TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023) và những kết quả nổi bật trong quan hệ hợp tác Thừa Thiên Huế - Nhật Bản thời gian qua


 

I. KHÁI QUÁT VỀ NHẬT BẢN

Nhật Bản là một đất nước khan hiếm về tài nguyên thiên nhiên, thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, sóng thần, động đất, nhưng từ tro tàn của chiến tranh, đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những cường quốc phát triển hàng đầu thế giới; đồng thời luôn là thành viên tích cực tại các diễn đàn kinh tế, chính trị, xã hội quốc tế.

Về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, Nhật Bản là một quần đảo nằm ở khu vực Đông Bắc Á, trải ra theo một vòng cung hẹp dài 3.800 km, từ vĩ độ bắc 20°25’ đến 45°33’. Tổng diện tích tự nhiên là377.835 km2, gồm 4 đảo chính (Honshu, Hokkaido, Kyushu và Shikoku) và khoảng 3.900 đảo nhỏ. Dân số khoảng 126,5 triệu người. 73% diện tích đất là đồi núi, diện tích đất nông nghiệp tương đối ít. Khí hậu với bốn mùa rõ rệt nhưng có sự khác nhau rất lớn giữa các khu vực. Nhìn chung, khí hậu ở Nhật Bản tương đối khắc nghiệt, lại bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, như: núi lửa, động đất, sóng thần... Điều này đã tạo nên tính cách của người Nhật Bản chịu thương, chịu khó, tiết kiệm, bản lĩnh, kiên cường, cứng rắn, trung thành với các giá trị truyền thống, nhưng lại tiếp nhận rất sớm và nhanh những giá trị của văn minh nhân loại để phát triển đất nước…

Nhật Bản có Thủ đô là Tokyo. Các khu vực hành chính chia thành 47 vùng; trong đó có các thành phố lớn là: Yakohama, Osaka, Kyoto, Hirroshima, Kobe... Tổ chức nhà nước theo chính thể quân chủ lập hiến. Hiến pháp được thông qua ngày 03/5/1947. Đứng đầu Nhà nước là Hoàng Đế; đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng. Nhật Bản theo chế độ cha truyền con nối. Quốc hội bổ nhiệm Thủ tướng, Hiến pháp quy định Thủ tướng phải giành được sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội, vì vậy sau khi bầu cử Quốc hội, lãnh đạo của đảng đa số hay lãnh đạo của liên minh đa số trong Hạ viện thường trở thành Thủ tướng. Cơ quan lập pháp là Quốc hội hai viện, gồm Thượng viện và Hạ viện. Cơ quan tư pháp là Tòa án Tối cao. Chánh án do Hoàng đế bổ nhiệm sau khi được Chính phủ lựa chọn, các thẩm phán khác do Chính phủ bổ nhiệm. Các đảng phái chính gồm: Đảng Dân chủ tự do (LDP), Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), Komeito, Đảng Tự do, Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP), Đảng Dân chủ xã hội (SDP)... Chế độ bầu cử theo phổ thông đầu phiếu (người dân từ 20 tuổi trở lên thì được đi bầu cử). Về quan hệ quốc tế, Nhật Bản đã tham gia và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, như: AfDB, APEC, AsDB, BIS, EBRD, ESCAP, FAO, IADB, IAEA, IBRD, ICAO, IFAD, ILO, IMF, IMO, Interpol, ISO, ITU, OECD, UN, UNCTAD, UNESCO, UNIDO, UPU, WFTU, WHO, WIPO, WtrO...

