Xu hướng nổi bật trong hai thập kỷ đầu thế kỷ 21 là sự thăng trầm của các cường quốc dẫn tới quá trình tái cấu trúc trật tự thế giới.
Vụ khủng bố 11/9/2001 mở đầu kỷ nguyên chiến tranh địa-chính trị trong thế kỷ XXI (Ảnh: AP)
Sau khi Liên Xô sụp đổ (1991), Mỹ coi mình là “người chiến thắng” trong Chiến tranh Lạnh và có nhiều hành động quyết liệt trên khắp thế giới. Vì không còn yếu tố kiềm chế của hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, Mỹ đơn phương phát động nhiều cuộc chiến tranh và xung đột. Mở đầu thế kỷ XXI, không cần điều tra xác minh kẻ nào là thủ phạm thực hiện vụ tấn công Tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại quốc tế ở New York (11/09/2001), Tổng thống Mỹ George W. Bush phát động cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố ở Afghanistan kéo dài gần 20 năm nhưng đang lâm vào bế tắc.
Tiếp đến, Mỹ phát động cuộc chiến tranh Iraq - một cuộc chiến không chỉ bị Nga và Trung Quốc mà cả các đồng minh của Mỹ trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Pháp và Đức phản đối. Đến nay, Mỹ vẫn bị sa lầy ở đó. Năm 2008, NATO do Mỹ đứng đầu “chống lưng” cho Gruzia phát động Cuộc chiến tranh 5 ngày nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nam Osetia, đã bị Nga đánh trả và thất bại thảm hại.
Năm 2011, Mỹ đứng đầu NATO kích động các biến động chính trị mang tên “Mùa Xuân Arab” ở Trung Đông-Bắc Phi, dẫn tới cuộc chiến tranh xâm lược Libya để tiêu diệt nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Ngoại trưởng Mỹ Collin Powell trình “minh chứng” về vũ khí hóa học của Iraq tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 5/2/2003 (Ảnh: AP)
“Mùa Xuân Arab” còn dẫn tới cuộc chiến tranh Syria kéo dài tới nay chưa thể kết thúc do sự cạnh tranh địa-chính trị giữa Mỹ và NATO với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Israel. “Mùa Xuân Arab” còn dẫn tới cuộc chiến tranh ở Mali (2012) và chiến tranh Yemen (2015). Năm 2020, cạnh tranh địa-chính trị còn dẫn tới chiến tranh giữa Azerbaijan và Armenia liên quan tới tranh chấp ở Nagorno-Karabakh.
Nước Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng hệ thống
Chuỗi dài các cuộc chiến tranh từ Afghanistan tới Trung Đông khiến Mỹ phải tiêu tốn gần 6.000 tỉ USD. Đây là một trong những nguyên nhân đưa Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng hệ thống, cả đối nội và đối ngoại.
Về đối nội, cuộc khủng hoảng năm 2008 là cuộc khủng hoảng lần thứ hai của mô hình chủ nghĩa tư bản tài chính dựa trên cơ sở vị thế độc tôn của đồng đô la Mỹ (USD) trong nền kinh tế toàn cầu được bảo đảm bằng dầu mỏ, tiếp theo cuộc khủng hoảng lần thứ nhất vào đầu những năm 1970.
Theo nhận định của Zbigniev Brzezinski-nguyên Cố án an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Cater, cuộc khủng hoảng năm 2008 là cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống và sẽ không sớm kết thúc vào năm 2010, năm 2012 hay năm 2015, mà sẽ chỉ chấm dứt khi nào Hoa Kỳ đạt được mục đích giành lại vị thế độc tôn của USD trong nền kinh tế thế giới.
Sau khi lên cầm quyền vào năm 2017, Tổng thống Donald Trump quyết định chia tay với chủ nghĩa tư bản tài chính và đưa Mỹ quay trở lại con đường của chủ nghĩa tư bản công nghiệp để làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại” và trở thành cường quốc công nghiệp số 1 thế giới trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0.
