Giới chuyên gia đã đúc kết “Dấu hiệu cảnh báo từ xa”, “Dấu hiệu cảnh báo sớm” và “Dấu hiệu cảnh báo trực tiếp” về việc nổ ra một cuộc chiến tranh.
Hầu như mỗi thập kỷ thế giới đều phải chứng kiến một cuộc chiến tranh lớn hay xung đột quân sự và các cuộc chiến gần đây cũng nằm trong quy luật đó.
Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell giơ một chiếc lọ mà ông cho là có chứa mầm bệnh than, làm bằng chứng về các chương trình vũ khí sinh học của Iraq trong phiên họp ngày 05/02/2003 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
Sau khi nghiên cứu, rút ra kinh nghiệm và những bài học từ các cuộc chiến tranh trong quá khứ, một số chuyên gia quân sự thế giới đã đưa ra những dấu hiệu nhận biết cơ bản, không thể thiếu, của bất cứ cuộc chiến tranh nào.
Những dấu hiệu cảnh báo về một cuộc chiến tranh
Dấu hiệu cảnh báo từ xa là “căng thẳng từ từ leo thang”
Về khách quan, tất cả các cuộc chiến tranh đều có nguyên nhân sâu xa của nó, hoặc là xuất phát từ ý thức hệ, hoặc là do tranh chấp lãnh thổ hay là xuất phát từ vấn đề kinh tế, mà sự leo thang căng thẳng là những dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa các bên đang xấu đi nghiêm trọng, các mâu thuẫn đang được tích tụ.
Nếu không được giải quyết triệt để, các mâu thuẫn sẽ được tích tụ dần dần về lượng, dẫn đến mức ngưỡng của nó (điểm nút) và tất yếu sẽ đạt tới mức thay đổi về chất (dẫn đến chiến tranh).
Về chủ quan, các quốc gia chủ động gây chiến sẽ “không có thiện chí giải quyết các mâu thuẫn”, “cố tình leo thang căng thẳng”, “dần dần đẩy quan hệ hai bên đi đến sự đối đầu một mất một còn”, sau đó chủ động tạo cớ để ép đối thủ phải sa vào một cuộc chiến tranh với mình.
Những dấu hiệu này có thể kéo dài nhiều năm nên nhận thức được chúng là vấn đề rất quan trọng để nhận diện một cuộc chiến tiềm năng có thể xảy ra để chủ động thu hẹp các bất đồng, hóa giải các mâu thuẫn để tránh nổ ra một cuộc chiến tranh (nếu thực sự xuất phát từ nguyên nhân khách quan) hoặc chủ động chuẩn bị đối phó, nếu đối phương cố tình chủ động gây chiến.
Dấu hiệu cảnh báo sớm là “sự chuẩn bị dư luận cho một cuộc chiến tranh”
Về khách quan, bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng trải qua một giai đoạn quan hệ căng thẳng nhất định rồi mới dẫn đến xung đột.
Trong quá trình này, hai bên tất yếu sẽ có những va chạm, thách thức lẫn nhau, với nhiều tuyên bố theo mệnh đề: “sẽ làm tất cả nếu …”, hay “không bao giờ chấp nhận việc…” hoặc “sẵn sàng sử dụng mọi…”.
Những tuyên bố mất kiểm soát được lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy sẽ khiến chính giới lãnh đạo, các quan chức và nhân dân hai quốc gia đều ngộ nhận là không có cách gì để hóa giải các mâu thuẫn, cuộc chiến tranh là cách duy nhất để giải quyết các bất đồng, tranh chấp.
Nó cũng khiến dư luận trong nước và quốc tế dần quen với cảm giác hai bên có thể đánh nhau bất cứ lúc nào và khi cuộc chiến nổ ra, không ai bị bất ngờ về điều này cả.
Về chủ quan, bất cứ quốc gia nào khi muốn gây chiến với các quốc gia khác đều phải chủ động tạo cớ hoặc chớp thời cơ để tiến hành chiến tranh. Tuy nhiên, trước đó họ đều phải tiến hành một “cuộc chiến tranh tâm lý” để “chuẩn bị dư luận” nhằm đạt được hai mục đích sau:
Một là:“Khoác cho mình một chiếc áo mang tính chính nghĩa nhất, tạo dư luận về việchọ bị buộc phải tiến hành chiến tranh”.
