tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trọng sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 

Link tải sách điện tử: TẢI XUỐNG 




Cuốn sách của Tổng Bí thư gồm 3 phần với những nội dung đề cập rất rộng bao gồm: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh PCTNTC ở Việt Nam”; “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc” và “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. 

Trước hết, tác phẩm khẳng định PCTNTC ở Việt Nam hiện nay là “Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược”. Đây cũng là tiêu đề bài viết tổng quan của cuốn sách để góp phần giải đáp những câu hỏi lớn mà dư luận băn khoăn rằng PCTNTC như hiện nay có làm “nhụt chí”, “chùn bước”, làm “chậm” sự phát triển của đất nước. Từ đó, tác giả khẳng định băn khoăn nêu trên là không đúng, và rằng thực tế còn diễn ra ngược lại. Tác giả khẳng định: “Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân (tr. 14). 

Rõ ràng công cuộc PCTNTC hiện nay không chỉ góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị mà cái được lớn nhất là lấy lại được niềm tin của Nhân dân. Có niềm tin của Nhân dân thì chắc chắn mọi quyết sách sẽ được Nhân dân ủng hộ. Khi Nhân dân đồng lòng, ủng hộ thì mọi việc sẽ thành công. Bác Hồ kính yêu đã từng nói như vậy. 

Chuyện xưa kể rằng, Tử Cống đẩy xe cho thầy mình là đức Khổng Tử. Tử Cống hỏi thầy mình rằng, một quốc gia cần phải có những điều kiện gì để bảo đảm cho sự phát triển và cường thịnh. Đức Khổng Tử trả lời cần phải có 3 điều: thứ nhất, phải có đủ lương thực cho dân ăn; thứ hai, phải có quân đội đủ mạnh để bảo vệ đất nước; thứ ba, phải có niềm tin của nhân dân. Tử Cống hỏi tiếp thầy mình rằng, trong 3 điều ấy nếu phải bỏ một điều thì bỏ điều nào? Đức Khổng Tử nói bỏ quân đội. Tử Cống hỏi tiếp nếu bất quá phải bỏ tiếp điều thứ hai thì đó là điều kiện nào? Đức Khổng Tử nói bỏ lương thực. Đức Khổng Tử nói rằng nếu không có lương thực thì nhân dân trong nước ấy tất sẽ chết đói, song một chính quyền mà không có niềm tin của nhân dân thì chính quyền ấy khó mà tồn tại.

Chúng ta vẫn thường nghe nói Dân tin Đảng song Đảng là một tổ chức đông đảo, người dân nhìn Đảng qua lăng kính của mình đó là ở việc Đảng có ban hành và lãnh đạo thực thi các chủ trương, chính sách đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân hay không và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có gương mẫu hay không. Tham nhũng là của người có chức vụ, ở Việt Nam ai là người có chức vụ, đương nhiên là đảng viên. Vậy nên, Tổng Bí thư đã có lần phát biểu trong một cuộc tiếp xúc cử tri rằng: “Chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta”. Khi ông phát biểu điều này, các thế lực thù địch đã ngay lập tức xuyên tạc đường lối PCTNTC và cho rằng ta đánh ta thì làm sao chống nổi (!?). Đúng là ta đánh ta thì rất khó khăn, bởi kẻ thù nhiều khi ẩn nấp trong những người thân của ta và có khi ẩn nấp ngay trong chính ta. Vậy nên chiến thắng kẻ địch có lẽ dễ hơn nhiều lần, thắng được chính mình mới là khó khăn. Nhưng, ở đời phàm cái gì đạt được qua khó khăn gian khổ thì giá trị càng lớn. Đã có thời kỳ chúng ta chưa thành công trong công cuộc PCTNTC cũng bởi vì những khó khăn này. 

Nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng thậm chí còn viết rằng, một trong những nguyên nhân trước đây chúng ta chống tham nhũng chưa thành công bởi đám tham nhũng nhận diện ra người “đồng hội, đồng thuyền với mình” (Phiếm luận về tham nhũng và chống tham nhũng, in trong sách “Kẻ sĩ Gia Định”, Nxb QĐND, 2005, tr. 193). Có lẽ vì những khó khăn, phức tạp trong công cuộc PCTNTC nên trong cuốn sách của mình, Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh cần “kiên quyết, kiên trì”. “Kiên quyết” để không lùi bước, không nhụt chí; “kiên trì” để xác định cuộc chiến này là cuộc chiến lâu dài, gian khổ và không ngừng nghỉ. 

Trong cuốn sách này, Tổng Bí thư đã nêu lên những kết quả lớn, ấn tượng trong công cuộc PCTNTC ở Việt Nam trong hơn 10 năm qua kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW ngày 1 tháng 2 năm 2013 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban (tác giả xin không liệt kê ở đây, bởi các kết quả này đã có những số liệu cụ thể, đầy đủ trong cuốn sách).

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam chống tham nhũng chưa hiệu quả, các thế lực thù địch rêu rao rằng Đảng không thực tâm chống tham nhũng, không thể chống tham nhũng. Khi Đảng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả như hiện nay, các thế lực thù địch lại cho rằng chẳng qua chỉ là “phe phái đánh nhau”. 

Người Việt Nam có câu “trăm nghe không bằng một thấy”. Với tất cả những kết quả lớn về PCTNTC đã được nêu trong cuốn sách này của Tổng Bí thư chính là những minh chứng bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công cuộc PCTNTC ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

/*** js CHAN TRANG ***/