Đã 14 năm nay tôi không còn biết tin về ông nhưng ấn tượng sâu đậm về ông thì tôi không thể quên được. Năm 2004, tôi được tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm ba nước Châu Phi là Angiê-ri, Nam Phi và Marốc.
Trong buổi gặp mặt hết sức thân tình của Thủ tướng Phan Văn Khải với bà con Việt kiều tại khách sạn Hilton ở Thủ đô Rabát nhân chuyến sang thăm chính thức Vương quốc Ma-rốc của Thủ tướng, tôi gặp vợ chồng ông Milut, một người Ma-rốc chính gốc đến dự cuộc gặp của Thủ tướng rất sớm.
Ông Milút nói tiếng Việt khá thuần thục, xúc động bày tỏ sự vui mừng sau hơn 30 năm xa Việt Nam được gặp Thủ tướng và các thành viên trong Đoàn.
Đôi lúc ông già gọi Thủ tướng là đồng chí và cũng như nhiều bà con Việt kiều đề nghị trong buổi gặp mặt, ông tha thiết mong Chính phủ Việt Nam sớm mở Đại sứ quán tại Marốc để “có nơi cho bà con đi về” cho đỡ nhớ quê hương và để bà con xin nhập cảnh dễ dàng mỗi khi muốn về thăm quê.
Ông già Marốc ấy có tên khai sinh là Milút, nhưng lại mang một cái tên Việt Nam khá đặc biệt: Hồ Chí Mạnh. Ông là một hàng binh trong chiến tranh của Pháp tại Việt Nam, được mang họ Bác Hồ.
Từ Ninh Bình đến nông trường Ba Vì
Milút sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Kênitơra của Marốc. Thời ấy, Marốc còn là thuộc địa của Pháp.
Cũng như bao nông dân khác, gia đình Milút rất nghèo, nghèo đến nỗi bây giờ nhớ lại ông vẫn không thể quên những ngày cơ cực theo cha mẹ làm lụng quần quật suốt năm, suốt tháng mà không đủ ăn, gần như luôn luôn bị đói.
Vì thế năm 20 tuổi, khi quân Pháp đến làng gọi lính, anh không ngần ngại đăng ký tham gia vì nghĩ rằng vào lính cho Pháp thì có lương cho gia đình bớt đói khổ.
Vào lính một thời gian ngắn, Milút được đưa sang Pháp huấn luyện rồi sau đó được bổ sung vào quân đội viễn chinh sang Việt Nam. Đến Hải Phòng ít ngày, đầu năm 1952, anh được đưa về đồn trú tại Ninh Bình.
Từ đây bắt đầu chuỗi ngày làm thân phận lính đánh thuê cho Pháp xâm lược Việt Nam. Từ thực tiễn cuộc sống tủi nhục của một người lính đánh thuê, lại hằng ngày hằng giờ chứng kiến tận mắt sự đối xử tàn nhẫn của quân đội Pháp đối với những người lính nghèo khổ Việt Nam, nhất là chứng kiến tội ác của quân Pháp đối với người dân Việt Nam trong những lần càn quét ra vùng kháng chiến, dần dần lương tâm Milút thức tỉnh.
Anh tự hỏi vì sao Pháp xâm lược quê hương anh mà anh vẫn theo chân người Pháp xâm lược Việt Nam? Một lần, sau trận càn, đơn vị của Milút bắt được một số Việt Minh.
Với vốn tiếng Việt ít ỏi mới học, anh hỏi chuyện một tù binh và thăm dò việc anh ra hàng Việt Minh, tham gia kháng chiến. Người tù binh này hết sức ủng hộ anh và dần dà bày cho anh cách thức vận động thêm một số bạn bè của anh có cùng chí hướng đào ngũ ra vùng kháng chiến.