Hai là:“Tạo ra sự nhàm chán về những lời đe dọa suông, để bất ngờ tung ra hành động tấn công”.
Để thực hiện được mục đích này, giới chức lãnh đạo quốc gia đó sẽ sử dụng một hay nhiều mâu thuẫn lớn, mang tính cốt lõi và quan trọng là “được lòng dân nhất” và “dễ nhận được sự cảm thông của dư luận quốc tế”, để tung ra các tuyên bố mang tính ngụy biện, dần dần “định hướng dư luận về tính tất yếu phải tiến hành một cuộc chiến tranh”.
Ngoài ra, những hành động đe dọa chiến tranh lặp đi lặp lại nhiều lần cũng khiến đối phương bị ru ngủ và sau nhiều lần lặp lại cái vòng luẩn quẩn “đe dọa – chuẩn bị chiến tranh – hạ nhiệt”, có thể phát sinh tâm lý nhàm chán về “những lời đe dọa suông”, khiến đối thủ mất cảnh giác, hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp trở tay khi đối phương bất thần mở một cuộc chiến tranh.
Dấu hiệu cảnh báo trực tiếp một cuộc chiến tranh là “sự tích tụ binh lực bất thường của đối phương”, bởi trước khi mở một chiến dịch quân sự lớn, bất cứ quân đội nước nào cũng phải điều chuyển lực lượng từ các khu vực khác đến điểm tập kết tạm thời, vận chuyển vũ khí, trang bị hạng nặng đến gần khu vực sẽ bắt đầu phát động tấn công.
Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sẽ có hoạt động quân sự lớn sẽ xảy ra ở khu vực này trong tương lai.
Bên chủ động phát động chiến tranh có thể che giấu mục đích thực sự bằng các cuộc diễn tập, huấn luyện quân sự để tiến hành điều động binh lực đến các bàn đạp tấn công ở giáp biên giới đối phương.
Họ cũng có thể chủ động lặp lại hành động này nhiều lần trước thời điểm tấn công để tạo tâm lý chủ quan, lơ là phòng bị cho đối thủ, đến khi cuộc chiến thực sự diễn ra, đối phương sẽ bị mất cảnh giác, bất ngờ trước cuộc tấn công, không chuẩn bị kế hoạch đối phó và không kịp huy động lực lượng.
Do đó, việc chuẩn bị sẵn nhiều kịch bản đối phó, luôn luôn giữ vững cảnh giác, chủ động phòng bị là yếu tố tiên quyết để đánh bại một cuộc tấn công bất ngờ của đối phương.
Còn sự phát hiện sớm việc điều chuyển, tích tụ binh lực của đối thủ là quãng thời gian vô cùng quý báu để bên phòng thủ vạch ra kế hoạch tác chiến, tăng viện lực lượng, trang bị và củng cố thế trận phòng thủ, giảm thiểu thiệt hại trước làn sóng tấn công đầu tiên của đối phương, tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn sau của cuộc chiến.
Điển hình là cuộc chiến tranh của NATO chống Iraq năm 2003
Cuộc chiến tranh của NATO chống Iraq năm 2003 là minh chứng điển hình cho một cuộc chiến mà khối quân sự phương Tây muốn lật đổ chính quyền của ông Saddam Hussein nên đã chủ động leo thang căng thẳng, dần dần đẩy quan hệ hai bên đi đến “sự đối đầu một mất một còn”, sau đó chủ động tạo cớ để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược Iraq.
Một quan chức thanh tra vũ khí của Liên Hợp Quốc tại Iraq, năm 2002
Hậu quả của cuộc chiến này không lớn và sau đó, mâu thuẫn này hoàn toàn có thể giải quyết được bằng những nỗ lực ngoại giao quốc tế.
