BÀI HỌC LỊCH SỬ VÔ GIÁ

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc các buôn, thôn xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana

Từ thực tiễn cách mạng nước ta trong nhiều năm, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm rất quý báu,1 rất quan trọng, trong đó bài học thứ nhất là “Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”[1]. Đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Bài học “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” trước đây rất quan trọng, bây giờ càng quan trọng, đó là bài học lịch sử vô giá của cách mạng nước ta”[2].

Phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, chúng ta không thể không đi sâu nghiên cứu, quán triệt và vận dụng thật tốt bài học lịch sử vô giá mà Đảng ta đã nêu ra, chăm lo làm tốt công tác vận động quần chúng, củng cố và tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng.

Chúng ta đều biết, tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử. Ngay từ thế kỷ XV, mặc dù còn bị hạn chế bởi thời đại lịch sử, nhưng nhìn vào thực tế của nhiều triều đại phong kiến, Nguyễn Trãi đã rút ra được những kinh nghiệm quan trọng có tính quy luật: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại. Theo ông, sở dĩ triều hậu Trần suy vong là do các vua quan hậu Trần không thực hiện đúng chính sách “thân dân”, không làm theo lời căn dặn của Trần Hưng Đạo “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”; họ chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ “mặc dân khốn khổ”, “muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh”. Còn Hồ Quý Ly bị thất bại nhanh chóng, cơ đồ tan vỡ, nước mất vào tay giặc Minh cũng chỉ vì chính quyền nhà Hồ quá xa rời nhân dân, “chính sự phiền hà, để đến nỗi lòng dân oán giận”. Nguyễn Trãi rút ra kết luận thật sâu sắc: Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước; nước có thể “chở thuyền”, nhưng nước cũng có thể “lật thuyền”!

Chủ nghĩa Mác - Lênin dạy rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; đảng cộng sản muốn lãnh đạo cách mạng phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng; cách mạng muốn thắng lợi phải được đông đảo quần chúng ủng hộ. Lênin nhiều lần khẳng định: Nguồn gốc chủ yếu sức mạnh của Đảng là ở mối liên hệ mật thiết với quần chúng; đội tiên phong chỉ làm tròn được sứ mệnh lịch sử của mình một khi nó biết gắn bó với quần chúng mà nó lãnh đạo và thật sự dẫn dắt toàn thể quần chúng tiến lên. Người nhấn mạnh, đối với một đảng cầm quyền, “một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”[3]. Kinh nghiệm lịch sử của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã chứng minh rất rõ điều đó.

Suốt hơn nửa thế kỷ đấu tranh anh dũng và kiên cường, Đảng ta luôn luôn chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng. Và chính nhờ thế mà mặc dù với số lượng không đông, Đảng ta vẫn có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, dù đó là kẻ thù nguy hiểm và hung bạo nhất. Liên hệ mật thiết với quần chúng là truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh vô địch của Đảng ta. Báo cáo chính trị tại Đại hội IV của Đảng đã khẳng định: “Trong những chặng đường cách mạng vừa qua, Đảng ta và nhân dân ta đã kết thành một khối bằng những mối dây liên hệ máu thịt vô cùng bền chặt. Đảng ta hiểu rõ và hoàn toàn tin tưởng sức mạnh dời non lấp biển của nhân dân ta... Nhân dân ta cũng hiểu rõ Đảng ta và gửi gắm tất cả lòng tin vào Đảng. Trong cuộc trường chinh để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, ở đâu và lúc nào cũng có Đảng. Đảng đi đầu trong chiến đấu, Đảng xông pha nơi khó khăn. Đảng gắn bó với nhân dân bằng những gì Đảng đã làm cho sự nghiệp giải phóng đất nước”[4].