Tôn giáo bao gồm Thần đạo và đạo Phật (chiếm 84% dân số), các tôn giáo khác (16%). Văn hóa Nhật Bản là một trong những nền văn hóa đặc sắc nhất thế giới. Văn hóa Nhật đã phát triển mạnh mẽ qua thời gian từ thời kỳ Jōmon cho tới thời kỳ đương thời, trong đó chịu ảnh hưởng cả từ văn hóa Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản bao gồm các ngành nghề thủ công, như: ikebana, origami, ukiyo-e, đồ chơi, đồ gỗ sơn mài và gốm sứ... Sự kết hợp của nghệ thuật in khắc gỗ truyền thống với văn hóa phương Tây đã dẫn đến sự ra đời của Manga, một thể loại truyện tranh nổi tiếng cả trong và ngoài nước Nhật. Sự ảnh hưởng của Manga đến thể loại hoạt hình đã dẫn đến sự phát triển thể loại hoạt hình đặc trưng của Nhật có tên gọi là Anime. Nhờ sự phát triển như vũ bão của Manga và Anime mà các trò chơi game video của Nhật cũng phát triển mạnh mẽ từ thập niên 1980. Các môn nghệ thuật biểu diễn có: bunraku, nhảy, kabuki, nō, rakugo… Âm nhạc của Nhật Bản đã mượn nhiều nhạc cụ và phong cách từ các quốc gia láng giềng và phát triển thêm các nét đặc trưng của Nhật. Điển hình như đàn Koto được giới thiệu vào Nhật từ thế kỷ thứ IX và X, hay như thể loại kịch Nō từ thế kỷ XIV và âm nhạc dân gian đại chúng, với những cây đàn shamisen được truyền bá tới Nhật từ thế kỷ XVI. Âm nhạc phương Tây được giới thiệu vào Nhật cuối thế kỷ XIX, giờ đã trở thành một phần nội tại quan trọng trong văn hóa Nhật Bản. Ngoài ra, còn phải kể đến những nét đặc sắc truyền thống khác, như: trà đạo, Budō, kiến trúc, vườn Nhật và cả gươm Nhật… Ẩm thực Nhật Bản hiện nay là một trong những nền ẩm thực nổi tiếng nhất trên thế giới. Ở Nhật, giáo dục bắt buộc và miễn phí đối với trẻ em từ 6 - 15 tuổi. Hệ thống giáo dục gồm bậc tiểu học 6 năm, trung học cơ sở 3 năm và trung học 3 năm.

Hiện nay, Nhật Bản là nước có nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới (tính theo GDP), sau Mỹ và Trung Quốc; đồng thời là nước có vị trí quan trọng trong nhóm G8 (những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới) và thuộc nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực về nghiên cứu khoa học, công nghệ máy móc, nghiên cứu y học…

II. TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ NGHÌN NĂM VÀ NHIỀU KẾT QUẢ TỐT ĐẸP TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM - NHẬT BẢN

Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc, hai quốc gia có mối quan hệ rất lâu đời. Cùng nằm ở Châu Á - Thái Bình Dương, sự gần gũi, tương đồng về mặt văn hóa đã đưa nhân dân hai nước đến với nhau như một lẽ tự nhiên trong quá trình phát triển. Lịch sử quan hệ hai nước có nhiều biểu tượng tốt đẹp về những mối giao thương, sự kết nối, tình thâm giao và cả những mối lương duyên bền chặt, sâu sắc.

Theo sử cũ chép lại, vào khoảng thời Nara (thế kỷ VIII), nhiều người Nhật Bản gặp gió bão, bị trôi dạt về phương Nam, tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam hiện nay. Trong số đó, người đầu tiên là ông Nakamaro Abeno có thuyền gặp bão, bị dạt vào Việt Nam năm 716. Năm 761, ông được nhà Đường cử sang làm An Nam Tiết Độ Sứ trong 6 năm, để lại những cảm xúc tốt đẹp trong các tác phẩm thi ca của mình về xứ sở An Nam tươi đẹp. Đến thế kỷ thứ VIII, nhà sư Phật Triết từ miền Trung Việt Nam đã được người dân địa phương đón tiếp tại chùa Đại An ở Cố đô Nara của Nhật Bản khi ông sang truyền đạo và dạy nhạc Lâm Ấp. Năm 1604, thương nhân Hunamoto Yabeiji, đồng thời là phái viên ngoại giao của chính quyền Mạc phủ Ê-đô đã được Chúa Nguyễn Hoàng nhận làm con nuôi. Năm 1662, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả công chúa Ngọc Hoa cho thương nhân Araki Sotaro, sau này ông được phong làm Hoàng thân của triều Nguyễn và có trên Việt là Nguyễn Đại Lượng[1]. Hàng năm, ông đã giúp Chúa Nguyễn tổ chức đội thuyền ra Quần đảo Hoàng Sa để thu hàng hóa, vũ khí của các tàu bị đắm và hải vật. Từ thế kỷ XVII, miền Trung Việt Nam, nhất là thương cảng Hội An đã đón nhiều tàu buôn và thương nhân Nhật Bản đến làm ăn và sinh sống, lưu lại những công trình văn hóa, kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn Nhật Bản cho đến ngày nay… Và cách đây hơn 60 năm, trong bối cảnh các mối quan hệ chính trị thế giới phức tạp, Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhãn quan của một nhà chính trị, nhà văn hóa lớn, đã nhìn thấy trước mối quan hệ tất yếu sẽ gắn bó lâu dài giữa Việt Nam và Nhật Bản: “Tương lai của nước Nhật và tương lai của Việt Nam khăng khít với nhau. Sự đoàn kết của chúng ta nhất định thắng lợi”[2].

Ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, hai nước đã tiến hành trao đổi đại sứ quán, khởi động giao lưu, trao đổi đoàn và ký Thỏa thuận về việc Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại đối với Việt Nam. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, năm 1992 là dấu mốc đặc biệt trong quan hệ hai nước khi Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam. Kể từ đó, quan hệ kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa… giữa hai nước được mở rộng, sự hiểu biết và tin cậy từng bước tăng lên. Năm 2002, Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Tháng 10/2006, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục có bước tiến mới sau khi hai bên ký Tuyên bố chung “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Với quyết tâm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, tháng 4/2009, hai nước chính thức nâng quan hệ lên tầm “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Hai năm tiếp đó, quan hệ song phương được mở thêm một trang mới với việc lãnh đạo cấp cao hai nước ký các tuyên bố chung “Phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” (tháng 10/2010) và “Triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” (tháng 10/2011).

Trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược, trong bối cảnh tình hình quốc tế mới, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất, là cơ sở để đến tháng 3/2014, hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Đặc biệt, tháng 9/2015, nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã ra Tuyên bố về “Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản”. Đây được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển mới toàn diện và tốt đẹp chưa từng có của mối quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực, như chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, giao lưu cấp địa phương, giao lưu nhân dân… Năm 2022, sau cuộc hội đàm giữa Thủ Tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã chứng kiến Lễ trao đổi 22 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước. Hai Thủ tướng đã có cuộc gặp gỡ báo chí chung, thông báo những kết quả chính trong cuộc hội đàm, nhấn mạnh hai bên nhất trí cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trong 50 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực; quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Quan hệ chính trị, ngoại giao; hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân đã trở thành một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước.

Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh toàn diện. Hai bên đã đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn, cơ chế đa phương ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu; xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương; tích cực phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, thúc đẩy liên kết kinh tế, tự do hóa thương mại thông qua việc ký kết và thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân đã trở thành một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước. Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện. Hai bên đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương.

Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp nguồn ODA lớn nhất (trên 2.700 tỷ Yên vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật); góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam...

Về đầu tư, hiện nay, Nhật Bản nằm trong top 3 nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với hơn 4.835 dự án với tổng vốn trên 64 tỉ USD (FDI từ Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam); nhà đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ ba của Việt Nam. Đến nay, Nhật Bản có hơn 5 nghìn dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, đứng thứ 3/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện có trên 200 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó hơn 60% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam, vượt xa mức trung bình của ASEAN là 47%. Điều này chứng tỏ mức độ sẵn sàng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam là lớn nhất. Và Việt Nam có 104 dự án đầu tư sang Nhật Bản với vốn đầu tư đăng ký đạt 19,2 triệu USD, đứng thứ 36 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, cơ chế hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ, qua 20 năm thực hiện với 8 giai đoạn, đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.

Về thương mại, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.

Về hợp tác lao động, Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn và chủ lực của Việt Nam, là đối tác hợp tác lao động lớn thứ hai của Việt Nam. Năm 2022, có hơn 127.000 lao động sang làm việc tại Nhật Bản, cao gấp 6 lần năm 2021.

Người Việt Nam hiện đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản có khoảng 500.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản (sau Trung Quốc). Nhiều hội đoàn của người Việt đã được thành lập, như: Hội người Việt Nam tại Nhật Bản (VAIJ), Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ), Hội Chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ), Hội Chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ), Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJBA), Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, Hiệp hội Giao lưu Văn hóa Thể thao Việt Nam - Nhật Bản (FAVIJA)…, cùng với 21 hội, đoàn của người Việt ở các địa phương; hơn 70 cặp địa phương có thỏa thuận hợp tác, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với các hội hữu nghị truyền thống; giao lưu văn hóa, kết nghĩa, đối ngoại nhân dân với các địa phương Nhật Bản; tăng cường hợp tác, giao lưu về kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản không ngừng phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. Những thành tựu 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã tạo nền tảng cho mối quan hệ hai nước cùng đồng hành phát triển, hướng tới tương lai, vươn tầm khu vực và thế giới.