Tuy nhiên, mục đích chính của Washington là tìm cách lật đổ chính quyền của ông Saddam Hussein, nên trong hai thập niên sau, Mỹ đã nhất quán tiến hành các biện pháp để thay đổi chế độ ở Baghdad.
Vào tháng 10 năm 1998, lật đổ chính quyền Saddam Hussein đã trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, với việc ban hành “Đạo luật Giải phóng Iraq”.
Vào tháng 10 năm 2002, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua “Nghị quyết Iraq”, cho phép Tổng thống George W. Bush (Bush con) “sử dụng mọi biện pháp cần thiết” để chống lại Iraq, tức là trao cho Tổng thống quyền sử dụng lực lượng quân sự để chống lại Iraq.
Và đến năm 2003, Quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ đã đạt được sự đồng thuận về một cuộc tấn công Iraq, với mục đích duy nhất là lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein.
Tuy nhiên, lực lượng đặc nhiệm Mỹ-Anh đã tiến vào Iraq ngay từ tháng 7/2002, hiện diện trong khu vực kiểm soát của Lực lượng vũ trang người Kurd Iraq (Peshmerga) để chuẩn bị trước cho cuộc tấn công của lực lượng quân sự đồng minh.
Để hợp pháp hóa âm mưu tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược, thay đổi chế độ ở Iraq, phương Tây tất nhiên là không quan tâm tập trung vào giải quyết mâu thuẫn giữa Baghdad và các đồng minh Trung Đông của Mỹ, mà chủ động leo thang căng thẳng, bằng những tuyên bố sai lệch và bằng chứng ngụy tạo.
Mỹ đã gán cho Iraq hai tội danh lớn là “ủng hộ và hậu thuẫn các tổ chức khủng bố quốc tế” như al-Qaeda và “âm mưu sản xuất, sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMDs)”, gây ra mối đe dọa đối với Hoa Kỳ cũng như các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực, nên bắt buộc phải ngăn chặn.
Cuộc chiến tranh tâm lý chống Iraq được cả hệ thống truyền thông phương Tây đẩy lên cao trào sau vụ khủng bố của al-Qaeda vào Tòa tháp đôi ở New York (Mỹ) vào ngày 11/9/2001, Mỹ đã thành công trong việc định hướng dư luận trong nước và quốc tế tin rằng, cuộc tấn công Iraq là một phần tất yếu của cuộc chiến chống khủng bố quốc tế trên phạm vi toàn cầu.
Để tạo cớ xâm lược Iraq, Mỹ đã ngụy tạo bằng chứng Iraq đang sản xuất vũ khí giết người hàng loạt (vũ khí sinh, hóa) với sự kiện nổi tiếng là vào ngày 05/02/2003, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell giơ một chiếc lọ mà ông cho là có chứa mầm bệnh than, làm bằng chứng về các chương trình vũ khí sinh học của Iraq trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Những tuyên truyền ngụy tạo này đã khiến hầu hết người Mỹ và một phần cộng đồng quốc tế tin rằng, Saddam Hussein đang sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đầu tháng 2 năm 2003, 64% người Mỹ ủng hộ tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm lật đổ Saddam Hussein, còn vào thời điểm cuộc chiến nổ ra, có tới 76% người Mỹ ủng hộ hành động quân sự tấn công vào Iraq, với mong muốn “chấm dứt chế độ độc tài Saddam Hussein, mang lại nền dân chủ cho nhân dân Iraq”.
Và những hành động của chính quyền Washington đã bị phơi bày khi vào năm 2004, “Ủy ban 11/9” của Hoa Kỳ kết luận: “Không có bằng chứng nào về mối quan hệ giữa chế độ Saddam Hussein với al-Qaeda” và “không tìm thấy kho dự trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc chương trình sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt nào đang hoạt động ở Iraq”.
Năm 2015, Thủ tướng Anh Tony Blair trong cuộc phỏng vấn với CNN đã thừa nhận các báo cáo về việc sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq là sai sự thật.
Còn cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cho biết mình cảm thấy “thất vọng” về thông tin tình báo bị sai lệch, nhưng ông cũng cho rằng “việc lật đổ Saddam là điều cần thiết”.