“TẠI SAO MÁC ĐÚNG?” HAY LÀ SỰ KHẲNG ĐỊNH: “CHỦ NGHĨA MÁC DỨT KHOÁT ĐÚNG!”


Cuốn sách Tại sao Mác đúng? của tác giả Terry Eagleton - giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lancaster, Vương quốc Anh viết và được Alex Callinices, Philip Carperter, Ellen Meiksins Wood - là những giáo sư chính trị của Anh, Mỹ đọc và góp ý. Cuốn sách đã được Trường Đại học Tổng hợp Yale, một trường đại học danh tiếng của Mỹ lựa chọn xuất bản đầu năm 2011. Đây là một cuốn sách gây nhiều chú ý của công luận. Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách đã nhận được nhiều bình luận, phê bình, nhận xét, đánh giá của giới học giả và báo chí trên thế giới, nhưng tựu trung có hai quan điểm khác nhau. Những người phê bình cuốn sách cho rằng nội dung cuốn sách “thiếu sự chính xác mang tính logic, sử dụng nhiều mỹ từ hay đầy tham vọng về tri thức” (báo Người quan sát, ngày 29/5/2011). Còn bài bình luận đăng trên báo Guardian, ngày 21/5/2011 cho rằng cuốn sách đã “né tránh sự phê phán kinh tế chính trị”. Trong khi đó, rất nhiều người ủng hộ Terry Eagleton lại hết lời ca ngợi cuốn sách. Tờ Financial Times ra ngày 27/5/2011 cho rằng, tác giả cuốn sách xứng đáng là ứng viên giải Nobel Kinh tế vì đã “làm sống lại C. Mác” và khẳng định rằng, “cách tiếp cận của C. Mác là cách xem xét tốt nhất đối với chủ nghĩa tư bản”. Bài bình luận của tạp chí Socialist Review số ra tháng 6/2011 viết: “Cuốn sách này rõ ràng nhằm tới những người lần đầu tiên tiếp cận sâu những tư tưởng của Mác... Nhưng cuốn sách nhỏ này giúp trang bị cho những người xã hội chủ nghĩa thế hệ mới những tư tưởng cần thiết để giành thắng lợi trong trận chiến sắp tới”. Một bài bình luận đăng trên www.socialistalternative.org viết: “Cuốn sách ra đời rất đúng lúc khi người ta đang phê phán chủ nghĩa Mác là “lạc hậu” và “không phù hợp”, không thể gắn nó với những vấn đề kinh tế và chính trị đương đại. Terry Eagleton đã đưa ra sự điều chỉnh rất cần thiết cho quan điểm thiếu hiểu biết này”...

Cho dù là phê phán hay ủng hộ nhưng với số lượng lớn những bài bình luận, nhận xét, phân tích, đánh giá, xuất hiện gần như cùng một lúc trên các phương tiện truyền thông đại chúng về tác phẩm Tại sao Mác đúng? của Terry Eagleton cũng cho thấy một sự thực rằng: Cuốn sách có sức hấp dẫn lớn đến mức nào!

Điều quan trọng là qua nội dung cuốn sách, Terry Eagleton thể hiện rõ quan điểm của mình là: Ông không chấp nhận định kiến cho rằng chủ nghĩa Mác đã chết và không cần phải nhắc đến nữa. Ông khẳng định Mác là người đầu tiên nhận biết được đối tượng lịch sử được biết đến là chủ nghĩa tư bản, chứng minh nó xuất hiện như thế nào, hoạt động theo quy luật nào và có thể đi đến chỗ kết thúc ra sao. Chủ nghĩa Mác từ khi ra đời và trong quá trình phát triển của nó luôn là sự phê phán quyết liệt nhất về mặt lý luận, phong phú nhất về mặt thực tiễn, không khoan nhượng nhất về mặt chính trị đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chính vì thế mà Mác cũng nhận được nhiều sự ca ngợi và đồng thời là nhiều sự phê phán, chống đối. Tác giả cuốn sách đã lựa chọn 10 vấn đề - sự phê phán phổ biến nhất đối với Mác để phân tích, lý giải, đưa ra những minh chứng vững vàng nhằm phản bác và đi đến khẳng định sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác. Những vấn đề được tác giả lựa chọn để phản bác đã cơ bản phản ánh đầy đủ các bình diện xã hội lịch sử của chủ nghĩa Mác, đã đặt chủ nghĩa Mác dưới nhiều góc nhìn, lát cắt khác nhau để luận giải và trả lời câu hỏi: Tại sao Mác đúng? Có thể khái quát nội dung phản bác 10 vấn đề đó như sau:

Vấn đề thứ nhất: “Chủ nghĩa Mác đã kết thúc, nó được coi là phù hợp trong thế kỷ XIX, không ăn nhập gì với xã hội phương Tây hậu hiện đại ngày càng không còn giai cấp và dễ dàng biến đổi về mặt xã hội như ngày nay...”.

