Cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguy cơ của đảng cầm quyền

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng Người đã để lại những cảnh báo như là dự báo chính trị về nguy cơ của một đảng cầm quyền mà ngày nay chúng ta cần nghiêm túc suy ngẫm.


Chỉ sau hơn một tháng đọc Tuyên ngôn độc lập (ngày 2-9-1945) khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ngay “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (ngày 17-10-1945). Hơn một năm sau, Người lại có hai bức thư “Gửi các đồng chí Bắc Bộ” và “Gửi các đồng chí Trung Bộ”. Nội dung hai bức thư nhằm phê bình các cơ quan của Đảng và Nhà nước đã phạm phải các khuyết điểm: địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt, quan liêu; óc hẹp hòi; ham chuộng hình thức; làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm; ích kỷ; kiêu ngạo; tham ô; hủ hóa... Cuối đời (tháng 6-1968), Người lại căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân...”(1).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong điều kiện cầm quyền, Đảng đứng trước nguy cơ từ sai lầm không được sửa chữa sẽ dẫn tới biến chất, làm cho Đảng không những không còn là “người đầy tớ” thật trung thành phục vụ nhân dân mà biến thành “quan nhân dân”, thậm chí còn biến thành cực đối lập với nhân dân.

Sau đây là một số sai lầm dẫn tới nguy cơ.

Quyết sách sai lầm

Sau khi đã có chính quyền thì vấn đề quan trọng nhất đặt ra đối với Đảng là phải “có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Đảng. Do vậy, khi đã có chính quyền vấn đề xác định đường lối phát triển kinh tế - văn hóa độc lập, tự chủ, hợp tác và hội nhập quốc tế có vị trí quyết định nhất đối với “tư cách của một đảng cách mạng chân chính”. Nhưng đường lối lại phụ thuộc chủ yếu vào năng lực, trí tuệ và trình độ lý luận của Đảng. Vì thế “chống giặc dốt” trở nên bức bách. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi dốt nát là giặc: “Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về tinh thần, cũng như địch thực dân tấn công ta bằng vũ lực. Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa dân ta vào nơi mù quáng”(2). “Giặc dốt” cũng là “đồng minh” với “giặc đói”. Muốn thoát đói nghèo, muốn sánh vai với các cường quốc trên thế giới thì phải học cách làm giàu, phải thắng “giặc dốt”. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra phải chống đồng thời cả 3 thứ giặc: “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm.

Nguy cơ mắc sai lầm về đường lối đã được xác định có nguồn gốc từ: Thứ nhất, sự thiếu vững vàng về chính trị, không đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên hàng đầu. Thứ hai, sự hẹp hòi, thiển cận khiến chính sách nhân lực không được thực thi đúng, không thu nạp, trọng dụng được hiền tài. Trong khi đó, chính sách nhân tài thiếu và thực thi kém chính là nguyên nhân làm cho đảng cầm quyền rơi vào tình trạng thiếu tri thức, thiếu lý luận, không am hiểu bản chất và xu thế phát triển của tình hình trong nước và ngoài nước, không nắm được quy luật hành động, không biết mình đang ở đâu, đi trên con đường nào và sẽ dẫn tới đâu.

Thực tế đã và đang ngày càng minh chứng những chỉ dẫn trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng đắn.

Giặc “nội xâm” lũng đoạn

Giặc nội xâm chính là chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra chủ nghĩa cá nhân thâm nhập vào cơ thể Đảng, là kẻ địch “nội xâm” vì nó ở trong mỗi chúng ta, ở ngay bên trong cơ thể Đảng ta. Một số biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân đã được xác định là:

Thứ nhất, công thần và kiêu ngạo. Biểu hiện này xuất hiện rõ nhất khi Đảng trở thành đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: do kiêu ngạo, kém hiểu biết và hẹp hòi nên Đảng đã không tập hợp, không phát huy được tính tích cực của quần chúng nhân dân. Bệnh kiêu ngạo đã xuất hiện ở các loại cán bộ khác nhau. Những người đã qua kháng chiến gian lao, bị địch tù đày, tra tấn, trưởng thành trong đấu tranh cách mạng thì ỷ vào thành tích và kinh nghiệm trong chiến tranh để “lên mặt công thần”. Họ thiếu khiêm tốn, lười học hỏi, chủ quan, coi khinh lý luận. Còn số cán bộ được đào tạo trong các trường lớp chính quy, có bằng cấp thì tự mãn, thiếu thực tế, giáo điều, thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu sáng tạo trong giải quyết vấn đề. Cả hai loại cán bộ nói trên đều lâm vào tình trạng khả năng không tương xứng với chức quyền. Những căn bệnh này phá hoại Đảng trên tất cả các mặt: lý luận, tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức, cả đạo đức làm người, đạo đức công dân và đạo đức cách mạng, làm cho Đảng xa dân, bị giảm sút lòng tin trong dân.