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 thực chất là “cuộc chiến” giữa hai cách lựa chọn con đường phát triển của nước Mỹ, giữa một bên là lực lượng của chủ nghĩa tư bản công nghiệp trong Đảng Cộng hòa do Donald Trump đại diện và bên còn lại là lực lượng của chủ nghĩa tư bản tài chính trong Đảng Dân chủ được đại diện bởi Joe Biden. Bên ngoài là sự sụp đổ khó tránh khỏi của trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh do Washington nắm quyền kiểm soát.
Người biểu tỉnh ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump biểu tình phía trước tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington D.C trong ngày 06/01/2021 (Ảnh: Reuters).
Để thay thế trật tự thế giới đơn cực đang sụp đổ, Tổng thống đắc cử Joseph Biden chủ trương sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu vào năm 2021 để tập hợp tất cả các quốc gia dân chủ trên toàn thế giới dưới ngọn cờ của Mỹ để “chống lại chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa dân tộc và thiết lập trật tự thế giới mới”.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc
Một trong những hiện tượng hiếm có trong lịch sử thế giới là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc chỉ sau 30 năm cải cách mở cửa. Từ một quốc gia đang phát triển ở mức thấp, Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế số 2 trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ.
Sau cuộc khủng hoảng ở Mỹ năm 2008, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chủ trương thúc đẩy Trung Quốc gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng trên thế giới. Chính vì vậy, ông Hồ Cẩm Đào thẳng thừng từ chối đề nghị của Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm 2009, theo đó Mỹ và Trung Quốc sẽ hình thành Nhóm G-2 để “quản trị thế giới”.
Theo nhận định của chính giới ở Mỹ, với chương trình “Made In China 2025” và Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc theo đuổi tham vọng xây dựng trật tự thế giới mới theo “sự đồng thuận Bắc Kinh”.
Sau khi bước vào Nhà Trắng vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump coi Trung Quốc là “quốc gia xét lại trật tự thế giới” và là “đối thủ cạnh tranh số 1” với Mỹ. Từ đó, ông Donald Trump khởi động chiến lược cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc, có thể đưa hai nước lâm vào Chiến tranh lạnh 2.0, trong đó cạnh tranh ý thức hệ chỉ là thứ yếu mà nghiêm trọng hơn là cạnh tranh vị thế bá chủ thế giới.
Sự vươn dậy và hồi sinh ngoạn mục của nước Nga
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đứng đầu Phương Tây theo đuổi chiến lược nhằm làm tan rã nước Nga như một quốc gia có chủ quyền, thậm chì xóa sổ vĩnh viễn nước Nga trên bản đồ thế giới.
Bước vào Điện Kremlin vào ngày cuối cùng của thế kỷ XX và thiên niên kỷ thứ hai (31/12/1999) và chính thức nhậm chức Tổng thống Nga đầu năm 2000, với bản lĩnh kiên cường của một cựu sỹ quan tình báo Xô Viết, tầm nhìn chiến lược và tình yêu nước Nga đến vô hạn, ông Vladimir Putin đã đưa nước Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện sau gần 10 năm cầm quyền của người tiền nhiệm Boris Yeltsin kể từ khi Liên Xô tan rã.
Sau 20 năm cầm quyền của V.Putin, nước Nga đã trải qua thời kỳ vươn dậy và hồi sinh ngoạn mục, trở thành cường quốc mới có ảnh hưởng ngày càng lớn trên thế giới.
Về kinh tế, năm 2020, tính theo GDP, Nga được xếp vị trí thứ 11 thế giới. Về chính trị, Nga đã xác định rõ con đường phát triển theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội. Về quân sự, Nga hoàn thành cải cách Các lực lượng vũ trang, tái lập thế cân bằng chiến lược với Mỹ bằng nhiều loại vũ khí độc nhất vô nhị hoàn toàn có khả năng đáp trả hành động xâm lược dưới bất kỳ phương thức nào. Nga có tiếng nói và ảnh hưởng ngày càng lớn trên thế giới, trong đó đã đóng góp phần lớn nhất và có ý nghĩa quyết định đánh bại chủ nghĩa khủng bố ở Syria.
