Quân đội nhân dân Việt Nam qua đánh giá của đối phương

 Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời.


Trong suốt 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đội quân cách mạng của dân, do dân và vì dân do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục và rèn luyện đã lập nên những chiến công vang dội: đánh thắng phát xít Nhật trong Cách mạng tháng Tám, giành độc lập dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đánh thắng hai cường quốc thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và Campuchia, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ nhân loại. 

Lý giải về thắng lợi vĩ đại của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 75 năm qua, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bạn bè trên thế giới đều khẳng định: Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội kiểu mới, được xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó còn là một quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, anh dũng chiến đấu; đoàn kết quốc tế, chí nghĩa, chí tình; cần, kiệm, liêm, chính trong xây dựng và chiến đấu; đánh thắng mọi kẻ thù…

Không chỉ bạn bè quốc tế đánh giá cao về Quân đội nhân dân Việt Nam, mà cả đối phương - những người trước đây ở bên kia chiến tuyến cũng phải thừa nhận về phẩm giá của "Bộ đội Cụ Hồ".

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 30 năm Ngày Quốc phòng toàn dân, TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết "Quân đội nhân dân Việt Nam qua đánh giá của đối phương" của Đại tá, Tiến sĩ Trương Mai Hương, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

Tướng Raoul Salan - người trực tiếp cầm quân trên chiến trường Việt Nam khi nói về lực lượng Việt Minh đã thừa nhận: "Quân đội Việt Minh là một lực lượng bộ binh xuất sắc… Lính bộ binh chính quy Việt Minh theo quan niệm của tôi, là địch thủ ghê gớm nhất mà Pháp đã gặp phải từ sau trận Verdun (Vécđoong). Lính bộ binh Việt Nam còn mạnh hơn người lính Đức vì với chất lượng đã có lại cộng thêm sức mạnh tập thể…". Và trong cuốn sách của mình - "Đông Dương đỏ", Raoul Salan khẳng định: "Sau 30 năm chiến tranh, vừa kết hợp được khả năng chiến đấu của mình, với lòng cuồng nhiệt và hăng say của quần chúng, người lính Việt Minh quả thực là một địch thủ đáng sợ trong thời đại ngày nay" và "Quân đội của họ (Việt Minh) - quân đội giỏi nhất trên thế giới hiện nay, đã chiến đấu kể từ năm 1945. Được trưởng thành trong khói lửa, quân đội này đã đạt tới đỉnh cao. Đó là một bộ máy chiến tranh không gì sánh kịp".

Khi đề cập đến các yếu tố khiến cho Việt Minh luôn giành thắng lợi, nhà sử học người Pháp André Telière khẳng định: "Mặc dù được trang bị thô sơ và kém hơn nhiều so với quân Pháp, nhưng vũ khí lợi hại nhất mà Việt Minh thường sử dụng để chế áp súng đạn của quân Pháp là dùng chiến lược đánh vào tinh thần đối phương", "chiến lược chiến tranh nhân dân và chiến tranh lâu dài để thắng địch". "Chiến lược phòng thủ của Việt Minh dựa vào các chiến khu, căn cứ và tổ chức quấy rối rộng khắp, vì thế đã tỏ ra rất có lợi. Còn chiến lược tiến công thì bao giờ họ cũng tìm cách đạt được tối đa khả năng di động để điều quân và tiến công đối phương". Trong tác chiến, Việt Minh thường vận dụng phương thức "hành quân ngắn và hành quân ban đêm vì nó giúp đạt được yếu tố chủ yếu trong trận đánh, tức là sự bất ngờ" và "Việt Minh được công nhận là bậc thầy trong loại chiến đấu này".

Trong cuốn "Lịch sử chiến tranh Việt Nam 1946 - 1975" (Vietnam at war, the history 1946 - 1975), Phillip B. Davidson đã phản ánh nỗi thất vọng của những binh lính Pháp khi đối mặt với lực lượng Việt Minh trong trận Điện Biên Phủ: "Chúng tôi chẳng biết phải vào cuộc như thế nào vì biết mình khó giành thắng lợi. Việt Minh là đội quân chân trần nhưng có ý chí thép. Họ thoắt ẩn, thoắt hiện như những con sóc và chỉ chờ lúc chúng tôi sơ hở là nổ súng... Việt Minh là những chiến binh rừng núi thực thụ vì từ Chiến tranh thế giới thứ hai trở đi họ luôn phải chiến đấu với người Nhật và sau đó là người Pháp để giải phóng Đông Dương. Trên phương diện đó, họ là những cầu thủ của đội bóng chuyên nghiệp, còn chúng tôi là những cầu thủ nghiệp dư".