Dựa trên truyền thông lâu đời, 50 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã không ngừng được củng cố, tăng cường và phát triển. Là hai nước Đông Á, hai quốc gia biển, hai nền kinh tế Việt - Nhật có tính bổ sung cao, còn nhiều dư địa và nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Thời gian tới, phát huy mạnh mẽ truyền thống hợp tác, kết quả toàn diện và lòng chân thành, sự tin cậy lẫn nhau, quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục được củng cố, tăng cường bền chặt và hiệu quả, thực chất hơn nữa, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hai nước dự định sẽ trao đổi và tập trung hợp tác vào các nội dung: chuyển đổi xanh; chuyển đổi số; hợp tác về năng lượng; đồng thời đánh giá về Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 và định hướng cho giai đoạn 9 tiếp theo.

III. QUAN HỆ HỮU NGHỊ, HỢP TÁC TOÀN DIỆN GIỮA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ VỚI CÁC ĐỊA PHƯƠNG VÀ ĐỐI TÁC NHẬT BẢN THỜI GIAN QUA

Hơn 400 năm trước, vùng đất Cố đô Huế đã có mối quan hệ giao thương với các địa phương Nhật Bản. Người Nhật đã tìm tới Thuận Hóa để buôn bán qua những Châu Ấn thuyền (Shuinsen) được Mạc phủ Đức Xuyên gửi đi. Dần dần, người Nhật đến Thuận Hóa ngày càng nhiều hơn. Khi các chúa Nguyễn có những chính sách rộng mở về ngoại thương và cư trú, những người Nhật đã đến đây buôn bán, lập phố và sinh sống lâu dài ở thương cảng Thanh Hà - một trong những cảng quốc tế ở thế kỷ thứ XVII dưới thời chúa Nguyễn (nằm phía bờ tả ngạn sông Hương, cách kinh thành Huế 4km, cách cửa biển Thuận An khoảng 10km và thuộc phường Hương Vinh, thành phố Huế ngày nay). Chính sự giao lưu buôn bán này đã khiến văn hóa Nhật Bản trở nên không còn xa lạ với người Việt.

Cách đây hơn trăm năm, phong trào Đông Du do Phan Bội Châu cùng những người đồng chí của ông khởi xướng cũng đã thắt chặt hơn mối quan hệ giữa hai dân tộc và đào tạo cho Việt Nam những lực lượng ưu tú để về chấn hưng đất nước, đánh đổ ách đô hộ của thực dân Pháp. Lịch sử chính là chiếc cầu nối vững chắc để hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản vượt qua những rào cản, tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác đương đại.

Năm 2009, Thừa Thiên Huế (Thuận Hóa - Phú Xuân ngày nay) lại vinh dự được Hoàng Thái tử Naruhito (nay là Nhật Hoàng Naruhito) chọn là điểm đến trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Nhiều năm sau, Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko (nay là Thượng Hoàng Akihito và Hoàng Thái Hậu Michiko) tiếp tục ưu ái chọn đến thăm Huế trong chuyến công du chính thức Việt Nam năm 2017. Đây không chỉ là niềm vinh hạnh của tỉnh nhà mà còn là dấu ấn đặc biệt, tiền đề để tỉnh tiếp tục phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn với Nhật Bản trên nhiều phương diện.

Hòa cùng những giai đoạn lịch sử phát triển tốt đẹp, rực rỡ trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản; quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các đối tác Nhật Bản đã không ngừng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả. Nhật Bản đã trở thành một trong những đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực của tỉnh.

Về hợp tác cấp địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quan hệ hợp tác có hiệu quả với nhiều địa phương của Nhật Bản và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, như: phát triển du lịch, giao lưu văn hóa, ngoại giao nhân dân... Tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hai địa phương cấp tỉnh của Nhật Bản là Kyoto (tháng 3/2014) và Gifu (tháng 11/2016); phối hợp triển khai các chương trình dự án hợp tác với thành phố Yokohama, tỉnh Nara… Riêng thành phố Huế đã ký quan hệ hợp tác với 5 thành phố: Shizuoka (2005), Kyoto (2013), Sasayama (2018), thành phố Saijo (2018) và thành phố Takayama (2018).