Ở vấn đề này, Terry Eagleton khái quát rằng, hầu hết những phê phán đối với chủ nghĩa Mác đều tuyên bố là hệ thống tư bản chủ nghĩa thay đổi nhiều đến mức không còn nhận biết được so với hệ thống tư bản chủ nghĩa thời C. Mác nghiên cứu, nên tư tưởng của C. Mác không còn phù hợp. Những phê phán đối với C. Mác che đậy căn nguyên sâu xa rằng, chính chủ nghĩa Mác là sự phê phán chủ nghĩa tư bản một cách sâu sắc, toàn diện và khắt khe nhất; đó là sự phê phán duy nhất làm thay đổi bộ phận lớn của thế giới, thậm chí thay đổi cả thế giới. Những người phê phán C. Mác cố tình phớt lờ một điều rõ ràng là C. Mác luôn ý thức được bản chất không ngừng vận động của cái hệ thống tư bản chủ nghĩa mà ông phản bác. Chính nhờ C. Mác mà loài người mới có được những khái niệm về các hình thái lịch sử khác nhau đã song hành hoặc kế tục nhau tồn tại của tư bản: tư bản thương mại, tư bản nông nghiệp, tư bản công nghiệp, tư bản độc quyền, tư bản tài chính, đế quốc,... C. Mác còn nhìn thấy trước được cái mà giờ đây chúng ta gọi là “toàn cầu hóa”. Tác giả đã dẫn số liệu phong phú để chứng minh cho sự chuyển đổi từ xã hội công nghiệp sang xã hội hậu công nghiệp, trong đó bao gồm chủ nghĩa tiêu dùng, truyền thông, công nghệ thông tin và các ngành dịch vụ. Ông còn chứng minh rõ ràng rằng sức khỏe của chủ nghĩa tư bản đang suy nhược do cạnh tranh quốc tế gia tăng khiến tỷ lệ lợi nhuận giảm sút, vắt kiệt nguồn đầu tư, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, khủng hoảng kinh tế kéo dài, nền dân chủ xã hội trở thành một sự lựa chọn chính trị cực đoan và đắt đỏ.

Terry Eagleton cho rằng, nguyên nhân gây mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác chính là sự cảm nhận dần dần về căn bệnh bất lực chính trị từ phía những người theo chủ nghĩa Mác chứ không phải từ bản thân hệ thống tư bản chủ nghĩa. Trên thực tế, trật tự xã hội tư bản chủ nghĩa ngày càng cực đoan và tàn nhẫn. Tư bản bị tập trung nhiều hơn vào trong tay một số ít người và ngày càng mang tính cướp đoạt chủng tộc. Ngày càng lan rộng tình trạng ngu si văn hoá, nguy cơ đẩy loài người vào cuộc chiến tranh hủy diệt, thậm chí có thể quét sạch loài người ra khỏi trái đất với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. C. Mác đã từng nhận xét rằng, giới hạn cuối cùng của chủ nghĩa tư bản chính là tư bản, mà quá trình tái sản xuất không ngừng của tư bản là ranh giới mà chủ nghĩa tư bản không thể vượt qua.

Từ những luận giải trên, Terry Eagleton khẳng định rằng, sự phê phán của C. Mác đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng giống với quan điểm này, tác giả Fredric Jameson trong cuốn sách Hệ tư tưởng của học thuyết, xuất bản năm 2008 ở London từng viết: “Chủ nghĩa Mác dứt khoát đúng”.

Vấn đề thứ hai: “Chủ nghĩa Mác có thể rất đúng đắn về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn thì kết quả lại là khủng bố, độc tài và giết người hàng loạt...

Chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với thiếu tự do, nó còn đồng nghĩa với thiếu hàng hóa, bởi vì đây chắc chắn là hậu quả của việc xóa bỏ thị trường...”.

