Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được gìn giữ như thế nào? (Kỳ 4)

Suốt trong những ngày đau thương ấy, cả nước đã thao thức, không ngủ. Các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị quân đội âm thầm treo cờ tang, may băng tang, lập bàn thờ Bác, cử người đại diện cho đơn vị mình về thủ đô viếng Bác.

Hình như cho đến lúc ấy, mọi người trong căn nhà hầm vẫn còn ngơ ngác như chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, như chưa tin hẳn vào cái sự thật vừa xảy ra trước mặt họ.

Con đường Phan Đình Phùng, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Lê Thánh Tông hôm ấy âm thầm đưa tiễn Bác. Các chiến sĩ cảnh vệ Lữ đoàn 144 đã bảo vệ cho đoàn xe đưa Bác về 75A được an toàn.

Đón Bác ở Bệnh viện 108 có các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài và các chuyên gia. Xe vừa dừng, mọi người đã có mặt xung quanh để đưa Bác vào buồng đặc biệt. Gần hai năm chuẩn bị, hôm nay nhiệm vụ đã đến với tổ y tế đặc biệt. Mọi người bỏ mũ, đứng lặng đi trước linh cữu của Người.


Thượng tướng Lê Trọng Tấn và Trung tướng Phùng Thế Tài kiểm tra công tác bảo vệ an ninh công trình Lăng

Nửa giờ sau, biên bản khám nghiệm được hoàn thành, hai Giáo sư, Viện sĩ Liên Xô Yuri Mikhailoviv và Nikolai Inich Mikhailov đã trực tiếp làm công tác y tế cho Bác cùng với sự phụ giúp của hai bác sĩ Việt Nam.

Sau hai giờ làm việc, các chuyên gia cùng với tổ y tế đặc biệt đã hoàn thành công tác y tế giai đoạn một và làm các biện pháp bảo quản thi hài giai đoạn đầu. Để giữ cho chân dung Bác được nguyên vẹn, các chuyên gia và tổ y tế đã nâng niu từng sợi tóc, sợi râu, từng tế bào trên khuôn mặt và đôi bàn tay của Bác. Đặc biệt là các chi tiết ở mắt và miệng đòi hỏi phải làm hết sức tỉ mỉ và công phu. Mỗi mũi kim tiêm, mỗi đường đưa thuốc đều phải cân nhắc kỹ trước khi tiến hành, nhằm đạt kết quả cao nhất. Công việc này không chỉ nhằm chuẩn bị cho những ngày tang lễ mà còn liên quan trực tiếp đến việc gìn giữ thi hài Bác. Trong chiếc hòm kính do các chiến sĩ công binh sản xuất, Bác nằm thanh thản như sau một ngày làm việc căng thẳng, như sau một chuyến đi xa trở về. Bộ quần áo kaki quen thuộc như còn đang phập phồng theo nhịp thở. Bác nằm đó, nhưng linh hồn Bác như đã thoát ra khỏi căn phòng chật hẹp của bệnh viện để đến với đồng bào ở từng ngõ phố, làng mạc và đến với chiến sĩ ở từng trận địa.

Sau buổi làm việc với các chuyên gia, bạn quy định chỉ có một số ít người được tiếp xúc với thi hài Bác. Vì thế, đồng chí Nguyễn Gia Quyền đã phải huy động một số nhân viên của khoa Giải phẫu bệnh lý, Quân y viện 108 để thành lập một tổ y tế lưu động hỗ trợ cho tổ y tế thi hài do bác sĩ Lê Điều phụ trách. Tổ này phải thường xuyên xử lý các phương tiện di chuyển, làm vệ sinh hòm kính ở Hội trường Ba Đình và theo dõi những diễn biến của khí hậu tác động tới nhiệt độ và độ ẩm trong hòm kính.

Quy trình xử lý môi trường ở Hội trường Ba Đình cũng được tổ thực hiện hết sức nghiêm túc, bằng các hóa chất có khả năng sát trùng mạnh và đèn cực tím. Do không có phương tiện bảo hộ, nên sau ba ngày, mắt nhiều cán bộ trong tổ bị sưng, tuy vậy không một ai chịu nghỉ. Mọi người vẫn khẩn trương lao vào giải quyết công việc và đều bồn chồn có cảm giác ngày đêm như ngắn lại.

6g sáng ngày 4/9/1969, trên làn sóng của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam đã truyền đi bản Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo tin cho đồng bào và chiến sĩ cả nước biết: Bác Hồ đã từ trần. Giọng đọc nghẹn ngào đầy xúc động của  người phát thanh viên đã vang lên trong một bầu không khí ảm đạm và buồn bã. Trên các đường phố Hà Nội, trong các căn nhà, mọi hoạt động đều ngừng lại. Mọi người bàng hoàng vây quanh những chiếc đài bán dẫn hoặc đứng lặng đi quanh những chiếc loa truyền thông công cộng. Tin Bác qua đời như một tiếng sét đánh dữ dội, làm xáo trộn tất cả mọi sinh hoạt của đất nước. Những người đã từng được gặp Bác thì bồi hồi ôn lại những kỷ niệm về Người, còn những người chưa được gặp Bác thì đau đớn, ân hận, bởi niềm hạnh phúc mà họ hằng khao khát sẽ không bao giờ còn đến với họ nữa.