Và các tù binh Pháp bị bắt trong chiến tranh đã nói lên tiếng nói của sự thật - điều mà các Chính phủ của họ, bằng cách này hay cách khác, đã che giấu: "Việt Minh và nhân dân Việt Nam giành thắng lợi vì họ đã anh hùng đoàn kết vì một lý tưởng, đã chiến đấu bằng tất cả sức mạnh của mình để chiến thắng quân đội viễn chinh Pháp được trang bị vũ khí hiện đại và máy bay của Mỹ. Nguồn gốc thắng lợi của họ chính là sự nghiệp đúng đắn vì nền độc lập dân tộc của mình, trong khi đó thì quân đội viễn chinh Pháp chiến đấu chỉ vì mục đích kiếm tiền… Không chỉ có mục tiêu và lý tưởng chiến đấu cao đẹp, Việt Minh và người dân Việt Nam còn là những người có trái tim nồng hậu, bởi từ khi bị bắt, chúng tôi đã luôn được cán bộ và chiến sĩ Việt Minh cũng như nhân dân Việt Nam đối xử tốt. Nhờ vào lòng khoan hồng của họ, chúng tôi còn sống và đã được hồi hương. Khi chuẩn bị về nước, tôi đã khóc vì có một cụ già đến nắm vai tôi và chúc mừng tôi như một người mẹ hiền nói với con trai mình". 

Nhiều tài liệu Pháp cũng tập trung phân tích, mổ xẻ về nguyên nhân dẫn đến thất bại của quân Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Tướng Cogny - Chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ, đổ lỗi cho tướng Navarre. Về phần tướng Navarre, sau cuốn "Đông Dương hấp hối" xuất bản năm 1956, đến năm 1979, hơn hai mươi năm sau khi Điện Biên Phủ đi vào lịch sử, Nhà xuất bản Plon (Paris) lại cho ra mắt bạn đọc cuốn Hồi ký nhan đề "Thời điểm của những sự thật", phê phán sự chỉ đạo của Chính phủ Laniel không tạo điều kiện cho ông ta thực hiện các chủ trương chiến lược. Ngược lại, Lanien, trong cuốn "Thảm kịch Đông Dương", thì lại đổ lỗi cho Navarre, cho rằng thất bại này chính là do chỉ huy tồi. Những nhận xét, đánh giá, đổ lỗi cho nhau như trên không có gì làm chúng ta ngạc nhiên bởi bản chất của chủ nghĩa đế quốc không bao giờ thay đổi khi chiến thắng không thuộc về họ.

Khi nhận xét về đội ngũ cán bộ chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong cuốn Hồi ký "Chuyện một nền hòa bình bị bỏ lỡ", ông Saiteny - một chính trị gia Pháp, người giữ vai trò quan trọng của Chính phủ Pháp tại Đông Dương những năm 1945 - 1946 đã viết: "Quả thật đáng tiếc khi nước Pháp đã không đánh giá đúng tầm cỡ ông Hồ Chí Minh, không hiểu nổi vai trò của ông và sức mạnh mà ông có trong tay".

Tác giả Michael Maclear trong cuốn sách "Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày" đã phân tích sâu sắc yếu tố chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và vai trò của vị Tổng Tư lệnh: "Đối với ông Giáp, cảm giác khi gặp thì người ta thấy ông là một con người giống Napoleon về dáng vóc và kiến thức. Ông ta là một chiến lược gia có tài, với chủ trương chạy đua thời gian, trước mắt phải diệt tốt, đợi thời cơ sẽ diệt xe… Ông thua nhiều trận nhưng ông ta lại chẳng bao giờ thua một cuộc chiến tranh nào". 

Không chỉ các tướng lĩnh, cựu binh Pháp mà giới chính trị, quân sự, các nhà khoa học và cả binh lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam cũng đánh giá cao những giá trị được coi là phẩm giá của Quân đội nhân dân Việt Nam - Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng. 

Trung tá thủy quân lục chiến Mỹ James G.Zumwalt, người từng tham chiến tại Việt Nam, là con trai của Phó Đô đốc Elmo Russell Zumwalt, Tư lệnh lực lượng Hải quân Mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn 1968 - 1970 khẳng định: Muốn nhìn thấu bản lĩnh, ý chí và sức sáng tạo của Quân Giải phóng, hãy nhìn vào Đường mòn Hồ Chí Minh và Địa đạo Củ Chi. "Đường mòn Hồ Chí Minh và Địa đạo Củ Chi là nơi hội tụ toàn bộ phẩm giá của bộ đội và nhân dân Việt Nam. Đây cũng là nơi phản ánh rõ nét nhất ý chí thép giúp bộ đội Việt thắng Mỹ. Đây là một ví dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc".