Để phản bác sự phê phán trên, Terry Eagleton đã minh chứng và lý giải bằng cả lý luận và thực tiễn rằng, có sự phê phán về chủ nghĩa Mác như trên là do: Sự non kém về lý luận, cách nhìn phiến diện, chụp mũ, lấy một vài hiện tượng, một vài mô hình trong thực tiễn không đúng với học thuyết của Mác để đổ lỗi cho C. Mác sai. Vì chính C. Mác cũng không bao giờ hình dung chủ nghĩa xã hội lại có thể hoàn thành ở một số nước lẻ tẻ, không có hệ thống và những nước đó đang trong tình trạng nghèo khổ cùng cực. Đây là một nghịch lý khi mà mô hình chủ nghĩa xã hội thời bao cấp lại cung cấp bằng chứng cho tính hợp lý của chủ nghĩa Mác chứ không phải bôi nhọ học thuyết của C. Mác. Terry Eagleton chứng minh, nếu cho rằng chủ nghĩa xã hội là bất cập, thiếu tự do, nghèo đói, bóc lột thì chủ nghĩa tư bản - có lúc đạt được hiệu quả, nhưng nó làm được điều đó bằng cái giá kinh hoàng của nhân loại. Đó là sự mất tự do được ngụy tạo bằng hình thức tự do; là bất công trong cách phân biệt giàu nghèo ngày càng gia tăng; là nạn diệt chủng, nạn phân biệt chủng tộc; là cưỡng bức, tước đoạt, áp đặt, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, vô trách nhiệm với sự tồn vong của nhân loại... Tức là, con đường tư bản chủ nghĩa đang đi cũng là đang đe dọa phá hủy toàn bộ hành tinh này.

Thực chất thì, như Terry Eagleton khẳng định, “Những nhà nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử chiếm đoạt nô lệ, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm... Chủ nghĩa tư bản cũng được tôi luyện trong máu và nước mắt, chỉ có điều nó đã tồn tại đủ lâu để người ta quên đi nỗi khủng khiếp đó”.

Do đó, để loài người có được bước phát triển cao hơn, an toàn, công bằng hơn về vật chất và tinh thần thì cần phải có một hình thái xã hội khác cao hơn xã hội tư bản.

Vấn đề thứ ba: “Chủ nghĩa Mác là một hình thức của thuyết quyết định luận,... Học thuyết về lịch sử của C. Mác chỉ là một phiên bản thể tục của thuyết quyết định luận. Nó công kích sự tự do và phẩm giá của con người đúng như những gì đã xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Bằng biện giải và chứng cứ thực tiễn, Terry Eagleton đã bộc lộ ngụ ý cho rằng: C. Mác không phát minh ra chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản mà chính phong trào chống áp bức, bóc lột của giai cấp công nhân ở châu  u đã đạt tới tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong thời đại ông sống. Các khái niệm về giai cấp xã hội, ý niệm về giai cấp vô sản cũng là những sản phẩm khoa học quen thuộc của nhiều nhà tư tưởng thế kỷ XIX như Hêghen, William Thompson. C. Mác chỉ là người đã định nghĩa lại một cách cẩn trọng, tỉ mỉ toàn bộ những khái niệm ấy. Trong hệ tư tưởng của C. Mác có hai học thuyết chính. Một là, vai trò cơ bản của kinh tế trong đời sống xã hội. Hai là, ý niệm về sự kế tiếp nhau của phương thức sản xuất trong suốt quá trình lịch sử.

Terry Eagleton đã phân tích đầy sức thuyết phục về sự cần thiết phải hiểu đúng, hiểu đủ về tuyên bố nổi tiếng của C. Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản rằng: “Lịch sử của tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Ở đây phải hiểu đúng tư tưởng của C. Mác rằng, đấu tranh giai cấp là phần cơ bản nhất, là động lực trực tiếp của lịch sử nhân loại.

Terry Eagleton nêu nhiều cứ liệu lịch sử để luận giải mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, khẳng định sự chiến thắng của lực lượng sản xuất trước quan hệ sản xuất, từ đó đi đến khẳng định tư tưởng của C. Mác về sự sụp đổ của giai cấp tư sản và chiến thắng của giai cấp công nhân là “tất yếu như nhau”. Và như vậy, một khi chủ nghĩa tư bản hoàn toàn thất bại thì tất yếu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sẽ chiến thắng, nhưng không phải “ngủ yên” như thuyết quyết định luận để chiến thắng mà phải hành động và hành động sáng tạo để làm nên lịch sử. Đây là yếu tố khác nhau cơ bản giữa học thuyết Mác và thuyết quyết định luận.

Vấn đề thứ tư: “Chủ nghĩa Mác là giấc mơ về xã hội không tưởng. Nó đặt niềm tin vào một xã hội hoàn hảo, không có khổ cực, đau buồn, bạo lực và mâu thuẫn... Cách nhìn nhận ngây thơ một cách đáng ngạc nhiên này bắt nguồn từ niềm tin ấu trĩ vào bản chất con người. Người ta đơn giản cho rằng, cái xấu xa trong con người không tồn tại... Chính viễn cảnh ngây ngô của C. Mác về tương lai phản ánh sự phi thực tế đến vô lý trong toàn bộ hệ thống quan điểm chính trị của ông”.