Thế là, giữa năm 1952, anh cùng một số bạn bè mang theo súng đạn, bí mật ra vùng giải phóng, trở thành những hàng binh đầu tiên ở tỉnh Ninh Bình theo Việt Minh chống Pháp.
Ra vùng kháng chiến, Milút được trở về Thanh Hóa và vùng tự do Khu IV cũ, được giao nhiệm vụ địch vận, chuyên thảo truyền đơn vận động binh lính Pháp phản chiến.
Từ năm 1952 đến năm 1954, với cái tên Việt Nam đầu tiên là Nguyễn Văn Út, anh sống và chiến đấu như một người lính Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà quân đội kháng chiến Việt Nam giao cho.
Sau năm 1954, cùng hàng trăm anh em hàng binh các nước châu Phi trong quân đội Pháp như Ma-rốc, An-giê-ri, Tuy-ni-di... anh được điều về xây dựng Nông trường Việt - Phi ở Ba Vì, Sơn Tây.
Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra trong cả nước, máy bay Mỹ liên tục ném bom miền Bắc, anh được điều động nhận nhiệm vụ mới: Dạy tiếng Ả Rập cho một số cán bộ Việt Nam. Từ đó anh được lấy họ của Bác Hồ và mang tên mới là Hồ Chí Mạnh.
Con đường trở về Ma-rốc
Năm 1965, Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ra miền Bắc nước ta. Máy bay Mỹ liên tục bắn phá thủ đô Hà Nội và các tỉnh quanh Hà Nội. Cũng như nhiều đơn vị kinh tế khác, Nông trường Việt - Phi phải bố trí lại lực lượng sản xuất và nhiều người phải đi sơ tán. Một số hàng binh Châu Phi có nguyện vọng trở về quê hương.
Thời gian này, một số nước Châu Phi, trong đó có Ma-rốc chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam nên việc liên hệ để về quê của một số hàng binh gặp khó khăn.
Được Chính phủ ta đồng ý tạo điều kiện, Hồ Chí Mạnh sang Trung Quốc liên hệ với Sứ quán một số nước Châu Phi để xin giúp đỡ cho số anh em hàng binh trở về quê.
Song, anh cũng như hầu hết anh em hàng binh khác đều không còn giấy tờ gốc xác định quốc tịch nên các nước đều từ chối chấp nhận anh em trở về.
Sau nhiều lần liên hệ, có nước đồng ý nhận anh em nhưng lại không đồng ý nhận vợ con của anh em là người Việt Nam về theo, Hồ Chí Mạnh không chấp nhận điều kiện đó.
Riêng đối với Marốc, sau nhiều lần đề nghị không được, Hồ Chí Mạnh vẫn không nản. Anh tìm cách xin vào làm chân phục vụ kiêm bảo vệ của một sứ quán ở Bắc Kinh, chờ cơ hội tìm đường về nước.
Sau nhiều lần xin không được, cuối cùng anh viết thư tới vua Ma-rốc và tìm cách nhờ gửi qua đường thư ngoại giao để đến được tận tay nhà vua.
Chính nhờ lá thư này, nguyện vọng của anh và anh em hàng binh Ma-rốc được chấp nhận. Năm 1971, anh trở lại Việt Nam như trở về quê hương thứ hai của mình trước khi về lại Ma-rốc.
Tình yêu Việt Nam
Sau gần 20 năm, ở tuổi 40, chưa vợ, Milút trở lại quê hương Ma-rốc “khi đó vẫn nghèo như lúc tôi đi”. Ở Ma-rốc, Milút vẫn không nguôi ngoai nhớ đến Việt Nam.
Ông thường xuyên đến thăm các bạn hàng binh Ma-rốc cùng trở về để trò chuyện, ôn lại các kỷ niệm không quên về Việt Nam.
Tại nhà một người bạn, ông gặp chị Phương Lan, khi đó mới 16 tuổi, là con riêng người vợ Việt Nam của bạn mình.