Trung tâm bưu điện quốc tế cũng chưa có thời gian nào làm việc căng thẳng đến như thế. Hàng trăm bức điện trên khắp trái đất liên tiếp được gửi tới chia buồn với Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, đồng thời xin được đến Hà Nội dự lễ tang của Bác.

Tối ngày 5/9, khi đài phát thanh thông báo danh sách Ban Tổ chức tang lễ và thời gian tiến hành lễ viếng thì cũng là lúc tổ y tế đặc biệt đang cùng với các chuyên gia chuẩn bị đưa Bác về Hội trường Ba Đình.

Đúng 20g, đèn điện quanh khu vực Ba Đình vụt tắt. Đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác từ từ chuyển bánh, rời khỏi Quân y viện 108. Ngoài 3 chiếc xe hôm trước, còn có 2 chiếc xe của các đồng chí trong Ban chỉ đạo: Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài, Kinh Chi tiễn chân Bác. Theo kế hoạch, đoàn xe vẫn đi theo đường Lê Thánh Tông, qua Bảo tàng Cách mạng, Nhà hát Lớn, Trần Quang Khải, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Bắc Sơn để vào Hội trường Ba Đình. Xe chở thi hài do đồng chí Nhít lái. Khi đến Nhà hát thành phố đã xảy ra một sự cố nhỏ. Vì quá xúc động và căng thẳng qua nhiều đêm tập luyện, xe đồng chí Nhít chở thi hài Bác đi lạc qua đường Nguyễn Hữu Huân và phải mất một lúc lâu, đoàn xe mới hợp điểm lại được ở cột đồng hồ để cùng về vị trí tập kết. 21g đoàn xe đến Hội trường Ba Đình. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng có mặt đầy đủ để đón vào 75B và thay nhau túc trực bên thi hài Người.

Khi đưa Bác ra hội trường, theo yêu cầu của các chuyên gia, Ban chỉ đạo đã bố trí sẵn một xe trang bị đầy đủ mọi thiết bị, đề phòng ở hội trường không bảo đảm được nhiệt độ, độ ẩm thì phải kịp thời đưa Bác về ngay lại 75A.

Mãi sau này khi lễ tang Bác kết thúc, các cán bộ, chiến sĩ công binh mới được biết: Phương án chuẩn bị của quân đội ở 75B là phương án dự bị. Nhiệm vụ chuẩn bị hòm kính, các trang thiết bị đặt ở 75B để bảo đảm thi hài trong thời gian tang lễ được giao cho Bộ Kiến trúc. Năm 1969, Bộ Kiến trúc đã khẩn trương cử đồng chí Vương Quốc Mỹ, Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc sang Liên Xô ký hợp đồng, nhờ bạn giúp đỡ các phương tiện máy móc, làm hòm kính giữ thi hài Bác. Ngày 12/8/1968, khi Bác ốm nặng, đồng chí Vương Quốc Mỹ tiếp tục được cử sang Liên Xô lấy hòm kính và phương tiện máy móc nhưng không kịp. Bác đã ra đi trước khi đồng chí Mỹ về. Vì vậy phương án dự phòng trở thành phương án chính thức. Điều này thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, thể hiện tính chủ động, sáng tạo và ý thức nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh của quân đội ta mà trước hết là tấm lòng của những người lính đối với Bác.

3g sáng ngày mồng 6, Ban Tổ chức lễ tang cùng với các chuyên gia tiến hành tổng kiểm tra các mặt chuẩn bị cho ngày viếng đầu tiên. Khi nâng chiếc nắp hòm kính lên, đặt máy đo kiểm nhiệt độ, độ ẩm, thấy kết quả hiện trên mặt máy báo hiệu mọi sự đều hết sức ổn định. Viện sĩ thông tấn, trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô Debov không kìm được xúc động đã quay lại ôm chầm lấy đồng chí Trần Bá Đặng và đồng chí Nguyễn Gia Quyền, lặp đi lặp lại mãi một câu nói: “Kha-ra-sô, kha-ra-sô!” (Tốt, tốt!).

Đến 6g sáng, tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đều đã có mặt quanh linh cữu Bác. Cặp mắt người nào cũng đỏ ngầu đẫm lệ, xung quanh Bác là cả một rừng hoa muôn sắc và trầm hương tỏa khói nghi ngút như khoét sâu thêm vào nỗi mất mát quá lớn của cả một dân tộc.