Thứ hai, địa phương cục bộ. Người mắc căn bệnh “địa phương cục bộ” chỉ chăm chút, bênh vực, vun vén cho địa phương hoặc bộ phận mình phụ trách mà không nghĩ tới toàn cục, đến lợi ích chung. Khi Nhà nước áp dụng phương pháp quản lý hiện đại là phân cấp và phân quyền thì không ít nơi chủ nghĩa vị kỷ và óc địa phương cục bộ đã có cơ hội trỗi dậy, gây tổn hại đến lợi ích chung của đất nước.

Thứ ba, óc bè phái, cánh hẩu, lợi ích nhóm. Bệnh này thường gây ra tai hại lớn, làm nội bộ mất đoàn kết, Đảng mất cán bộ và làm hỏng việc. “Cánh hẩu” là biểu hiện của óc bè phái, “Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe”(3) hoặc “Có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, Đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”(4). “Cánh hẩu” ngày nay đã trở thành “lợi ích nhóm” của một số không nhỏ đảng viên cán bộ chi phối chính sách, làm sai lệch nguyên tắc tập trung dân chủ, là nguy cơ sự tồn vong của bản thân Đảng.

Thứ tư, quan liêu và lối sống sùng bái đồng tiền. Đây là một căn bệnh có nguồn gốc sâu xa, tồn tại dai dẳng và gây tác hại to lớn, lâu dài. Người ham mê quyền lực thường lạm dụng quyền lực được giao. Họ độc đoán, nịnh trên, nạt dưới, cậy mình có chức quyền rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao làm vậy, coi thường dư luận, coi thường kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Kẻ ham mê quyền lực thường lợi dụng chức quyền để vụ lợi, vơ vét tiền bạc. Lối sống chạy theo đồng tiền đang làm đảo ngược các giá trị, kể cả giá trị thiêng liêng là tình đồng chí, nghĩa đồng bào, “tiền là sự xuyên tạc một cách phổ biến những cá tính, một sự xuyên tạc nó biến những cá tính ấy thành những cái đối lập với chúng... Lúc đó, tiền cũng xuất hiện với tính cách là lực lượng có tác dụng xuyên tạc... Tiền biến trung thành phản, yêu thành ghét, ghét thành yêu, đức hạnh thành thói xấu, thói xấu thành đức hạnh, tớ thành chủ, chủ thành tớ, ngu thành khôn, khôn thành ngu...”(5).

Quyền lực vốn là một yếu tố tạo nên kỷ luật của tổ chức và kỷ cương trật tự xã hội. Nhưng lòng si mê quyền lực, lạm dụng quyền hành thì lại làm tha hóa con người, làm cho người cán bộ tự huyễn hoặc về những cái mình không có. Lòng si mê quyền lực đồng dạng với óc quân phiệt, quan liêu, “Cái đầu óc “ông tướng, bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, Đoàn thể xa nhân dân”(6). Thói si mê quyền lực đang dẫn đến tình trạng chạy chức quyền, chạy bằng cấp, chạy thành tích và huân chương, chạy dự án và chạy án... Sự “chạy” đó đã biến tướng thành lối sống vô văn hóa, văn hóa “bôi trơn”, văn hóa “phong bì”; trở thành kẻ thù đang hiện hữu tạo ra nguy cơ trực tiếp làm cho Đảng mất vị thế cầm quyền.

Thứ năm, óc hẹp hòi. Người hẹp hòi thường “dễ mình khó người”, lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước để gạt bỏ người này, thu nạp người kia theo cách nhìn thiển cận của mình để leo lên, giành chức quyền và tiếm quyền. Óc hẹp hòi cố hữu dẫn đến sự cách biệt giữa cán bộ là đảng viên với cán bộ là người ngoài đảng. “Họ quên rằng: so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết”(7). Người đảng viên là cán bộ phụ trách có “Tư tưởng hẹp hòi, thì hành động cũng hẹp hòi, thì nhiều thù ít bạn. Người mà hẹp hòi ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi không thể phát triển”(8).

Thứ sáu, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, làm trái phép nước, coi thường pháp luật. Ngay từ buổi đầu Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo tình trạng “nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc. Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm Đoàn thể...”(9). Tình trạng này đã tồn tại khá lâu và ngày càng có dấu hiệu trầm trọng hơn, dẫn đến nguy cơ kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị khinh nhờn. Đó chính là một tác nhân làm biến chất Đảng, nguy cơ dẫn đến suy vong của chế độ.