Tác giả cuốn sách Tại sao Mác đúng? đã phân tích từ góc độ nhận thức luận về quá khứ, hiện tại, tương lai để khẳng định rằng sự phê phán C. Mác về những vấn đề trên là không đúng. Terry Eagleton đã phân tích, chỉ ra sự khác nhau giữa C. Mác và những nhà triết học không tưởng khác. Theo ông, C. Mác có kế thừa các nhà triết học không tưởng như Fourier, Saint Simon và Robert Owen nhưng ông phản đối tư tưởng của họ trên nhiều chiều cạnh, trong đó có vấn đề cốt yếu là niềm tin của những nhà triết học không tưởng về việc giành thắng lợi trước đối thủ chỉ toàn bằng sức mạnh của lý lẽ. Xã hội đối với họ là một cuộc đấu tranh tư tưởng chứ không phải là cuộc đấu tranh vì lợi ích vật chất. Terry Eagleton cũng lược khảo cách nhìn về tương lai không đúng đắn của nhiều học giả khác. Từ đó khẳng định rằng, vấn đề đối với C. Mác không phải là mơ mộng về một tương lai tốt đẹp mà là giải quyết mâu thuẫn hiện tại đang cản trở sự xuất hiện của một tương lai tốt đẹp hơn. C. Mác khẳng định, “tương lai là tất yếu”. Ông phác thảo ra một tương lai mà hình ảnh thật sự của tương lai (xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa cộng sản) chính là sự thất bại của hiện tại. Ở tương lai đó, nội dung sẽ nhiều hơn hình thức.

Terry Eagleton so sánh những nhà tư tưởng có những quan điểm khác nhau về sự phát triển của lịch sử loài người, về bản chất của con người. Ông khẳng định rằng, C. Mác luôn tin vào bản chất thực sự của con người và tin con người có thể biến đổi những điều kiện hiện tồn của mình trong quá trình mà ta gọi là lịch sử. Khi làm được điều đó, con người sẽ biến đổi, hoàn thiện chính mình. Tức là, thay đổi không phải là mặt đối lập của bản chất con người, vì con người là loài sáng tạo, cởi mở và chưa hoàn thiện cho nên con người luôn khát vọng vươn tới tương lai tốt đẹp hơn.

Nếu người ta phê phán khái niệm bình đẳng trong chủ nghĩa xã hội, thì Terry Eagleton đã chỉ ra rằng, “Chủ nghĩa xã hội không phải là tất cả mọi người đều mặc cùng một bộ quần áo may sẵn. Chính chủ nghĩa tư bản tiêu dùng đã khoác những bộ đồng phục lên công dân của mình..”. Và cuối cùng, ông mượn lời của một tác giả khác Theodor Adorno để trả lời sự phê phán C. Mác là nhà triết học không tưởng: “C. Mác là kẻ thù của không tưởng chính vì tính hiện thực trong tư tưởng của ông”.

Vấn đề thứ năm: “Chủ nghĩa Mác quy mọi vấn đề về kinh tế. Chủ nghĩa Mác chỉ là một dạng của thuyết quyết định luận về kinh tế... Khi quan điểm của C. Mác bị chi phối bởi kinh tế học như vậy, C. Mác đã trở thành một hình ảnh nghịch đảo về hệ thống tư bản chủ nghĩa mà ông từng lên án”.

Tác giả Terry Eagleton đã minh chứng và luận giải rằng, những người phê phán chủ nghĩa Mác đã mạo danh các loại học thuyết như: thuyết đa nguyên, thuyết quyết định luận kinh tế, thuyết kinh tế về lịch sử, thuyết giản hóa luận kinh tế,... để cho rằng chủ nghĩa Mác quy mọi vấn đề về kinh tế rõ ràng là cố chấp, “đơn giản hóa vô lý và lố bịch”. Ông đã lược khảo các tác phẩm của C. Mác, phân tích từng khía cạnh tư tưởng của C. Mác, trên cơ sở đó chỉ ra rằng, theo C. Mác, hoạt động mang tính lịch sử đầu tiên chính là sản xuất ra các phương tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người. Sau đó con người mới học để chơi đàn banjo, viết nên những vần thơ trữ tình hay trang hoàng những mái vòm. Cơ sở của văn hoá chính là lao động. Không có hoạt động sản xuất vật chất thì không có nền văn minh. Chính cách thức con người sản xuất ra đời sống vật chất của mình sẽ đặt ra giới hạn cho các thiết chế văn hoá, luật pháp, chính trị và xã hội mà con người tạo ra. C. Mác nói tổng quát hơn trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức: “Giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống trị của xã hội ấy”.