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, với quy mô, tầm vóc to lớn của cách mạng, với việc thiết lập chính quyền chuyên chính vô sản trong cả nước, với vai trò và trình độ làm chủ đất nước ngày càng cao của quần chúng nhân dân, Đảng ta có thêm điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng cường mối liên hệ với quần chúng. Nhưng mặt khác, trong hoàn cảnh lịch sử mới, với tính chất, phương thức lãnh đạo mới, mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng cũng có những đòi hỏi mới cao hơn và đứng trước thử thách mới rất phức tạp. Ngoài những khó khăn khách quan do chúng ta phải xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một điểm xuất phát quá thấp của một nước nông nghiệp lạc hậu chưa trải qua chủ nghĩa tư bản, lại bị mấy cuộc chiến tranh tàn phá rất nặng nề, ngày nay vẫn đang phải đối phó với âm mưu phá hoại của kẻ địch, về mặt chủ quan, chúng ta cũng phạm phải một số sai lầm, khuyết điểm trong việc chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện đường lối phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền khá phổ biến trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý, và cả trong các tổ chức chuyên trách công tác vận động quần chúng. Không ít cơ quan chính quyền không tôn trọng ý kiến của dân, không làm công tác vận động quần chúng, chỉ nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, có những biểu hiện hư hỏng, sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Do đó đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của quần chúng đối với Đảng, ảnh hưởng xấu đến mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Kẻ địch và các phần tử xấu đang lợi dụng tình hình này để kích động hòng chia rẽ Đảng và quần chúng, mưu toan phá vỡ sự thống nhất giữa Đảng và nhân dân. Trên thực tế, ở nơi này nơi khác không phải chúng không đạt được những kết quả nhất định.

Một số đồng chí không thấy hết tầm quan trọng của vấn đề, lầm tưởng rằng đó là những hiện tượng khó tránh khỏi trong điều kiện Đảng cầm quyền; có người quên mất rằng liên hệ với quần chúng là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng, là điều kiện tất yếu trong cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

*

* *

Liên hệ với quần chúng là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của đảng cộng sản. Nhưng cũng như các quy luật xã hội khác, quy luật này chỉ phát huy tác dụng thông qua hoạt động tự giác của chủ thể - trong trường hợp này là đảng cộng sản, người đã nhận thức được quy luật khách quan và cố gắng hoạt động sao cho phù hợp với quy luật khách quan đó. Điều đó có nghĩa là mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng có bền vững hay không, Đảng mạnh hay không mạnh là tùy thuộc trước hết vào sự nỗ lực chủ quan của chính ngay bản thân đảng cộng sản.

Hiện nay, vấn đề có ý nghĩa quyết định tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của quần chúng; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng; củng cố và xây dựng tổ chức đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Chăm lo lợi ích, hạnh phúc của quần chúng lao động là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng. Phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân là lẽ sống của mỗi người cộng sản. Trong điều kiện hòa bình xây dựng, chăm lo đời sống nhân dân là mục đích trực tiếp, là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng và các cơ quan nhà nước, là vấn đề quyết định sự tín nhiệm và sự gắn bó của quần chúng đối với Đảng, là một động lực to lớn tạo ra phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Kinh nghiệm thực tế ở các nước xã hội chủ nghĩa đã chỉ ra rằng, có chăm lo đầy đủ lợi ích của nhân dân lao động mới thúc đẩy người lao động sản xuất và công tác tốt hơn; người lao động sẽ gắn bó chặt chẽ với Đảng, với Nhà nước, với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm qua, với khẩu hiệu “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều cố gắng chăm lo đời sống nhân dân. Đảng luôn luôn coi việc bảo đảm và cải thiện đời sống nhân dân là trách nhiệm to lớn thường xuyên của mình. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng có những chính sách còn chưa thật đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng, trình độ của nhân dân; có những địa phương, những cơ sở chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp thật tích cực để phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân. Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với nhân dân, nhẫn tâm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Trên thực tế, họ đã xa rời nhân dân, sớm quên đi những ngày tháng sống đồng cam cộng khổ với quần chúng, được quần chúng che chở, bảo vệ. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của quần chúng, là điều quần chúng cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội VI của Đảng đã chỉ rõ: “Nhân dân ta rất cách mạng, có những phẩm chất rất quý báu. Trải qua trên nửa thế kỷ chiến đấu liên tục, chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ, luôn luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm vì độc lập, tự do của Tổ quốc và vì chủ nghĩa xã hội. Trong hoàn cảnh Đảng có sai lầm, khuyết điểm, nhân dân vẫn thiết tha mong đợi Đảng khắc phục sai lầm, đưa đất nước tiến lên. Đảng ta không thể phụ lòng mong đợi đó của nhân dân... Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng”[5]. Phải “lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động”[6]. Trong điều kiện ngày nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ tập thể của quần chúng cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục.

Chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa quan trọng của vấn đề chăm lo đời sống nhân dân, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm của Đảng về vấn đề này, có biện pháp cụ thể và tích cực bảo đảm đời sống nhân dân, trước hết là bảo đảm việc làm, chăm lo cái ăn, cái mặc, sức khỏe, việc học hành... của nhân dân; thực hiện nguyên tắc công bằng xã hội, lối sống có văn hóa, bảo đảm an toàn xã hội; thẳng tay trừng trị những kẻ làm ăn phi pháp, xâm phạm lợi ích của quần chúng, khôi phục trật tự, kỷ cương trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có như vậy, mới giúp quần chúng yên tâm và phấn khởi sản xuất, công tác. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ thường căn dặn: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên!”[7].

Thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của quần chúng là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng ta. Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn luôn kết hợp chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng với việc phát huy nghị lực sáng tạo của nhân dân, tìm thấy sức mạnh của mình ở mối liên hệ mật thiết với quần chúng, tạo những điều kiện cần thiết để quần chúng sáng tạo ra lịch sử của mình một cách tự giác, có tổ chức. Bước vào cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta cho rằng làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động là bản chất của chế độ ta. Đảng ta đang lãnh đạo xây dựng và thực hiện một cơ chế tổ chức thích hợp để bảo đảm phát huy được quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Ở nhiều nơi đã hình thành nền nếp thường xuyên tổ chức cho quần chúng tham gia thảo luận xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, phương hướng nhiệm vụ công tác của đơn vị; phát động quần chúng phấn đấu thực hiện các quyết định của Đảng; động viên quần chúng tham gia kiểm tra mọi hoạt động của tổ chức đảng, giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên. Gần đây, cuộc vận động phê bình và tự phê bình chuẩn bị Đại hội VI của Đảng cũng như đợt sinh hoạt góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Trung ương Đảng với hàng triệu lượt người tham gia và hàng triệu ý kiến đóng góp, là những bằng chứng sinh động mới về việc Đảng ta thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Có thể nói chưa có cuộc vận động dân chủ nào sâu rộng, thiết thực và đạt hiệu quả cao như cuộc vận động nhân dân góp ý kiến với Đảng thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, ở không ít nơi, cấp ủy đảng chưa quan tâm đến công tác vận động quần chúng, chưa thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng. Một số cán bộ, đảng viên nói đến quyền làm chủ tập thể của quần chúng như hô một khẩu hiệu suông, không có hành động gì thiết thực. Không ít đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, không học hỏi người lao động, không tích cực làm công tác giáo dục, vận động quần chúng. Một số cán bộ, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức, có quyền giữ tác phong quan cách gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một “ông vua con” ở đấy. Thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng, bắt trói, đánh đập cả những người dân lương thiện vì tư thù. Những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng. Nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Đã có không ít những câu ca dao, hò vè, những chuyện tiếu lâm chế giễu những “ông quan cách mạng”, nghe rất đau xót. Chúng ta không thể xem thường những biểu hiện này. Nếu không chấm dứt những biểu hiện này thì không thể củng cố được lòng tin của quần chúng, không thể tăng cường được mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Cần kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, bị quần chúng oán ghét.

Đại hội VI của Đảng ta đã khẳng định, thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động thực chất là tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, hướng sự sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, các cấp ủy đảng, các cơ quan nhà nước động viên quần chúng tham gia rộng rãi và thường xuyên vào các công việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Xóa bỏ nhận thức sai lầm cho rằng, công tác vận động quần chúng chỉ là biện pháp tổ chức, động viên nhân dân thực hiện chính sách của Đảng. Đối với những chủ trương có quan hệ trực tiếp tới đời sống nhân dân, cấp ủy đảng cần trưng cầu ý kiến nhân dân trước khi quyết định. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm công tác vận động quần chúng. Phải thực hiện đúng nguyên tắc: Chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của nhân dân. Ngay cả trường hợp chính sách đúng rồi mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức giáo dục, giải thích cho dân, biết chờ đợi dân; có khi phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế và với trình độ của quần chúng. V.I. Lênin đã nhấn mạnh: Một chính sách mà không phù hợp với trình độ quần chúng “là một chính sách phiêu lưu”[8].