Thứ bảy, tham nhũng. Thực tế lịch sử từ trước tới nay cho thấy, tệ tham nhũng là một căn bệnh khó chữa của các chế độ nhà nước, nó thường xuất hiện cùng với những người nắm giữ trong tay quyền lực. Vì vậy, khi đã trở thành đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực, để kiểm tra mọi đảng viên và tổ chức đảng. Nếu trong bộ máy nhà nước, những người đảng viên (hầu hết giữ các chức vụ chủ chốt) tham nhũng thì sẽ làm hiệu lực quản lý xã hội bị suy giảm; kỷ cương, pháp luật bị khinh nhờn và như vậy, vô hình trung, chính họ đã là kẻ phản bội, là kẻ địch bên trong chống lại Nhà nước của nhân dân do Đảng lãnh đạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân biệt giữa đảng cách mạng chân chính với tất cả các đảng phái khác là ở chỗ “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Do đó, nếu đảng viên tham nhũng tức là họ làm biến chất Đảng, biến thành kẻ chống lại Đảng. Vì vậy, chống tham nhũng chẳng những là vấn đề xã hội mà còn là công việc xây dựng Đảng, là vấn đề giữ vững bản chất của Đảng, là công việc chống kẻ thù bên trong của chính bản thân Đảng.

Đảng tập hợp nhân dân dưới ngọn cờ đại nghĩa, chống áp bức, bóc lột, chống xấu xa, độc ác, xây dựng xã hội mới tốt đẹp nên được dân tin, dân theo. Nay, giành được chính quyền, nếu Đảng bị “hủ hóa” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng nghĩa với “tha hóa”), đảng viên lợi dụng chức quyền để “ăn cắp” (Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi “tham ô” là “ăn cắp”) thì Đảng sẽ rơi vào một tình trạng “nói mà không làm”. Nếu tình trạng này kéo dài thì Đảng sẽ mất tín nhiệm với nhân dân, do vậy mà nguy cơ mất chính quyền không phải chỉ là cảnh báo. Bài học này đã thấy rõ trong phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới vào thập niên 90 của thế kỷ XX.

Tóm lại, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù bên trong, là những “tế bào ác tính” xâm nhập vào cơ thể Đảng. Chủ nghĩa cá nhân phá hoại tư tưởng và tổ chức của Đảng, làm cho danh dự, uy tín của Đảng bị xói mòn, là nguy cơ trực tiếp làm cho Đảng mất dần quần chúng. Nguy cơ làm thoái hóa, biến chất Đảng xuất phát từ chính chủ nghĩa cá nhân nảy sinh trong cán bộ đảng viên. Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Đảng phải kiên quyết “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.

Xa dân và mất dần quần chúng

Đó là nguy cơ của mọi nguy cơ, tai họa của mọi tai họa. Do tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân nên tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng thành một tổ chức chính trị gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin yêu, kính trọng đã trở thành một nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Chống chủ nghĩa cá nhân ở trong Đảng, trong bộ máy nhà nước; hoạch định chính sách đúng; giữ vững chủ quyền quốc gia; phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho dân chúng; thực hành dân chủ trong Đảng, mở rộng dân chủ trong xã hội, xây dựng nhà nước dân chủ và pháp quyền là cách duy nhất để khôi phục lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Nhìn một cách tổng quát, sai lầm về đường lối, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, xa dân là những nguy cơ lớn nhất đối với bất kỳ đảng nào khi đã giành được chính quyền. Vì vậy, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn căn dặn Đảng ta phải chủ động đề phòng các nguy cơ đó. Những điều căn dặn đó không chỉ là một tiên lượng, một dự báo chính trị mà đã là một chân lý được thực tiễn kiểm nghiệm, khẳng định.

Tình hình thực tế hiện nay cho thấy những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang nóng hổi tính thời sự cấp bách. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng và nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người chính là thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc đẩy lùi các nguy cơ của một đảng cầm quyền./.

---------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 12, tr. 557-558

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 379

(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, 1995, t. 5, tr. 72, 74

(5) Tuyển tập Mác - Ăng-ghen, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, t. 1, tr. 135

(6), (7), (8), (9) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 72, 238, 72, 73

 HỨA KHÁNH VY TS, VIỆN XÂY DỰNG ĐẢNG, HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

Nguồn: Tạp chí Cộng sản

/*** js CHAN TRANG ***/