Terry Eagleton đã nêu ra hàng loạt dẫn chứng để đi đến xác tín rằng: Chính chủ nghĩa tư bản chứ không phải chủ nghĩa Mác mới theo thuyết giản hóa luận kinh tế. Chỉ có chủ nghĩa tư bản mới tin vào sản xuất vì lợi ích đơn thuần và tin vào nội hàm hẹp hơn của khái niệm “sản xuất”.

Terry Eagleton cũng phân tích kỹ Học thuyết lịch sử của C. Mác, phân tích rõ mối quan hệ giữa kinh tế và đấu tranh giai cấp, tìm hiểu kỹ quan niệm của C. Mác về cuộc sống con người trong xã hội xã hội chủ nghĩa - đó là cuộc sống tốt đẹp, trong đó lao động được giải phóng khỏi sự nhọc nhằn, “khổ sai”, để trở thành nhu cầu sống lành mạnh của con người. Nói cách khác, chính C. Mác là người “mong muốn một xã hội mà trong đó kinh tế không còn chi phối và tiêu tốn nhiều thời gian và sức lực nữa”. Từ những luận giải đó, Terry Eagleton khẳng định rõ rằng, cách hiểu chủ nghĩa Mác quy mọi vấn đề về kinh tế là “sự đơn giản hóa chủ nghĩa Mác một cách ngớ ngẩn”.

Vấn đề thứ sáu: “C. Mác là một nhà duy vật đơn thuần... Ông không quan tâm đến các khía cạnh tinh thần của con người và coi ý thức của con người là sự phản ánh của thế giới vật chất... Chủ nghĩa Mác làm cạn kiệt hết tất cả những gì quý giá nhất thuộc về con người, thu gom chúng ta thành một mớ lổn nhổn vật chất bị chi phối bởi ngoại cảnh của chúng ta.”

Terry Eagleton đã dành nhiều công sức khảo cứu các trào lưu tư tưởng triết học trước C. Mác, đặc biệt là tư tưởng của các nhà duy vật thời kỳ khai sáng thế kỷ XVIII. Ông phân tích kỹ mối quan hệ giữa thể xác với tư duy của con người, mối quan hệ giữa tồn tại xã hội với ý thức xã hội, mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng; phân tích kỹ những ngộ nhận về duy vật lịch sử, duy vật biện chứng và sự vu khống chủ nghĩa Mác liên quan đến những vấn đề này. Từ đó, Terry Eagleton khẳng định rằng, C. Mác là một trong những bộ óc vĩ đại nhất thời hiện đại. C. Mác đặc biệt dị ứng với những ý tưởng ngông cuồng. Ông là một nhà tư tưởng lãng mạn nhưng luôn cảnh giác trước những gì trừu tượng, đồng thời luôn luôn say sưa với những gì cụ thể, rõ ràng. Học thuyết Mác không chỉ là sự giải thích thế giới, mà quan trọng hơn, nó còn là công cụ để cải tạo thế giới, làm cho con người phát triển từ vương quốc tất yếu sang vương quốc tự do.

Đó chính là cái làm nên sự khác biệt và cũng đồng thời là sự vĩ đại của học thuyết Mác, điều mà chính ông đã nói đến trong luận cương thứ mười một về Feuerbach.

Terry Eagleton còn chứng minh, C. Mác là một nhà tư tưởng đạo đức xuất chúng. Theo C. Mác, cái thứ đạo đức thống soái trong xã hội tư bản - cái tư tưởng cho rằng “tôi sẽ chỉ phục anh chừng nào tôi được lợi” - là phong cách sống đáng ghê tởm. Những phân tích và chứng minh đó cũng đồng thời là cơ sở để khẳng định, tư tưởng của C. Mác về tôn giáo và tâm linh cũng vượt lên trên những ngộ nhận về chủ nghĩa duy vật trong hệ thống triết học của C. Mác.

Vấn đề thứ bảy: “Nỗi ám ảnh chán ngắt về giai cấp đã khiến chủ nghĩa Mác quá ư lạc hậu. Những người theo chủ nghĩa Mác dường như đã không để ý rằng hình ảnh giai cấp xã hội đã thay đổi không còn nhận ra so với ngày C. Mác viết tác phẩm của mình...”.

Để phản bác có sức thuyết phục sự phê phán đối với chủ nghĩa Mác về vấn đề này, Terry Eagleton đã đi sâu phân tích nhận thức về giai cấp. Ông luận giải về lịch sử hình thành giai cấp trong xã hội, về các giai cấp và bản chất cơ bản của các giai cấp; về các quan điểm, nhận thức khác nhau về khái niệm giai cấp, giai cấp xã hội. Từ những sự minh giải trên, tác giả khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác không định nghĩa giai cấp theo phong cách sống, địa vị, thu nhập, giọng nói, nghề nghiệp hay tình trạng gia đình. Với C. Mác, giai cấp không phải là vấn đề anh cảm thấy thế nào mà là anh đang làm gì, anh đang đứng ở đâu trong một phương thức sản xuất cụ thể.