Mặt khác, các cấp ủy đảng, các cơ quan chính quyền có biện pháp tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân viên nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, có ý thức và thái độ đúng đắn với nhân dân, yêu thương, gần gũi, tôn trọng, kính nể nhân dân; có chương trình, kế hoạch tiếp dân, giải quyết tốt các đơn từ khiếu tố, các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của dân; trừng trị nghiêm minh, thích đáng những hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng. Các đoàn thể quần chúng, nhất là công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của mình, đi sâu giáo dục, bồi dưỡng, động viên quần chúng phát huy quyền làm chủ tập thể, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội với đầy đủ ý thức trách nhiệm của người làm chủ.

Một vấn đề hết sức quan trọng là phải khẩn trương làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Quần chúng nhìn nhận, đánh giá Đảng nhiều khi thông qua phẩm chất, tư cách, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã hư hỏng, sa đọa, đối với những tổ chức đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu.

Những năm gần đây, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hóa, hư hỏng có chiều hướng tăng lên và ngày càng nghiêm trọng. Qua những vụ kỷ luật công bố gần đây trên báo chí cũng thấy rõ điều đó. Không ít đảng viên vào Đảng không phải để phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân, mà là để mưu cầu danh lợi. Một số người chẳng những không gương mẫu trước quần chúng, mà còn nêu gương xấu trước quần chúng. Một số người vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng và cấp dưới, cơ hội chủ nghĩa, thực dụng chủ nghĩa, gây mất đoàn kết nội bộ. Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật tư, hàng, tiền, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, buôn lậu, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với bọn gian thương, tư sản để làm giàu. Điều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, đảng viên lâu năm bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa. Có những phần tử đã hoàn toàn biến chất, sống xa hoa, trụy lạc như những tên tư sản mới, cường hào mới, không còn một chút gì là tư cách đảng viên. Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng chân chính hết sức bất bình trước những hiện tượng đó và lo ngại về sự xói mòn bản chất giai cấp công nhân và truyền thống tốt đẹp của Đảng.

Nhìn thẳng vào sự thật đó, Đại hội VI của Đảng đã quyết định sẽ tiến hành một cuộc vận động làm trong sạch Đảng, khắc phục những hiện tượng hư hỏng trong bộ máy nhà nước, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Một hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ thảo luận chuyên đề về công tác xây dựng Đảng. Đại hội nhấn mạnh rằng, nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực trong Đảng là một trong những yêu cầu cấp bách và nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng của Đảng. Trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3/2) năm nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu phải làm tốt việc giáo dục nâng cao phẩm chất cho cán bộ, đảng viên, coi đây là một nội dung trọng yếu của sinh hoạt Đảng. Các cấp ủy đảng cần có biện pháp thật kiên quyết và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, đấu tranh chặn đứng các hiện tượng thoái hóa, hư hỏng trong cán bộ, đảng viên, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch hàng ngũ của Đảng. Chỉ có như vậy mới lấy lại được lòng tin của quần chúng đối với Đảng, tăng cường được mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc tư tưởng vĩ đại của Bác Hồ: “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: “Mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân... làm đày tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân”[9].

Tại Đại hội VI của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói: “Nhân dân lao động nước ta, dân tộc Việt Nam ta rất giàu nhiệt tình cách mạng, dũng cảm, thông minh và sáng tạo. Nhất định nhân dân ta sẽ vui mừng đón nhận Nghị quyết của Đại hội, biến Nghị quyết thành hành động cách mạng, ra sức phấn đấu đạt hiệu quả thiết thực trên mọi lĩnh vực của đời sống”2. Với trách nhiệm và lương tâm của người cộng sản, chúng ta ra sức rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, liên hệ mật thiết với quần chúng, lãnh đạo và tổ chức quần chúng phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục tiến lên.236



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.362, 138 (B.T).
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.362, 138 (B.T).
[3] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.44, tr.426 (B.T).
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.37, tr.646 (B.T).
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.362, 421 (B.T).
[6] Như ghi chú 5
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.124 (B.T).
[8] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.25, tr.225 (B.T).

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.292 (B.T).


* Trích từ tác phẩm Tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trang 223

/*** js CHAN TRANG ***/