Được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực từ Bộ Ngoại giao, tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên có cơ hội tham gia các sự kiện, hoạt động tiếp xúc và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đối tác Nhật Bản, như: Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản (2019); Hội nghị Gặp gỡ vùng Kansai Nhật Bản - Khu vực Miền Trung Việt Nam (2019); Hội nghị lãnh đạo địa phương Việt Nam - Nhật Bản (tháng 01/2020);  Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác nhiều mặt Việt Nam với vùng Kyushu, Nhật Bản tại tỉnh Fukuoka (từ ngày 24/7-1/8/2022); Chương trình Quảng bá địa phương tại Hàn Quốc - Nhật Bản (tháng 6/2023)... Thông qua các sự kiện này, tỉnh đã có dịp được tiếp xúc, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác với thêm nhiều địa phương Nhật Bản, như: Kanagawa, Fukuoka, Shiga, Yamanashi, Kochi, Niigata, Hokkaido... Đây không chỉ là cơ hội quan trọng để Thừa Thiên Huế có thể kết nối, thắt chặt hơn mối quan hệ với các đối tác Nhật Bản hiện có, mà còn mở rộng kết nối với nhiều đối tác tiềm năng trong tương lai.

Trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với Nhật Bản tiếp tục phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, như: phòng chống thiên tai; bảo tồn các di sản; giao thông; cấp nước; giáo dục, y tế. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của Nhật Bản, như: tỉnh Nara, phủ Kyoto, tỉnh Gifu, Thành phố Yokohama...

Nhật Bản không chỉ là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam mà còn là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Thừa Thiên Huế. Nhiều dự án hoạt động khá hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đóng góp ngân sách ổn định hàng năm cho tỉnh, như: Dự án hầm đường bộ Hải Vân dài nhất Đông Nam Á, với tổng vốn 250 triệu USD; Dự án Bệnh viện quốc tế - 30 triệu USD dự án ODA xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn 30 triệu USD; Chương trình trùng tu di tích cố đô Huế - Viện Di sản WASEDA, Tokyo tài trợ 4,5 triệu USD; “Dự án nâng cấp năng lực thích ứng với thiên tai ở miền Trung” (2009 - 2012) đã hỗ trợ tỉnh hình thành kế hoạch quản lý lũ tích hợp, giúp các địa phương trong vùng nâng cao năng lực về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng và xây dựng các công trình chống xói lở ở bờ sông với quy mô nhỏ, chi phí phí thấp; Dự án “Xây dựng xã hội thích ứng với thiên tai” (2013 - 7/2016); Dự án xây dựng trường học, trồng rừng, giao lưu văn hóa - Công ty AEON tài trợ 3 triệu USD; Dự án Xây dựng xã hội thích ứng với thiên tai (giai đoạn 2) được Chính phủ Nhật Bản tài trợ tại Thừa Thiên Huế thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA), với số tiền viện trợ không hoàn lại là 60.456.000 JPY (tương đương gần 13,5 tỷ đồng), tập trung thực hiện hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và giáo dục thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro tại Thừa Thiên Huế; tăng cường các biện pháp phòng chống thiên tai liên quan tới nước bằng hệ thống quản lý lũ tổng hợp tại các địa phương trên địa bàn. Đặc biệt dự án “Cải thiện môi trường nước thành phố Huế” do JICA tài trợ cho thành phố Huế bằng nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản với tổng mức đầu tư: 24,008 tỉ Yên Nhật (tương đương 3.169 tỉ VND), đã góp phần cải thiện môi trường sống cho hơn 400.000 người dân trong thành phố và các vùng lân cận; giúp giảm ngập lụt trong mùa lũ, bảo vệ các di sản; đồng thời cải thiện sông ngòi, nâng cao hệ thống cấp thoát nước tại thành phố Huế. Dự án Quản lý cấp nước an toàn Việt Nam - Nhật Bản, theo chương trình hợp tác giữa Công ty HueWACO và Cục nước Yokohama đã trao đổi, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cấp nước nhằm cải thiện công tác quản lý cấp nước cho các công ty cấp nước khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam. Dự án đã hoàn thành các mục tiêu, chương trình đề ra và đã kết thúc vào ngày 30/8/2016… Giai đoạn 2015 - 2018, trên địa bàn tỉnh có 7 dự án FDI của Nhật Bản hoạt động, với tổng vốn đăng ký 30,4 triệu USD, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: chế biến thực phẩm, may mặc, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác. Một số dự án hoạt động có hiệu quả, như: Dự án sản xuất rượu Sake và rượu trắng Nhật Bản của Công ty TNHH MTV Thực phẩm Huế và Công ty TNHH Saita (đã hoạt động gần 25 năm tại Thừa Thiên Huế), doanh thu hàng năm đạt 1,77 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước 799 nghìn USD; dự án may mặc của Công ty TNHH MSV giải quyết cho hơn 1.000 lao động; dự án công nghệ thông tin của Công ty TNHH MTV Brycen hoạt động từ năm 2013 và rất hiệu quả, giải quyết cho trên 100 lao động, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lập trình...

Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hút được 117 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.347 triệu USD; trong đó có 16 dự án đến từ doanh nghiệp Nhật Bản với tổng vốn đăng ký hơn 220,304 triệu USD. Đặc biệt, dự án Trung tâm thương mại AEONMALL Huế của Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam với tổng vốn đầu tư 169,67 triệu USD đang xây dựng là một điểm nhấn về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực đào tạo tiếng Nhật, hỗ trợ các dịch vụ phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động...

Trên lĩnh vực văn hóa, nhiều hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa vật thể, phi vật thể Huế tiếp tục được triển khai hiệu quả. Trong suốt 25 năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ Thừa Thiên Huế trong việc bảo tồn, phục dựng các công trình kiến trúc cung điện, lăng tẩm của kinh thành Huế thông qua các tổ chức, như: Viện nghiên cứu Di sản thế giới UNESCO - Đại học Waseda, Đại học Nữ Chiêu Hòa, Đại học Kyoto - Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ tổng kinh phí gần 4,5 triệu USD trùng tu các di tích, như: nghiên cứu bảo tồn di tích Huế và dự án phục nguyên điện Cần Chánh, một công trình kiến trúc tiêu biểu của triều Nguyễn nằm trong khu vực Hoàng thành Huế; trùng tu di tích Hữu Tùng Tự - lăng Minh Mạng; dự án Thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn Nhã nhạc; lập Hồ sơ quốc gia ứng cử Nhã Nhạc là Kiệt tác Di sản Truyền khẩu và Phi vật thể của Nhân loại… Ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, thông qua Quỹ ủy thác của UNESCO, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ 100 ngàn đô la Mỹ trùng tu công trình Ngọ Môn. Đây là tài trợ rất có ý nghĩa với Cố đô Huế. Tiếp đó, rất nhiều các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đã được mở ra khá toàn diện trong lĩnh vực trùng tu bảo tồn di sản, đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

Trong các kỳ Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, nhiều hoạt động văn hóa phong phú và thiết thực đã được hai bên phối hợp tổ chức thành công, huy động được sự tham gia của nhiều địa phương, đoàn nghệ thuật của Nhật Bản đến biểu diễn và các đối tác đến từ Nhật Bản, như: Chương trình giới thiệu trang phục truyền thống và ẩm thực Nhật Bản của thành phố Saijo, triển lãm Ningyo – Nghệ thuật và vẻ đẹp của Búp bê Nhật Bản, Lễ dựng bia tưởng niệm cụ Phan Bội Châu, triển lãm ảnh, chương trình chiếu phim và chương trình tọa đàm “Mối quan hệ thắm thiết Việt Nam - Nhật Bản”; chương trình biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế tại Nhật Bản... Thông qua các hoạt động đó, đã tăng cường sự giao lưu hiểu biết, trao đổi văn hóa giữa hai dân tộc, cũng như nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại giữa Thừa Thiên Huế với Nhật Bản.

Trong thời gian qua, hợp tác du lịch Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực thúc đẩy trao đổi khách du lịch hai nước. Trên nền tảng đó, thị trường khách du lịch Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ năm 2010 - 2015, số lượng khách du lịch Nhật Bản đến Thừa Thiên Huế có sự tăng trưởng ổn định và thường xuyên xếp thứ 8 trong top 10 của lượng du khách quốc tế đến Huế. Từ năm 2010 - 2017, số lượng khách du lịch Nhật Bản đến Thừa Thiên Huế có sự tăng trưởng ổn định. Trung bình mỗi năm tỉnh thu hút được 30.708 lượt khách (chiếm 4,30%), xếp thứ 7 trong top 10 của lượng du khách quốc tế đến Huế. Gần đây, do ảnh hưởng của dịch Civid-19 lên toàn cầu nên số du khách Nhật Bản đến Huế trong năm 2020 ước đạt 8,959, đứng thứ 12 thị trường khách du lịch quốc tế, chiếm 2,2% thị phần. Năm 2021, số lượng khách du lịch Nhật Bản chỉ đạt 1.239, chiếm 6.1%, đứng thứ 5 thị trường du lịch quốc tế. Trong ba tháng đầu năm 2022, số lượng khách du lịch Nhật Bản đạt 320 khách, chiếm 1.7%, đứng thứ 3 thị trường du lịch quốc tế. Quan hệ phát triển du lịch cũng được hợp tác phát triển trên nhiều mặt, nhất là các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của Thừa Thiên Huế tại Nhật Bản, như: tham gia Hội chợ du lịch quốc tế JATA được tổ chức thường niên tại Tokyo; tham gia lễ hội văn hóa du lịch do Trung tâm ASEAN - Nhật Bản tổ chức; phối hợp với Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines tổ chức những roadshow lớn tại ba thành phố của Nhật Bản là Osaka, Nagoya và Tokyo; phối hợp tổ chức lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành và Vietnam Airlines đón các đoàn khảo sát về du lịch từ Nhật; xây dựng website quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam bằng tiếng Nhật…