Terry Eagleton luận giải về quá trình hình thành giai cấp công nhân, khẳng định chủ nghĩa Mác không đặt trọng tâm vào giai cấp công nhân chỉ vì nhìn thấy một số ưu điểm của lao động, cũng không đặt tầm quan trọng chính trị vào giai cấp công nhân vì họ được cho là bị chà đạp nhất trong các nhóm xã hội, mà điểm quyết định nhất chính là giai cấp công nhân có được vị trí trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Vì ở trong hệ thống đó nên giai cấp công nhân quen với cách làm việc được chủ nghĩa tư bản tổ chức, trở thành một lực lượng có kỹ năng, có ý thức tập thể và chính trị tỉnh táo. Họ là những người không thể thiếu được đối với sự thành công của chủ nghĩa tư bản nhưng lại có lợi ích vật chất bị chủ nghĩa tư bản làm cho suy giảm. Chính họ mới có khả năng tiếp quản và vận hành nền sản xuất vì lợi ích của tất cả mọi người, mang sứ mệnh thủ tiêu chủ nghĩa tư bản và giải phóng tất cả mọi người.

Terry Eagleton cũng phân tích rõ những tiên liệu của C. Mác về sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ làm gia tăng quá trình vô sản hóa những nhà chuyên môn, cùng với tình trạng tái vô sản hóa rất nhiều công nhân công nghiệp. Và như vậy, lực lượng giai cấp công nhân sẽ ngày càng lớn mạnh hơn nhiều. Vậy nên luận thuyết về sự tiêu vong của giai cấp công nhân là một sự phóng đại thái quá, phi thực tế.

Vấn đề thứ tám: “Những người mácxít là những người cổ vũ cho hành động chính trị bạo lực. Họ không tán thành biện pháp cải cách dần dần và ôn hòa, mà thay vào đó là sự lựa chọn những cuộc hỗn loạn cách mạng vấy máu. Chỉ có một lực lượng thiểu số giai cấp tiên phong sẽ vùng lên, lật đổ chính phủ và áp đặt ý chí của mình lên đại đa số. Đây là một trong số những điều khiến cho chủ nghĩa Mác và dân chủ không thể song hành tồn tại”.

Để phản bác lại sự vu khống này, Terry Eagleton đã phân tích rõ khái niệm cách mạng và cải cách, vạch rõ mối liên hệ, sự giống và khác nhau giữa hai khái niệm này. Ông dẫn chứng hàng loạt cứ liệu từng có trong lịch sử để chứng minh rằng, rất nhiều cuộc cải cách - thường được coi là hòa bình, ôn hòa - lại làm bùng lên xung đột, đẫm máu, như phong trào dân quyền ở Mỹ. Ngược lại, rất nhiều cuộc cách mạng - thường được coi là bạo lực lại diễn ra khá hòa bình như cuộc cách mạng Bônsêvich ở Nga năm 1917. Từ những luận giải về những quan điểm ngụy biện chống lại cuộc cách mạng này nhưng lại ủng hộ cuộc cách mạng khác, ông khẳng định chủ nghĩa tư bản, từ bản chất của nó, luôn đồng hành với chiến tranh toàn cầu (Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai), với bóc lột thuộc địa, diệt chủng và nạn đói. Terry Eagleton so sánh “quá trình đẫm máu” của chủ nghĩa tư bản với những sai lầm về bạo lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa và khẳng định tính chất hòa bình của phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc tế. Ông cũng phân tích rõ những nguyên nhân, những điều kiện dẫn đến thành công của cách mạng xã hội chủ nghĩa và những điều kiện cũng như bài học từ thực tế lịch sử về vấn đề bạo lực cách mạng. Từ sự luận giải của mình, ông khẳng định, chính “những cuộc cách mạng có nhiều khả năng thành công nhất là những cuộc cách mạng ít bạo lực nhất” và “Phong trào công nhân không phải là bạo lực mà là chấm dứt bạo lực”.

Chụp mũ cho cách mạng xã hội chủ nghĩa tính chất bạo lực cũng không khác gì sự vu khống rằng “chủ nghĩa Mác và dân chủ không song hành tồn tại”. Terry Eagleton đã viện dẫn thực tiễn lịch sử phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới, phân tích, lý giải tư tưởng của C. Mác để phản bác sự vu khống đó và đi đến kết luận: “Những cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể là những cuộc cách mạng dân chủ. Chính giai cấp thống trị mới là nhóm thiểu số phi dân chủ”.