Đánh giá về sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, Neil Sheehan, cựu phóng viên tờ The New York Times, là tác giả hai cuốn sách "A Bright Shining Lie: John Paul Vann and America in Vietnam" (Tạm dịch: "Sự lừa dối hào nhoáng: John Paul Vann và người Mỹ tại Việt Nam"), và "After The War Over: Hanoi and Saigon" (Tạm dịch: "Sau chiến tranh: Hà Nội và Sài Gòn") đã khẳng định: "Quân chủ lực có giác ngộ chính trị và kỹ năng chiến đấu cao nhất, được trang bị bằng những vũ khí tốt nhất lấy được của đối phương", và bộ đội địa phương thì "nhiều đơn vị tiểu đoàn độc lập của tỉnh đạt trình độ chiến đấu gần ngang với những đơn vị chủ lực". 

Vào thời điểm đầu năm 1974, quân đội Sài Gòn không còn sức chiếm lại các vị trí đã mất, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ta quyết định hướng tiến công chính là vùng nông thôn, đồng bằng, nhằm đạt mục tiêu cơ bản là tạo thế, tạo lực, tiến lên giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế. Kế hoạch là tiến công tiêu diệt một bộ phận lực lượng quân đội Sài Gòn, giải phóng khu vực Thượng Đức (Quảng Nam), tạo thế uy hiếp thành phố Đà Nẵng từ hướng Tây Nam, tạo thuận lợi chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 ở địa bàn Quân khu 5. Bị thất bại ở mặt trận Thượng Đức, đối phương đã chỉ ra nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều bài báo, tạp chí đã chỉ trích Mỹ và chính quyền Sài Gòn, ca ngợi trình độ tác chiến, tinh thần chiến đấu kiên cường, bền bỉ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tập san "Quốc phòng" của quân đội Sài Gòn đã nhận xét: "Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng cường tập rất mạnh của Trung đoàn 66 Cộng sản Bắc Việt, sau nhiều đợt pháo bắn yểm trợ cho nhiều đợt bộ binh tấn công". Còn tờ tin "Mỹ và Thế giới" cũng vạch rõ thất bại nặng nề và khẳng định sức mạnh của Quân Giải phóng: "Tất cả các công sự phòng thủ cũng như hệ thống giao thông hào đều sụp đổ dưới những đợt pháo kích liên tục của quân Cộng sản Bắc Việt. Thất bại đối với Mỹ và quân đội Sài Gòn là không thể tránh khỏi". Phó Tổng thống Mỹ Rokefeller thất vọng: "Đã quá muộn để có thể làm bất cứ điều gì nhằm lật ngược tình thế tại Việt Nam Cộng hòa". 

Trong cuốn "Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ", tác giả Herring nhấn mạnh: "Những dấu hiệu cho thấy về sự giảm sút trong mức độ chi viện của Mỹ có tác động đến tinh thần của một đội quân đang tan tác dưới những "cú đấm" của Bắc Việt Nam". Tạp chí "Lục quân Mỹ" (Armed Forcer Journal), số tháng 6/1975 khẳng định: "Có thể thấy sự bi thảm trong toàn bộ Quân đội Sài Gòn ở giờ phút cuối cùng này… sự thật chúng ta nhận thấy sức mạnh vượt bậc của quân Cộng sản trên mọi mặt".

Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, chủ động, sáng tạo và phương châm "thần tốc, táo bạo", quân và dân ta đã tiến hành thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975), kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi lịch sử này đã tạo nên "Hội chứng Việt Nam" trong lòng nước Mỹ và câu hỏi "Vì sao Mỹ thất bại ở Việt Nam?" vẫn luôn được quan tâm và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Một số học giả đã khảo sát công phu để đưa ra những nhận định, đánh giá và ca ngợi Quân đội nhân dân Việt Nam trên các mặt: Bản chất chính trị, chiến thuật, chiến lược… qua đó giúp chúng ta có thêm những hiểu biết về quan điểm của các tác giả nước ngoài, đặc biệt là phía đối phương. Đây là điều cần thiết để chúng ta khách quan hơn khi nhận thức về vai trò, vị trí và sứ mệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 75 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành.

TTXVN/Báo Tin tức

/*** js CHAN TRANG ***/