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Đại học Huế đã phối hợp ký kết với nhiều trường đại học của Nhật Bản, như: Đại học Yamnashi, Đại học Shimane, đại học của thành phố Fukuroi... Nội dung chủ yếu là về trao đổi sinh viên, học sinh, tăng cường mối quan hệ với các trường học có học sinh học tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh; hợp tác nghiên cứu và đào tạo, phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, trao đổi thông tin, tư liệu. Thông qua các văn bản ký kết hợp tác, nhiều hoạt động trao đổi giáo viên, sinh viên, hợp tác nghiên cứu và đào tạo, phối hợp tổ chức các hoạt động học thuật, trao đổi thông tin, tài liệu, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu phục vụ cho công tác đào tạo và giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, y tế, an ninh quốc phòng đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác quốc tế của địa phương với các đối tác quốc tế.

Về lĩnh vực y tế, từ nguồn vốn ODA, Nhật Bản đã hỗ trợ tỉnh các dự án xây dựng Bệnh viện quốc tế với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD; xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn 30 triệu USD... Bệnh viện Trung ương Huế cũng như Trường Đại học Y Dược Huế đã có nhiều hoạt động giao lưu, tham quan, học hỏi, trao đổi học thuật trên lĩnh vực y học với các trường đại học của Nhật Bản, như: Đại học Metropolitan, Đại học Y khoa Nara, Đại học Y khoa Kyoto, Đại học Cheju Halla... Bên cạnh đó, một số công ty của Nhật Bản cũng đã đến tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác trên lĩnh vực y tế, như: Công ty Cổ phần Global Network Japan và Công ty sản xuất thực phẩn chức năng Fukoidan Okinawa hợp tác nghiên cứu sản xuất thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng dựa vào nguồn nguyên liệu thảo mộc tại địa phương; Tập đoàn IGL tìm kiếm cơ hội đầu tư trung tâm an dưỡng và chăm sóc y tế cho người cao tuổi...

Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lao động lớn của tỉnh. Theo số liệu thống kê năm 2021, toàn tỉnh có 492 công dân đi làm việc nước ngoài, trong đó có có 406 lao động làm việc tại Nhật Bản. Tính đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có 831 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng, trong đó thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản tiếp tục chiếm số đông với 692 người đăng ký đi làm việc, tập trung vào các ngành nghề: hộ lý, xây dựng, cơ khí, may mặc...

Các hoạt động đối ngoại nhân dân đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế với nhân dân các địa phương Nhật Bản, nhằm củng cố môi trường hòa bình, tinh thần đoàn kết, hữu nghị nhân dân, tạo dựng hình ảnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Giai đoạn 2016 - 2022, Hội hữu nghị Việt - Nhật của tỉnh đã đón tiếp 56 đoàn, với hơn 1.000 lượt người đến giao lưu văn hóa, giáo dục, thể thao, thực hành nghề nghiệp, homestay trải nghiệm và tìm hiểu về hoạt động của tổ chức Công đoàn, triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm hiểu thị trường để triển khai các hoạt động kinh doanh, thu hút nguồn nhân lực có trình độ, giao thương các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống… Qua đó, đã phối hợp tổ chức ngày hội giới thiệu và giao lưu văn hóa Nhật Bản cho học sinh - sinh viên đang học tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh về văn hóa ẩm thực, trà đạo, kimono, origami… và một số trò chơi dân gian khác. Thông qua các buổi giao lưu văn nghệ, các Chi hội thành viên đã thành lập các câu lạc bộ đặc trưng văn hóa Nhật Bản, như: Câu lạc bộ Manga - Animei, Câu lạc bộ Yosakoi của Đại học Ngoại ngữ Huế, Câu lạc bộ tiếng Nhật của trường THCS Nguyễn Tri Phương, trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ…