Vấn đề thứ chín: “Chủ nghĩa Mác tin vào một nhà nước nắm mọi quyền lực trong tay. Sau khi xóa bỏ tư hữu, những nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ thống trị bằng quyền lực và bạo lực, và quyền lực đó sẽ chấm dứt tự do cá nhân”.

Sức mạnh để phản bác lại những phê phán về C. Mác trong nhóm vấn đề trên là hiện thực không thiên vị trong tư tưởng của C. Mác, cả về lý luận và thực tiễn trong tiến trình lịch sử nhân loại. Để làm được điều này, Terry Eagleton đã luận giải khái quát các quan điểm về nhà nước của các nhà triết học trước C. Mác và cùng thời với C. Mác; luận giải quá trình đúc kết kinh nghiệm, hình thành, phát triển lý luận về nhà nước trong tư tưởng của C. Mác; phân tích những phê phán của C. Mác về sự hà khắc của nhà nước tư bản; minh chứng và luận giải đầy sức thuyết phục tư tưởng của C. Mác về quyền lực và quyền lực nhà nước nói chung, quyền lực nhà nước tư bản, quyền lực nhà nước cộng sản chủ nghĩa nói riêng. Ông chứng minh rằng, cái mà C. Mác hy vọng sẽ tiêu vong trong xã hội cộng sản chủ nghĩa không phải là nhà nước theo nghĩa là chính quyền trung ương mà là kiểu nhà nước với tư cách là một công cụ bạo lực. Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý hành chính sẽ tiếp tục sống mãi.

C. Mác tin tưởng vào quyền làm chủ của nhân dân và “hài lòng” với cái bóng lờ mờ của nhà nước được gọi là dân chủ nghị viện. Ông coi dân chủ là quá vĩ đại, không thể giao nó cho một mình quốc hội. Dân chủ phải có tính địa phương, mang tính nhân dân rộng rãi và xuất hiện ở tất cả các thể chế, các hình thức tự quản của xã hội. Nó phải được mở rộng cả trong đời sống kinh tế và đời sống chính trị; phải có nghĩa là sự tự chủ thực sự của nhân dân. Nhà nước mà C. Mác bảo vệ là sự cai trị của công dân đối với chính họ, không phải của thiểu số đối với số đông, tức là hòa tan nhà nước vào xã hội. Như thế tức là nhà nước không mang tính phe phái, một nhà nước công dân có tính tự giác cao. Điều này trái ngược hoàn toàn với những luận điểm phê phán chủ nghĩa Mác.

Vấn đề thứ mười: Chủ nghĩa Mác đã trở nên lỗi thời. Nó bị thay thế bởi các học thuyết khác như: phong trào nữ quyền, vấn đề bảo vệ môi trường, chính trị dân tộc, toàn cầu hóa, phong trào vì hòa bình,...

Terry Eagleton đã dày công khảo cứu các tác phẩm của C. Mác, sự hình thành, phát triển chủ nghĩa Mác trong thực tiễn, khảo luận lịch sử phát triển chủ nghĩa tư bản, vạch rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản để đi đến khẳng định rằng những người phê phán C. Mác là những người hoặc không hiểu tầng nghĩa sâu xa trong triết học Mác, hoặc không đọc hết các tác phẩm của ông, hoặc cố tình vu khống ông vì mục đích chính trị.

Terry Eagleton cũng luận giải cụ thể rằng, về các phong trào nữ quyền, vấn đề giới, phong trào giải phóng dân tộc, vấn đề giai cấp và dân tộc, phong trào đấu tranh vì hòa bình, đấu tranh bảo vệ môi trường, C. Mác đều có những đóng góp vượt trội trên cả bình diện tư tưởng và hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, trên bình diện lý luận thì tư tưởng của ông ngày nay vẫn luôn tỏa sáng. Nhiều trang viết trong tác phẩm của C. Mác cũng như chính thực tiễn phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã chỉ ra rằng, chính những người mácxít, chứ không phải ai khác, đã và đang trở thành đội quân tiên phong của các cuộc đấu tranh vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại. Đó là đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đấu tranh giải phóng phụ nữ, đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, đấu tranh bảo vệ môi trường... Khi vạch mặt, chỉ tên bản chất tàn phá sinh thái, sự chạy đua theo lợi nhuận, khả năng “không thể nào tạo dựng được hòa bình thế giới” của chủ nghĩa tư bản, Terry Eagleton không ngần ngại kêu gọi: “Nếu nhân loại chúng ta không hành động ngay từ bây giờ thì có lẽ chủ nghĩa tư bản sẽ là mồ chôn chính chúng ta”.