Giữa không khí trang nghiêm ấy, bỗng một tiếng khóc nức nở, òa lên vang khắp Hội trường. Đó là tiếng khóc không thể kìm nén được của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vừa khóc, Thủ tướng vừa bắt tay cảm ơn các đồng chí chuyên gia Liên Xô. Lời cảm ơn chân thành và những giọt nước mắt liên tiếp lăn trên má của đồng chí Phạm Văn Đồng khiến các đồng chí chuyên gia cũng không cầm được nước mắt.

Đồng chí Lê Duẩn cố nén xúc động, quay sang bắt tay mọi người. Đồng chí hỏi khẽ: “Các đồng chí có yêu cầu gì không?”. Thay mặt cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đồng chí Trần Bá Đặng đã đề nghị với đồng chí Lê Duẩn cho phép anh em được chụp ảnh bên thi hài Bác. Nguyện vọng thật đơn giản nhưng hết sức thiêng liêng ấy là phần thưởng vô giá đối với mọi cố gắng bấy lâu của các chiến sĩ công binh, cảnh vệ và tổ y tế đặc biệt. Đó cũng là hình ảnh đầu tiên của các chiến sĩ quân đội được đứng vòng quanh linh cữu của Người.

5. Dòng người nối nhau nhích dần từng bước tưởng chừng như vô tận trên Quảng trường Ba Đình. Trong những ngày đau thương ấy, trời Hà Nội đổ mưa tầm tã. Dòng người đổ vào hội trường lặng lẽ, mắt nhìn xuống. Nước mưa đổ ào ào trên người họ. Dòng người đổ ra từ cửa bên kia nhòa nước mắt. Nhiều người đã phải dìu nhau loạng choạng bước xuống bậc tam cấp. Họ là những công nhân, nông dân, bộ đội, nguyên thủ quốc gia, tướng lĩnh… từ khắp mọi miền đất nước và trên khắp hành tinh về Hà Nội viếng Bác.

Hội trường Ba Đình chất đầy những vòng hoa lớn, những cây trái của bạn bè quốc tế, của nhân dân các dân tộc mang về dâng lên anh linh của Người. Trên bục sân khấu của hội trường, Bác nằm trong chiếc hòm kính trong suốt, hồng hào như vừa trải qua một ngày làm việc, đang yên tĩnh trong giấc ngủ. Người vẫn mặc bộ kaki màu vàng thường ngày vẫn mặc. Bên ngoài hòm kính là đôi dép cao su giản dị của Người.

Đứng trước thi hài Bác, những đồng chí cán bộ lãnh đạo lão thành, những cụ già và em nhỏ, những người dân, những người lính, những vị tổng tư lệnh tối cao… không ai cầm được nước mắt. Nỗi đau mất Bác giờ đây như mới thấm sâu vào cuộc đời mỗi người. Bác vẫn nằm đó, nhưng không bao giờ còn có lại giọng nói ấm áp, cử chỉ khoan thai, giản dị, đầy sức thuyết phục của Người trong những lần đến với đồng bào, chiến sĩ và bạn bè quốc tế. Trước đây, khi một bác sĩ Bulgaria sang công tác tại Việt Nam, không may bị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, Bác đã đến thẳng Đại sứ quán Bulgaria, Người khóc và nói: “Chúng ta biết báo tin cho bà mẹ anh ấy như thế nào?!”.

Cả nước đang đau nỗi đau của Bác. Cả nước cầu chúc cho giấc ngủ của Người được thanh thản mãi mãi. Tình thương yêu bao la của Người sẽ mãi mãi liên kết mọi trái tim bè bạn trong một sứ mệnh cao cả: Tất cả cho hòa bình, tất cả cho hạnh phúc của mỗi một con người!

Để có được những ngày viếng Bác trang nghiêm và đầy xúc động như vậy, các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt đã làm việc hết sức mình. Sau mỗi ngày ngừng lễ viếng, mọi người lại gấp rút và thận trọng kiểm tra lại thi hài Bác, hiệu chỉnh các thiết bị máy móc, làm vệ sinh công nghiệp… để những ngày viếng tiếp theo được tốt hơn.

Các cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 144 cùng với Bộ Tư lệnh Thủ đô, những người đã từng bảo vệ Bác và Bộ Tổng tham mưu suốt cả hai cuộc chiến tranh cũng thường xuyên có mặt, túc trực gác danh dự bên thi hài của Bác.