Hai người yêu nhau rồi trở thành vợ chồng, đến năm 2004 đã có 12 người con và vài đứa cháu nội ngoại. Lấy vợ người Việt Nam ngay trên chính quê hương Ma-rốc, tình yêu Việt Nam của ông ngày càng sâu đậm.
Từng hình ảnh, kỷ vật dù là nhỏ nhất mang từ Việt Nam về hơn 30 năm trước, đến nay ông vẫn nâng niu, gìn giữ như là những báu vật của đời mình, nhất là những hình ảnh về Bác Hồ.
Ông kể, lần đầu tiên nhìn thấy Bác Hồ là khi cùng anh em hàng binh được diễu hành qua Quảng trường Ba Đình trong ngày 01/01/1955, đón Bác Hồ và Chính phủ về Thủ đô Hà Nội. “Khi thấy anh em chúng tôi, Bác Hồ nắm hai tay giơ lên, rồi tươi cười vẫy chào. Tôi xúc động quá, suýt khóc”.
Ông đưa tôi xem mấy tấm bưu ảnh chụp Bác Hồ câu cá bên suối ở Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đang đánh máy, Bác Hồ cùng các chiến sỹ cảnh vệ ăn cơm bên suối...
Mấy tấm bưu ảnh này tuy đã ố vàng, nhưng hình ảnh Bác Hồ vẫn còn rất rõ. Ông nói, mỗi khi các bạn Marốc đến chơi, ông đều đưa cho các bạn xem ảnh Bác vì hầu như những người bạn Marốc của ông tuy chưa đến Việt Nam nhưng đều biết đến Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ.
Ông chỉ cho tôi bức ảnh chụp năm 1959 khi ông cùng các bạn trong Nông trường Việt - Phi ở Ba Vì đón đoàn đại biểu quân sự Angiêri đến thăm, phía sau tấm ảnh có mấy câu tiếng Pháp và một câu tiếng Việt do chính tay ông viết, tuy bị lỗi chính tả (Bác Hồ thì viết thành Bắc Hồ) nhưng thể hiện tấm lòng kính yêu của ông đối với Bác Hồ: “Bắc Hồ muôn năm! 1959. Milút, V.N”.
Ông nói vẫn rất thích các món ăn Việt Nam, nhất là cá kho, nộm đu đủ, nước mắm... Năm tôi gặp ông thì ông đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn phải lao động vất vả để nuôi con, nuôi cháu, tiền nong dành dụm không nhiều nhưng vẫn mong có một ngày được cùng vợ con trở lại Việt Nam, quê vợ, để viếng Bác Hồ, để thăm lại những nơi ông từng gắn bó. Ông nói với tôi chỉ muốn được “ăn một bữa cơm Việt Nam với các bạn cũ Việt Nam trên quê hương Việt Nam”.
Trước khi chia tay tôi, ông Milút Hồ Chí Mạnh nói:
Bây giờ tôi quên chữ Việt Nam và viết xấu hơn trước nhiều, nhưng vẫn có thể viết cho anh mấy dòng để nói lên tình cảm của tôi đối với Bác Hồ và đối với Việt Nam.
Và ông đã viết mấy dòng sau đây trên cuốn sổ tay của tôi: “Tôi là người Marốc được mang họ của Bắc Hồ, là một người con của Bắc tên là Hồ Chí Mạnh, muốn được về Việt Nam quê của vợ tôi để viếng Bắc Hồ. Rabat ngày 19/11/2004. Milút”.
Không biết mười mấy năm đã qua ông Milut đã thực hiện được ước nguyện cùng vợ con trở về thăm lại Việt Nam hay chưa và bây giờ cuộc sống của vợ chồng ông ra sao.
Rất tiếc từ ngày đó đến nay tôi không nhận được tin tức gì của ông. Nhưng tình cảm của ông đối với Bác Hồ, đối với Việt Nam thì tôi không thể nào quên được./.