Dường như trong khi luận giải, chứng minh và phản bác những ý kiến, quan điểm bôi nhọ, vu khống và những âm mưu nhằm hạ bệ C. Mác cùng tư tưởng của ông, Terry Eagleton đã luôn luôn xuất phát từ một niềm tin không thể lay chuyển vào tính khoa học đúng đắn, tính chất nhân văn của C. Mác. Đó là một niềm tin được thành tạo bởi kiến thức văn hóa uyên thâm, sự hiểu biết sâu sắc, toàn diện về C. Mác, về chủ nghĩa Mác, cũng như sự chiêm nghiệm thực tiễn lịch sử ở những tầng nấc sâu xa, phong phú.

Cần lưu ý rằng, tác giả cuốn sách Tại sao Mác đúng? là giáo sư văn học nên nội dung cuốn sách được trình bày bằng bút pháp linh hoạt, gần gũi với phong cách ngôn ngữ nghị luận văn học hoặc chính luận báo chí hơn là cách diễn đạt mang tính chất luận lý chặt chẽ mà người ta thường thấy trong các tác phẩm lý luận chính trị của các nhà nghiên cứu. Nhiều chi tiết được tác giả trình bày bằng những hình ảnh ẩn dụ, sự so sánh với ngụ ý xa xôi và thậm chí cả những ngôn từ đôi khi mang lại cho người đọc cảm giác về sự hoa mỹ, khoa trương. Điều đó cũng mang lại những hạn chế nhất định do việc chuyển ngữ không thể chuyển tải đầy đủ, hoàn thiện về ngữ nghĩa và cả khó khăn cho người đọc trong việc tiếp nhận các nội dung trình bày với mạch cảm xúc phong phú của tác giả. Song nếu đọc kỹ, thì sẽ nhận ra rằng, đằng sau mỗi hình ảnh, mỗi ẩn dụ, mỗi sự so sánh, mỗi ngôn từ hoa mỹ mà tác giả Terry Eagleton lựa chọn dùng trong tác phẩm đều gợi mở cho người đọc suy nghĩ nhiều chiều và đặc biệt là đều ẩn chứa trong đó sự say sưa, nhiệt thành, một tấm lòng trân trọng, khâm phục của tác giả đối với C. Mác - một bậc thiên tài của nhân loại, cũng như đối với chủ nghĩa Mác mà “Trong suốt lịch sử nhân loại, chưa có một phong trào chính trị nào có tầm ảnh hưởng như phong trào mà C. Mác đã khởi xướng”. Hơn thế nữa, người ta vẫn có thể thấy rất rõ rằng, cuốn sách được viết ra với một sự tỉnh táo khoa học cần thiết, một thái độ trách nhiệm, không thiên vị và sự đánh giá lịch sử rõ ràng và công bằng.

Tại sao Mác đúng? ra đời vào thời điểm mà chủ nghĩa tư bản đang rung chuyển tận gốc rễ với cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với sự lúng túng về đường lối chính trị của nhiều chính thể tư bản bị quy định trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng nợ công đang phủ bóng u ám lên đời sống xã hội cả một khu vực rộng lớn của châu  u. Cho dù vậy, việc bảo vệ chủ nghĩa Mác đồng nghĩa với việc phê phán hệ thống tư bản chủ nghĩa ngay giữa thành trì của nó, cũng như việc phê phán những luận điểm, âm mưu chống C. Mác trước búa rìu dư luận ở châu  u và phương Tây cũng không phải là một việc dễ chịu. Điều đó cho thấy sự nhạy cảm chính trị và sự dũng cảm khoa học của tác giả.

Cũng cần phải lưu ý rằng, tác giả là một học giả phương Tây, không phải là người theo chủ nghĩa Mác (như chính tác giả thừa nhận) nên một số quan điểm, nhận xét trong tác phẩm còn mang tính cá nhân, có thể chưa hẳn đã hoàn toàn chặt chẽ về mặt học thuật, nhất là có những quan điểm không hoàn toàn phù hợp với quan điểm, tư tưởng của chúng ta. Tuy nhiên, xét về tổng thể có thể nói rằng, Tại sao Mác đúng? là một tác phẩm có giá trị tham khảo tốt, mang lại cho chúng ta thêm một cách nhìn mới, một cơ sở mới để củng cố niềm tin vào chủ nghĩa Mác với vai trò là nền tảng tư tưởng của công cuộc cách mạng xây dựng phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, cuốn sách cũng cho thấy một sự đánh giá trân trọng, phản ánh chiều dư luận tích cực trên thế giới, thể hiện thái độ đúng đắn, khách quan của thế giới trong việc kế thừa, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác vì sự phát triển tốt đẹp của nhân loại.


Một số vấn đề về cách mạng và đổi mới 

GS. TS. Tạ Ngọc Tấn

Nxb CTQG Sự Thật

/*** js CHAN TRANG ***/