Các địa phương của Nhật Bản cũng đã có nhiều hoạt động nhằm tăng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, như: Hội hữu nghị Okinawa - Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Giao lưu tìm hiểu cơ hội việc làm tại Nhật Bản” cho sinh viên Huế; Học viện Nhật ngữ Osafune, thành phố Okayama, Văn phòng Nhật Bản thuộc Hiệp hội hỗ trợ thực tập và du học tại Nhật Bản đến thăm và làm việc về việc hợp tác thúc đẩy việc du học của học sinh, sinh viên Việt Nam tại Nhật; Công ty TNHH Asing, Osaka làm việc với Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế để tìm hiểu nguồn nhân lực chuyên ngành cơ khí và cơ hội làm việc tại các công ty của Nhật Bản... Nhiều tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản xúc tiến hợp tác trên các lĩnh vực, như: Cộng đồng Liên vùng Union - Tokyo đến thăm và đặt vấn đề hợp tác trên các lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, lịch sử, xây dựng, bảo hiểm và thuế; Quỹ phúc lợi ý tế Xã hội tại Nhật Bản xúc tiến hợp tác thương mại với Trường Đại Học Y Dược Trường Cao Đẳng Y tế Huế; Hợp tác xã Solution, Osaka đến thăm và làm việc với Hiệp hội nghề cá Hạt Châu, thị trấn Thuận An để đặt vấn đề hợp tác phát triển ngành nghề nuôi cá Nóc và cá Mú chất lượng cao để xuất khẩu cho thị trường Nhật Bản; làm việc với Hội hữu nghị Okinawa - Việt Nam, Hiệp hội Công thương Noshito, tỉnh AkitaCông tác vận động, quan hệ và tổ chức thực hiện các dự án phi chính phủ nước ngoài của Nhật Bản cũng được tỉnh chú trọng. Nhiều chương trình, dự án về hỗ trợ y tế cộng đồng, phát triển nông thôn tổng hợp và bền vững dựa và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, giải quyết hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, an sinh xã hội và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ… đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm tốt công tác an sinh xã hội và giúp nhiều bộ phận nhân dân được hưởng lợi từ các chương trình, dự án. Tiêu biểu có Dự án “Giảm thiểu nguy cơ bom mìn còn sót lại tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do Đại sứ quán Nhật Bản và Tổ chức rà phá bom mìn Đan Mạch (DDG) Việt Nam, Quỹ A.P. Møller Support Foundation (Đan Mạch) hỗ trợ, với nguồn vốn 1,2 triệu USD (tương đương 27 tỷ đồng), thực hiện từ 2017 - 2019, nhằm thiết lập quan hệ hợp tác để xử lý các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh; góp phần nâng cao an toàn cho con người và phát triển kinh tế - xã hội tại các cộng đồng bị ảnh hưởng, thông qua chương trình rà phá bom mìn nhân đạo (HMA), triển khai tại địa bàn 10 xã thuộc huyện miền núi A Lưới và các khu vực ưu tiên khác theo đề xuất của tỉnh. Dự án “Phát triển cộng đồng bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ven phá Tam Giang” do tổ chức SODI tài trợ, được triển khai tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, triển khai các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, môi trường và sinh thái, tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực với điểm nhấn là Hội thi sân khấu cộng đồng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu...

*

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023) là dịp để củng cố, xây đắp, gìn giữ và tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp này cho các thế hệ tương lai, biến nó trở thành hình mẫu chưa từng có của sự gắn bó chân thành, hài hòa và bền vững của hai nước, giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương Nhật Bản, trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau. Trên cơ sở những nét tương đồng về văn hóa cũng như lợi ích, bằng những hành động thiết thực, chắc chắn mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, tương xứng với tầm vóc cần có của mối quan hệ đối tác chiến lược cũng như truyền thống tốt đẹp vốn có của quan hệ hữu nghị giữa hai nước./.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY THỪA THIÊN HUẾ


[1] Bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chuyến thăm Nhật Bản - “Tầm nhìn về phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh Châu Á”, tháng 9/2015.

[2] Khi trả lời phỏng vấn của hãng truyền thông của Nhật Bản, tháng 6/1966.

/*** js CHAN TRANG ***/