Tiến trình toàn cầu hóa bị thách thức
Quá trình toàn cầu hóa trong hai thập niên đầu thế kỷ 21 thực chất là quá trình toàn cầu hóa phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và là xu hướng chủ đạo trong sự phát triển của thế giới. Tuy nhiên, do quá trình này mang lại lợi ích khác nhau cho các nước khác nhau xuất phát từ đặc điểm thể chế chính trị và kinh tế-xã hội.
Trong những năm gần đây, một số quốc gia nhận thấy mặt trái của quá trình toàn cầu hóa như nạn vi phạm bản quyền, làn sóng nhập cư bất hợp pháp, sự thao túng tiền tệ, làn sóng đơn phương cấm vận hoàn toàn trái với quy định của Tổ chức thương mại thế giới, nên họ đã có những bước điều chỉnh chính sách theo hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, trong đó trước hết phải kể đến chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump hay Vương quốc Anh rời khỏi EU.
Trong bối cảnh đó, đại dịch Covid-19 là đòn giáng mạnh và là thách thức vô cùng nghiệt ngã đối với quá trình toàn cầu hóa, thúc đẩy thế giới bước vào một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, chính đại dịch Covid-19 cũng là động lực thúc đẩy tạo ra diện mạo hoàn toàn mới cho toàn cầu hóa theo hướng đẩy nhanh sự phát triển nền kinh tế số trên phạm vi toàn cầu.
Kỷ nguyên tái cấu trúc trật tự thế giới
Hội nghị an ninh quốc tế Munich năm 2019 đưa ra nhận định, trong quan hệ quốc tế nổi lên sự cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga đang đưa hành tinh chúng ta bước vào kỷ nguyên tái cấu trúc vĩ đại trong trật tự thế giới. Trong đó, Mỹ đang ra sức ngăn chặn sự sụp đổ trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát, Trung Quốc đang theo đuổi tham vọng xây dựng trật tự thế giới theo “sự đồng thuận Bắc Kinh” và Nga không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. Còn Liên minh châu Âu (EU) chưa sẵn sàng đóng vai trò mới trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc.
Đại dịch Covid-19 như một động lực mạnh mẽ đấy nhanh quá trình tái cấu trúc trật tự thế giới, trong đó sẽ diễn ra những chuyển dịch rất lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Virus Sars-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 còn chứng tỏ vũ khí virus một khi được sử dụng sẽ có sức hủy diệt lớn hơn cả vũ khí hạt nhân. Chiến tranh thế giới thứ ba, nếu xẩy ra, sẽ không có các tập đoàn quân khổng lồ được trang bị vũ khí hiện đại hoặc các cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa mà sẽ diễn ra bí mật bằng vũ khí sinh học.
Trong bản báo cáo nghiên cứu dự báo tương lai của thế giới sau đại dịch Covid-19 với tiêu đề “Covid-19: tái cấu trúc vĩ đại” (“The Great Reset”), Giáo sư Klaus Schwab-Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới nhận định rằng đại dịch Covid-19 đánh dấu bước ngoặt của lịch sử loài người và phân chia thế giới thành hai kỷ nguyên: kỷ nguyên trước và hậu Covid-19. Trong kỷ nguyên hậu Covid-19, chủ nghĩa tư bản thế giới sẽ phải thay đổi mô hình phát triển, chuyển từ chủ nghĩa tư bản cổ phần sang chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm cộng đồng. Kinh tế tương lai sẽ là kinh tế tiêu dùng, kinh tế chia sẻ, kinh tế tham gia, trong đó con người sẽ không còn sử dụng tiền mặt mà là tiền số; thế giới sẽ chuyển sang nền kinh tế xanh, không gây ô nhiễm môi trường; robot sẽ được sử dụng phổ cập trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hôi. Đội quân thất nghiệp hàng trăm triệu người bị sa thải khỏi các dây chuyển sản xuất tự động sẽ được cấp lương tối thiếu để thực hiện các hoạt động xã hội công ích như trồng cây, gây rừng, chống sa mạc hóa, làm sạch môi trường v.v./.
Đại tá Lê Thế Mẫu
Nguồn: Tạp chí điện tử VIETTIMES