới, để mà khám phá thế giới. Bản thân khái niệm “làm việc” cũng sẽ thay đổi, và phần lớn thời gian “làm việc” của mọi người sẽ chính là thời gian dành cho việc học hỏi và khám phá những cái mới. Nhờ có trí tuệ nhân tạo mà bản thân con người sẽ thông minh lên thêm nhiều.

Sự phát triển trí tuệ nhân tạo, cũng như sự khám phá các hành tinh tương tự như Trái đất nằm ở ngoài hệ Mặt trời, khiến chúng ta không khỏi đặt câu hỏi “Liệu có những nền văn minh khác, có những dạng sự sống khác thông minh hơn nhiều so với chúng ta?”. Khi chúng ta chẳng may tự vỗ ngực coi mình là thượng đẳng thì có lẽ cũng giống như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung thôi?

Tuy chúng ta chưa biết được ví dụ nào cụ thể, nhưng khả năng có những dạng sự sống có trí tuệ cao cấp hơn nhiều so với trí tuệ của con người là rất lớn. Khả năng này khiến chúng ta trở nên khiêm tốn hơn, bao dung hơn.  

Chúng ta không muốn bị các “trí tuệ cao hơn” đối xử tệ với chúng ta, thì ngược lại chúng ta cũng không nên đối xử tệ với những dạng sự sống khác, như là cỏ cây muông thú, mà chúng ta coi là “hạ đẳng” hơn chúng ta. Đó có lẽ chính là một suy luận của Phật giáo. 

Thêm nữa, tuy trí tuệ của chúng ta rất hạn chế (nói theo nhà bác học Laplace: điều mà chúng ta biết chỉ rất nhỏ bé, còn điều chúng ta không biết thì bao la), nhưng điều này không cản trở chúng ta có được hạnh phúc. Bởi hạnh phúc nằm chính trong trí tuệ, là một thành phần nhỏ nhưng cơ bản của trí tuệ.

Theo một triết lý từ cổ xưa, mỗi cuộc sống có mười hai khía cạnh, tương tự như một năm có mười hai mùa vậy. Vì trí tuệ gắn liền với cuộc sống, nên trí tuệ cũng có mười hai khía cạnh tương ứng. Lấy mỗi khía cạnh đó, đi theo chiều hướng tốt, là ta có được những đức tính, những khả năng trí tuệ tương ứng. Ví dụ như khía cạnh về đối tác: phải luôn có trách nhiệm, giữ được chữ tín với đối tác của mình. Một ví dụ khác: khía cạnh về những thứ nằm ngoài khả năng kiểm soát, khả năng hiểu biết của chúng ta. Khía cạnh này khiến chúng ta phải trở nên khiêm tốn hơn, và càng khiêm tốn mới càng dễ học hỏi, tiến bộ.

Một điểm cuối cùng mà tôi muốn nhắc tới trong bài viết này là về trí tuệ tập thể, hay là trí tuệ của tổ chức. Quan sát đàn kiến, chúng ta có thể nhận thấy từng con kiến một thì rất khiêm tốn, chỉ biết làm một vài thứ, nhưng một đàn kiến thì rất thông minh, có tổ chức rất tốt, biết xây cất khu tổ kiến với nhiều phòng ốc khác nhau với nhiều chức năng khác nhau, có cả phòng làm nông nghiệp. Xã hội loài người  cũng tương tự. Để làm được việc lớn, chúng ta cần góp sức vào những mạng lưới, tổ chức với trí tuệ tập thể lớn hơn rất nhiều so với trí tuệ của từng cá nhân chúng ta. 

Xin chúc bạn đọc một năm mới tràn đầy trí tuệ!

*Giáo sư Toán hạng đặc biệt ở Đại học Toulouse, sáng lập Công ty Torus AI.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng

/*** js CHAN TRANG ***/