Chiều ngày 9/9, Lễ truy điệu Bác đã được cử hành trọng thể và trang nghiêm. Sau khi đồng chí Lê Duẩn nghẹn ngào đọc Di chúc của Bác và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương, cả Quảng trường như cùng khóc òa lên. Các cháu thiếu nhi đã níu áo gục đầu vào lòng đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp khóc nức nở, trông thương tâm như một vườn hoa trong một cơn bão lớn. Cả nước đã giơ cánh tay của mình, cùng với Ban Chấp hành Trung ương xin thề với Bác sẽ làm tròn sứ mạng mà Bác đã tin cậy giao phó, xin đi trọn con đường mà Người đã vạch ra và đã dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đến thắng lợi cuối cùng.

Lễ truy điệu vừa dứt, tổ y tế đặc biệt và các bộ phận phục vụ tang lễ cũng đã chuẩn bị xong phương án cho cuộc hành quân di chuyển Bác về lại 75A. Phương án hành quân được phổ biến chi tiết xuống tận các tổ. Mọi người lặng lẽ chuẩn bị công việc.

Thời gian nặng nề trôi qua. Tuy chỉ một đoạn đường ngắn nhưng mọi người đều cảm thấy dài như vô tận. Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã nhắc đi nhắc lại: Phải cẩn thận, bằng mọi cách, phải bảo vệ an toàn tuyệt đối nơi gìn giữ thi hài của Bác.

21g đêm, chiếc xe Hồng thập tự chầm chậm rời khỏi Hội trường Ba Đình. Trời đã khuya và mưa vẫn chưa dứt hẳn, nhưng xung quanh Quảng trường vẫn chật ních người. Hình như chưa ai muốn trở về nhà và những lời lẽ tâm huyết của Bác với dân, với Đảng trong bản Di chúc vẫn còn như âm vang trong tâm trí họ.

Trong các đường phố vẫn một khung cảnh như vậy. Chiếc xe Hồng thập tự phải khó khăn lắm mới lách qua được những dòng người để đưa Bác về 75A chấm dứt những ngày tang lễ có một không hai trong lịch sử.

6. Giai đoạn gìn giữ, bảo quản thi hài Bác trong thời gian tang lễ đã kết thúc. Đối với tổ y tế, giai đoạn tiếp theo là một khoảng trống hết sức khó khăn. Những kiến thức học được ở Liên Xô chỉ đủ cho họ làm được những gì mà họ đã cố gắng hết sức để làm. Phương pháp hiện đại thì chưa được học hết, phương pháp cổ truyền của dân tộc thì chưa kịp khai thác cho thật thấu đáo. Hơn nữa nước ta đang trong điều kiện chiến tranh và lại là một nước khí hậu nhiệt đới; quanh năm nắng nóng, độ ẩm cao…

Việc bảo đảm giữ gìn lâu dài thi hài Bác có rất nhiều khó khăn. Nhưng được sự giúp đỡ trực tiếp của bạn, tổ y tế tin rằng chúng ta có thể vượt được tất cả để giữ gìn trọn vẹn, lâu dài thi hài Bác.

Sau ngày đưa Bác về lại 75A, hàng loạt công việc cần phải làm ngay được đặt ra trước tổ y tế, như việc làm vệ sinh môi trường, chống bụi, chống nấm mốc… Điều gay go nhất là làm sao có ngay được 320 lít nước mềm, bảo đảm chất lượng cao, trong nước hoàn toàn không có chất kim loại, không có khuẩn trùng. Để giải quyết khó khăn này, tổ y tế đã cử người đến các cơ sở y tế có máy chạy thận nhân tạo như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai và 108 xin, nhưng khi bạn kiểm tra lại không đạt yêu cầu về chất lượng. Cuối cùng đồng chí Bộ trưởng Y tế phải đích thân trực tiếp chỉ đạo cách giải quyết, tổ y tế mới có được 320 lít nước mềm đúng tiêu chuẩn.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, với trí thông minh, sáng tạo, có đầu óc phân tích, phán đoán nhạy bén, tổ y tế đặc biệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Quân ủy giao phó: Vừa gìn giữ thi hài Bác, vừa nghiên cứu khoa học đạt kết quả tốt.

Cho tới nay, gần 30 năm trôi qua, những cố gắng ban đầu của tổ y tế vẫn được đánh giá cao. Chiến công của họ thật đáng kể nhưng lại diễn ra hết sức thầm lặng. Họ không được báo chí nhắc đến, không được biểu dương rầm rộ. Chỉ có tấm lòng, tình cảm của họ đối với Bác là cứ mỗi ngày một sáng thêm. Khiêm tốn, giản dị, không lùi bước trước khó khăn là phẩm chất mà Bác đã để lại cho họ, giúp họ đi đến tận cùng trong mọi lĩnh vực khoa học phức tạp và đầy những trắc trở. Bao giờ những thử thách cũng luôn luôn ở phía trước họ.

Trích Ký sự “Giữ yên giấc ngủ của Người” NXB QĐND – 1990

<<xem bài trước || xem bài tiếp>>

/*** js CHAN TRANG ***/